Không kịp điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1.1.2024

VHO - Đến quý IV năm 2023, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ tổ chức phiên họp thứ 2 và khi đó mới có thể đưa ra khuyến nghị trình Chính phủ. Do vậy, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2024 sẽ không thể áp dụng từ 1.1.2024 như thông lệ trước đó.

Chiều ngày 17.10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Thị Hà đã chủ trì buổi họp báo thông tin về kết quả thực hiện chính sách lao động, người có công và xã hội 9 tháng năm 2023.

Không kịp điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1.1.2024 - Anh 1

Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Thị Hà chủ trì buổi họp báo

Tại buổi họp báo, ông Tống Văn Lai, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết Bộ LĐ,TB&XH đã báo cáo Chính phủ về việc lùi thời gian trình phương án tăng lương tối thiểu tới cuối năm nay.

Theo ông Lai, Hội đồng Tiền lương Quốc gia dự kiến sẽ bàn bạc về thời điểm và mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 vào cuối quý IV năm 2023, cuộc họp sẽ diễn ra khoảng cuối tháng 11.2023 đầu tháng 12.2023. “Sau phiên họp bàn này, Hội đồng Tiền lương quốc gia mới thống nhất và trình đề xuất lên Chính phủ. Quy trình như vậy nên chắc chắn không kịp điều chỉnh lương tối thiểu cho người lao động vào đầu năm 2024 như thông lệ ", ông Lai thông tin.

10 năm qua, kể từ khi Hội đồng Tiền lương quốc gia được thành lập, lương tối thiểu vùng thường điều chỉnh vào ngày 1.1 hàng năm. Nhưng riêng năm 2022 do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên kỳ điều chỉnh lương được thực hiện vào ngày 1.7. Theo ông Tống Văn Lai, năm 2024 cũng sẽ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng vào ngày 1.1.

Trước đó, tại phiên họp đầu tiên vào đầu tháng 8.2023, đại diện cho người lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 5 – 6% để bù đắp chỉ số trượt giá, duy trì tiền lương thực tế cho người lao động. Tuy nhiên trước những khó khăn của doanh nghiệp, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất hoãn thương lượng tăng lương tối thiểu đến cuối năm 2023 mới bàn thảo tiếp về mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh.

Không kịp điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1.1.2024 - Anh 2

Ông Tống Văn Lai, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương

 Một phần nguyên nhân là do suy thoái kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, gỗ... khiến hơn nửa triệu lao động mất việc, giảm giờ làm... Việc điều chỉnh mức tăng và thời điểm tăng sẽ cần phải được xem xét kỹ lưỡng hơn.

Ông Lai cho biết, Hội đồng Tiền lương Quốc gia hiện nay có 17 thành viên gồm 5 thành viên thuộc Bộ LĐ,TB&XH, 5 thành viên đại diện doanh nghiệp, 5 thành viên đại diện người lao động và 2 chuyên gia độc lập. Từ khi thành lập đến nay, trong 10 năm qua, Chính phủ đều điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.

Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho người lao động. Mức này áp dụng với người làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật Lao động; làm việc trong doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động.

Từ ngày 1.7.2022 đến nay, lương tối thiểu vùng 1 là 4,68 triệu; vùng 2 là 4,16 triệu, vùng 3 là 3,64 triệu và vùng 4 là 3,25 triệu đồng. Thông thường lương tối thiểu vùng được điều chỉnh hằng năm, nhưng từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, chu kỳ này đã bị thay đổi.

Ngoài ra, tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ LĐ,TB&XH đã thông tin về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện công tác người có công, phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm; phát triển giáo dục nghề nghiệp, giảm nghèo bền vững, bình đẳng giới; một số điểm mới của Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)…

Q.HOA

Ý kiến bạn đọc