Thúc đẩy lộ trình tăng lương tối thiểu để đủ sống
VHO - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân mới đây đã kiến nghị, từ nay đến năm 2030, cần có lộ trình tăng lương tối thiểu lên gấp đôi để người dân đảm bảo mức sống, có thể sinh thêm con.

Kiến nghị được đưa ra khi Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế, xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, diễn ra hôm 15.2.
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP. HCM) cho rằng, ngoài mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cũng cần quan tâm, đảm bảo phát triển bền vững về con người. “Muốn một người phụ nữ sinh được hai con thì lương của một người đi làm phải nuôi được mình và đứa con. Nói cách khác, lương hai người đi làm phải nuôi được bốn người”, ông Nhân nhấn mạnh và lý giải: Lương đủ sống bình quân một người đi làm phải là 10,5 triệu đồng/tháng.
Nhưng hiện nay, quy định lương tối thiểu vùng 1 (đô thị), trong đó có TP.HCM chỉ là 4,96 triệu đồng. Tức là muốn tăng lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu phải tăng gấp đôi. “Nếu không tăng thì rất nhiều vợ chồng sẽ không dám đẻ, hoặc đẻ ít vì không nuôi được”, ông Nhân nói và cho rằng, từ nay đến năm 2030 cần có lộ trình tăng dần lương tối thiểu lên gấp đôi. Lúc đó mới đảm bảo có đủ lương, đẻ đủ hai con.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), Thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, chúng ta cần phân biệt mức lương tối thiểu khác với mức lương đủ sống. Lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất chi trả cho người lao động trong 8 giờ làm việc/ngày hoặc 48 giờ/tuần trong điều kiện bình thường. “Đây là sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế, đồng thời đây cũng là cơ sở để thương lượng tiền lương với chủ sử dụng lao động”, ông Quảng cho hay.
Còn mức lương đủ sống là phải đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình như lượng lương thực, dinh dưỡng, y tế, giáo dục, thậm chí có tích lũy để phòng rủi ro… Ví dụ năm 2018, Tổng LĐLĐ có làm cuộc khảo sát mức lương tối thiểu của người lao động ở TP.HCM trong ngành dệt may thì mức lương tối tiểu là chưa đến 4.000.000 đồng, nhưng mức lương đủ sống được xác định lại là 9.000.000 đồng. Như vậy lương đủ sống nó phải hơn gấp đôi mức lương tối thiểu, nếu không giải thích nhiều người sẽ hiểu nhầm.
Chia sẻ thêm về đề xuất cuộc họp của Hội đồng tiền lương quốc gia về tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2025, ông Hà Đình Quảng cho rằng, sẽ diễn ra vào đầu tháng 3 khi các cơ quan đã ổn định công tác sắp xếp, ổn định nhân sự. Mọi năm, cuộc họp gồm ba cơ quan: Bộ LĐ,TB&XH (đại diện Chính phủ), Tổng LĐLĐ Việt Nam (đại diện người lao động), và VCCI (đại diện giới chủ sử dụng lao động) sẽ thảo luận mức tăng lương tối thiểu theo vùng cho người lao động.
Mức tăng này được đưa ra căn cứ dựa vào 7 yếu tố, trong đó yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất đó là mức sống của người lao động và gia đình họ. Yếu tố thứ hai cũng rất quan trọng đó là chỉ số CPI và tốc độ tăng trưởng GDP; thứ ba là năng suất lao động, tiếp theo là khả năng chi trả của doanh nghiệp…
Tiền lương tối thiểu đã áp dụng ở Việt Nam được 12 năm, tổng cộng mức tăng lương tối thiểu là khoảng 90%, đặc biệt năm 2012 mức tăng 14,2%. Tuy nhiên những năm gần đây mức tăng đã giảm, như năm 2024 chỉ tăng có 6% và năm 2022 chỉ tăng 5,3%. Như vậy là mức bình quân tăng lương của người lao động thấp hơn.
“Tôi cho rằng để thực hiện được tham vọng như ông Nguyễn Thiện Nhân đề xuất đến năm 2030 chúng ta đạt được mức lương đủ sống thì trong thời gian tới mức tăng tiền lương tối thiểu vùng phải được xem xét đẩy nhanh tốc độ”, ông Quảng bày tỏ. Dù đã thực hiện lương tối thiểu vùng 12 năm qua và mức lương này thấp hơn thu nhập thực tế của người lao động nhưng Phó trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động khẳng định, vẫn chưa thể bỏ mức lương này bởi quan hệ lao động cũng như việc thương lượng tiền lương của Việt Nam chưa theo cơ chế thị trường hoặc thực hiện chưa triệt để.
“Một số lao động chất lượng cao tại Việt Nam đã thực hiện cơ chế tự thoả thuận tiền lương với doanh nghiệp theo giá trị sức lao động của mình. Nhưng đa số lao động thương lượng yếu, vẫn chấp nhận mức lương mà doanh nghiệp đưa ra nên buộc phải duy trì Hội đồng tiền lương để đàm phán tăng lương tối thiểu vùng hằng năm, buộc doanh nghiệp không được trả lương dưới mức lương này cho người lao động. Nếu việc thương lượng tiền lương phát triển mạnh thì lương tối thiểu vùng không còn ý nghĩa nữa”, ông Quảng nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, không doanh nghiệp nào trả cho người lao động ở mức lương tối thiểu vùng, mà đó chỉ là mức sàn để đóng BHXH. Ví dụ một số lao động có thu nhập 10 triệu đồng bao gồm lương tối thiểu và thù lao cho việc làm thêm, năng suất lao động… Nếu người lao động thương lượng được tiền lương 10 triệu đồng, tức là đã vượt mức lương tối thiểu vùng và mức đóng BHXH của doanh nghiệp cũng cao hơn, đảm bảo mức lương hưu cao khi không còn tuổi lao động.