“Tiếng lóng” Gen Z: Sáng tạo hay thách thức chuẩn mực?

ĐỨC LONG

VHO - “Tiếng lóng” đang trở thành ngôn ngữ thịnh hành trong giới trẻ, mang đến sự trẻ trung và gần gũi trong giao tiếp.

“Tiếng lóng” Gen Z: Sáng tạo hay thách thức chuẩn mực? - ảnh 1
Giới trẻ dùng “từ lóng” với nhiều biến thể khác nhau

Từ mật mã nội bộ đến xu hướng của Gen Z

“Hồng hài nhi”, “chằm zn”, “8386”, “manifest”, “dịu kha”... là những từ mới được cập nhật trong bộ sưu tập "tiếng lóng" gen Z gây bão mạng xã hội thời gian qua.

"Tiếng lóng" là một dạng thức ngôn ngữ đặc thù, được tạo ra và sử dụng bởi một cộng đồng người nhất định, mang đậm tính chất nội bộ. Mục tiêu chính của loại ngôn ngữ này là mã hóa thông tin, dựng nên một bức tường ngôn ngữ, nhằm ngăn chặn sự thấu hiểu từ bên ngoài.

Thực tế, "tiếng lóng" không chỉ xuất hiện ở giới trẻ. Nó tồn tại trong nhiều lĩnh vực, từ đời thường đến nghiệp vụ an ninh. Các cơ quan chức năng cũng sử dụng "tiếng lóng" để đảm bảo tính bảo mật trong các hoạt động đặc thù. 

Tuy nhiên, sự bùng nổ của "tiếng lóng" trên mạng xã hội đã tạo nên một "vũ trụ" ngôn ngữ riêng biệt của Gen Z, nơi những từ ngữ tưởng chừng vô nghĩa lại mang những tầng ý nghĩa.

Trong thế giới ngôn ngữ mạng xã hội, giới trẻ Việt Nam liên tục sáng tạo và cập nhật những tiếng lóng độc đáo, thể hiện sự năng động. “Hồng hài nhi” là một cách chơi chữ, lấy cảm hứng từ nhân vật trong Tây Du Ký, trong tiếng lóng của giới trẻ là cách gọi dí dỏm những chàng trai trẻ đẹp, năng động. 

“Dịu Kha” xuất phát từ một TikToker nổi tiếng, dùng để mô tả trạng thái nhẹ nhàng, dễ chịu, hoặc chỉ những người tuy nhẹ nhàng nhưng vẫn rất cuốn hút. Hay “Chằm zn” là cách nói lái từ “trầm cảm”, với chằm là trầm và Zn là ký hiệu hóa học của kẽm, thể hiện trạng thái buồn chán.

Bên cạnh đó, nhiều từ tiếng Anh cũng được cho vào từ điển "tiếng lóng" của giới trẻ. “Manifest” được hiểu là hành động tập trung niềm tin vào một điều gì đó, hy vọng nó thành hiện thực.

Thời đại số phát triển đã mở ra không gian tự do để "tiếng lóng" phát triển mạnh mẽ như một thứ ngôn ngữ riêng của Gen Z. Giới trẻ dùng "tiếng lóng" để khẳng định cái tôi, kết nối cộng đồng, phản ánh tư duy linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh nhạy với xu hướng. 

Mạng xã hội trở thành sân chơi ngôn ngữ, nơi giới trẻ thỏa sức sáng tạo. Các trào lưu trực tuyến, clip hài hước trên nền tảng TikTok, Facebook, Instagram đều là nguồn cảm hứng bất tận. "Tiếng lóng" bắt nhịp nhanh chóng, tạo nên sự hài hước, sinh động trong giao tiếp.

Việc sử dụng "tiếng lóng" giúp giới trẻ khẳng định mình là một phần của cộng đồng, đồng thời tạo ra sự khác biệt với các thế hệ khác. "Tiếng lóng" cũng là cách để họ thể hiện sự hài hước, mỉa mai, thậm chí là phản kháng trước những chuẩn mực xã hội.

Trung bình trong mỗi cuộc trò chuyện, giới trẻ lại sử dụng "tiếng lóng" để giao tiếp. Mỗi khi có từ lóng mới xuất hiện, mọi người trong nhóm đều nhanh chóng học theo. Điều này làm cho các cuộc trò chuyện trở nên hài hước, thú vị và hợp thời hơn.

“Tiếng lóng” Gen Z: Sáng tạo hay thách thức chuẩn mực? - ảnh 2

"Từ lóng" là con dao hai lưỡi

"Tiếng lóng" đang trở thành một phần không thể thiếu trong ngôn ngữ giao tiếp của giới trẻ, mang đến sự thoải mái và gần gũi. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều "tiếng lóng" có thể dẫn đến những hệ lụy. 

Thoải mái trong giao tiếp không đồng nghĩa với việc tách mình khỏi cộng đồng. Ngôn ngữ là cầu nối, là phương tiện giao tiếp chung. Sử dụng "tiếng lóng" quá đà sẽ tạo ra rào cản, khiến nhiều người không hiểu ý nghĩa. 

Đặc biệt, "tiếng lóng" có thể ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp của giới trẻ trong môi trường chuyên nghiệp hoặc khi tiếp xúc với các thế hệ khác. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng thành công trong công việc và các mối quan hệ xã hội.

Bên cạnh đó, "tiếng lóng" có thể ảnh hưởng đến khả năng lập luận, tư duy logic và kỹ năng viết. Việc phụ thuộc quá nhiều vào "tiếng lóng" khiến thông điệp trở nên rườm rà, thiếu mạch lạc, thậm chí làm giảm giá trị của những thông tin quan trọng.

Nhiều ý kiến cho rằng "tiếng lóng" sẽ làm “ô nhiễm” tiếng Việt, làm mất đi sự trong sáng và chuẩn mực của ngôn ngữ quốc gia. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng đây là một phần tất yếu của sự phát triển ngôn ngữ, phản ánh sự năng động và sáng tạo của giới trẻ.

Tiếng Việt là một ngôn ngữ sống, luôn thay đổi và phát triển theo thời gian. Sự xuất hiện của "tiếng lóng" là một phần của quá trình này. Điều quan trọng là cần có ý thức bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của tiếng Việt, đồng thời tiếp nhận những yếu tố mới một cách chọn lọc và phù hợp. 

Trong thời đại hội nhập, tiếng Việt không thể đứng ngoài dòng chảy ngôn ngữ toàn cầu. Sự du nhập và biến đổi là tất yếu. Hãy để "tiếng lóng" là điểm nhấn, là gia vị làm cuộc trò chuyện thêm phần sống động. Tuy nhiện, đừng lạm dụng, ảnh hưởng tới vẻ đẹp và sự trong sáng của tiếng Việt.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc