Thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên và khó lường hơn

ĐỨC DUY

VHO - Trước năm 2021, khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương ôn đới và miền Tây Canada rất hiếm khi trải qua những đợt nắng nóng chết người.

Thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên và khó lường hơn - ảnh 1
Đống đổ nát của vụ cháy rừng vào năm 2023, tại Lahaina, Hawaii. Ảnh: AP

Vùng nhiệt đới Hawaii từng được ví như một đại dương cách xa những đám cháy rừng do hạn hán, cho đến khi điều đó không còn nữa. Với nhiều người ở vùng Bắc Carolina, trước đây, bão chỉ là vấn đề ven biển cho đến khi cơn bão Helene đổ bộ bất ngờ vào năm ngoái.

Theo các nhà khoa học khí hậu và dữ liệu của chính phủ, biến đổi khí hậu đang khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn.

Theo các chuyên gia về khí tượng, thảm họa và sức khỏe, với những gì thế giới đã trải qua gần đây, thời tiết cực đoan hiện đã trở thành chuẩn mực, chưa nói đến việc chuẩn bị cho tương lai tồi tệ hơn đang chờ đợi

"Biến đổi khí hậu dường như đang trở thành bình thường, điển hình. Những gì chưa từng xảy ra trong cuộc đời con người hoặc thậm chí có thể trong một nghìn năm qua đang trở thành hiện tượng cực đoan mới. Chúng ta đang trải nghiệm những diễn biến thời tiết chưa từng xảy ra trước đây", nhà khoa học khí hậu Michael Oppenheimer của Đại học Princeton nói trên hãng AP.

Chỉ số cực đoan về khí hậu trung bình 10 năm qua của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia đã ghi nhận cao hơn 58% so với những năm 1980.

Nhà khoa học khí hậu Oppenheimer khẳng định mặc dù có quỹ đạo ảm đạm, nhưng xã hội vẫn chưa hành động đủ cảnh giác.

"Thay đổi quan điểm"

Mặc dù biến đổi khí hậu là vấn đề lớn nhất, nhưng cách chúng ta phản ứng hoặc phớt lờ những thay đổi này có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, các chuyên gia nhấn mạnh.

Marshall Shepherd, Giáo sư khí tượng học tại Đại học Georgia, người từng là chủ tịch Hiệp hội Khí tượng Mỹ, cho rằng mọi người thường đưa ra quyết định dựa trên cách làm đã ứng phó với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trước đây.

Điều này không đủ cơ sở vì cơn bão đã trở nên dữ dội hơn.

Gần đây nhất là trận lũ lụt ở bang Texas (Mỹ).

"Đó là lũ quét. Đây cũng là khu vực thường xuyên xảy ra lũ lụt", Shepherd nói, đồng thời chỉ ra rằng lượng mưa chỉ trong vài giờ vào tuần trước hoàn toàn không bình thường.

Kim Klockow McClain, nhà khoa học xã hội về thời tiết khắc nghiệt tại Đại học Nghiên cứu Khí quyển, người nghiên cứu về truyền đạt cảnh báo và rủi ro về thảm họa, nhận định mọi người cần thay đổi cách suy nghĩ về thảm họa, ngay cả khi họ không sống ở những địa điểm dễ xảy ra thảm họa nhất.

 “Thông điệp cần truyền tải là, nếu bạn đã quen với mức độ lũ lụt gây phiền toái nào đó, hãy nhìn vào những gì đã xảy ra ở Texas và cần thay đổi tư duy ứng phó với các thảm hoạ thiên tai ”, bà McClain cho biết.

Lờ đi không phải là cách giải quyết

Hết lần này đến lần khác, sau những cơn bão và cháy rừng thảm khốc, những người bị ảnh hưởng vẫn nói rằng họ không nghĩ điều đó có thể xảy ra với mình. 

"Đó giống như một cơ chế tâm lý để bảo vệ chúng ta rằng điều đó không thể xảy ra", Susan Cutter, đồng giám đốc Viện Khả năng Chống chịu và Dễ bị tổn thương Nguy hiểm tại Đại học Nam Carolina, cho biết.

Lori Peek, Giám đốc Trung tâm Rủi ro Thiên nhiên tại Đại học Colorado khẳng định việc sống sót sau các sự kiện cực đoan trong quá khứ có thể khiến mọi người tin rằng điều đó sẽ không xảy ra nữa hoặc nếu có, họ sẽ ổn. 

Giám đốc Lori Peek nhấn mạnh sự tự tin thái quá này có thể gây nguy hiểm.

"Chỉ vì tôi đã sống sót qua một vụ hỏa hoạn, một trận lũ lụt, một cơn bão hoặc một cơn lốc xoáy, điều đó không có nghĩa là lần tiếp theo sẽ giống như lần trước", bà nói thêm.

Theo các nhà khoa học, khi thời tiết ngày càng khắc nghiệt, khả năng chuẩn bị và ứng phó với khí hậu khắc nghiệt vẫn chưa theo kịp.

“Cơ sở hạ tầng ở đất nước chúng ta đang già đi và dễ bị tổn thương hơn do thực tế ngày càng có nhiều người sống trong vùng nguy hiểm. Khi dân số tiếp tục tăng, không chỉ có nhiều người hơn trong đất liền mà còn có nhiều người sống ở những khu vực đặc biệt nguy hiểm như vùng ven biển”, bà Peek nhấn mạnh.