Người dân làng cổ Himalaya tìm đến cuộc sống mới do biến đổi khí hậu

HỒNG NHUNG

VHO - Nằm trên thung lũng ở vùng Mustang của Nepal, cao hơn 13.000 feet (3.962 mét) so với mực nước biển, người dân ngôi làng Samjung ở dãy Himalaya có nhịp sống chậm rãi và thận trọng.

Người dân làng cổ Himalaya tìm đến cuộc sống mới do biến đổi khí hậu  - ảnh 1
Dân làng đi bộ về phía cánh đồng để trồng cây táo tại khu định cư mới sau khi rời làng cổ Himalaya. Ảnh: AP

Hàng ngày, dân làng chăn nuôi bò yak, cừu và thu hoạch lúa mạch dưới những vách đá màu đất son dựng đứng.

Sau đó, nước cạn kiệt. Những ngọn núi phủ tuyết chuyển dần sang màu nâu và cằn cỗi khi lượng tuyết rơi giảm dần theo từng năm. 

Sau đó, các suối và kênh đào biến mất. Khi trời mưa, nước tràn vào cùng một lúc, làm ngập cánh đồng và làm tan chảy những ngôi nhà bằng bùn.

Các gia đình lần lượt rời đi, để lại những tàn tích của cộng đồng bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu. Những ngôi nhà bằng bùn đổ nát, ngôi nhà bậc thang nứt nẻ và  ngôi đền không được chăm sóc.

Biến đổi khí hậu

Các vùng núi Hindu Kush và Himalayan — trải dài từ Afghanistan đến Myanmar — có nhiều sông băng hơn bất kỳ nơi nào khác ngoài Bắc Cực và Nam Cực.

Sông băng cung cấp nước đến những con sông lớn nuôi sống 240 triệu người trên núi và 1,65 tỷ người khác ở hạ lưu.

Những khu vực ở độ cao như vậy đang ấm lên nhanh hơn vùng đất thấp.

Các sông băng giờ đây đang rút lui. Khu vực đất đóng băng vĩnh cửu  tan chảy khi tuyết rơi trở nên khan hiếm và thất thường hơn, theo Trung tâm Phát triển Núi tích hợp Quốc tế (ICMOD) có trụ sở tại Kathmandu.

Kunga Gurung là một trong số nhiều người ở dãy Himalaya cao đã phải di dời đến vùng đất mới do ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

“Chúng tôi di chuyển vì không có nước. Chúng tôi cần nước để uống và để canh tác. Nhưng ở đó không có nước. Có ba con suối, và cả ba đều khô cạn”, Gurung, 54 tuổi, cho biết.

Giáo sư Neil Adger tại Đại học Exeter nhấn mạnh biến đổi khí hậu đang âm thầm định hình lại nơi mọi người có thể sống và làm việc. 

Ở những nơi như Mustang, cuộc sống người dân đang trở nên khó khăn hơn. Biến đổi khí hậu là lý do khiến họ di chuyển. 

"Hàng ngày, các kiểu thời tiết thay đổi thực sự đã ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người", Giáo sư Adger nói.

Cộng đồng buộc phải di dời

Trên toàn cầu, thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu đang khiến các cộng đồng phải di dời, dù là bão nhiệt đới mạnh ở Philippines và Honduras, hạn hán ở Somalia hay cháy rừng ở California.

Amina Maharjan, chuyên gia di cư tại ICMOD cho biết ở những ngọn núi cao nhất thế giới, Samjung không phải là cộng đồng duy nhất phải bắt đầu lại. Một số ngôi làng cũng đã di dời quãng đường ngắn, nhưng nguyên nhân chính chắc chắn là do thiếu nước.

“Tình trạng thiếu nước đang trở nên trầm trọng hơn”, bà Amina Maharjan nói.

Các sông băng co lại khi thế giới ấm lên, là bằng chứng rõ ràng và trực tiếp nhất về biến đổi khí hậu.

Báo cáo năm 2023 nhận định tới 80% khối lượng sông băng ở Hindu Kush và dãy Himalaya có thể biến mất trong thế kỷ này nếu lượng khí thải nhà kính không được cắt giảm.

Gần ba năm nay, vùng Thượng Mustang không có tuyết rơi. Đây là một đòn giáng mạnh vào những người đang sống và làm nông ở các ngôi làng trên cao.

Tuyết rơi theo truyền thống sẽ thiết lập lịch theo mùa, xác định thời điểm trồng lúa mạch, kiều mạch, khoai tây và ảnh hưởng đến sức khỏe của gia súc chăn thả.

"Điều này cực kỳ quan trọng", Maharjan nói.

Đối với Samjung, hạn hán và tổn thất ngày càng tăng bắt đầu vào đầu thế kỷ. Những ngôi nhà bùn truyền thống đã sụp đổ khi mưa gió mùa ngày càng dữ dội hơn.

Các sườn dốc và thung lũng hẹp của khu vực này dẫn nước vào lũ quét, phá hủy nhà cửa và đất nông nghiệp đồng thời gây ra làn sóng di cư bắt đầu từ một thập kỷ trước.

Xây dựng ngôi làng mới

Việc di dời ngôi làng không hề đơn giản. Người dân phải tiếp cận nguồn nước đáng tin cậy và cộng đồng lân cận để hỗ trợ trong thời gian xảy ra thiên tai. 

Di dời gần hơn đến những con đường núi quanh co sẽ giúp dân làng tiếp thị mùa màng và hưởng lợi từ du lịch đang phát triển.

Pemba Gurung, 18 tuổi và chị gái Toshi Lama Gurung, 22 tuổi, không nhớ nhiều về việc chuyển đi khỏi ngôi làng cũ. Nhưng họ nhớ khoảng thời gian khó khăn để bắt đầu lại.

Các gia đình đã dành nhiều năm để thu thập vật liệu để xây dựng những ngôi nhà bùn mới với mái tôn sáng bóng trên bờ sông băng Kali Gandaki, cách đó gần 15 km (9 dặm).

Họ xây dựng nơi trú ẩn cho gia súc và kênh đào để dẫn nước về nhà. Chỉ khi đó họ mới có thể chuyển đi.

Một số dân làng vẫn chăn cừu và bò Tây Tạng, nhưng cuộc sống có chút khác biệt ở New Samjung, gần Lo Manthang, một thành phố thời trung cổ có tường bao quanh tách biệt với thế giới. 

Đây là trung tâm của những người hành hương và khách du lịch muốn đi bộ đường dài trên những ngọn núi cao và khám phá nền văn hóa Phật giáo cổ xưa của thành phố, vì vậy một số dân làng làm việc trong ngành du lịch.