“Thổi hồn” vào trang phục thổ cẩm Hrê

VHO - Những trang phục kiểu dáng hiện đại may bằng chất liệu thổ cẩm không chỉ được giới trẻ đồng bào dân tộc thiểu số Hrê ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) ưa chuộng mà còn hấp dẫn khách du lịch yêu thời trang thổ cẩm.

“Thổi hồn” vào trang phục thổ cẩm Hrê - Anh 1

Chị Nguyễn Thị An Tư đang cặm cụi may váy thổ cẩm

Đam mê sáng tạo
Dưới ánh sáng của chiếc đèn led nhỏ, chị Nguyễn Thị An Tư (45 tuổi) đang cặm cụi hoàn thành nốt công đoạn may viền cổ chiếc váy thổ cẩm để kịp giao cho khách. Năm nay, lễ hội nhiều nên lượng khách đến đặt hàng cũng tăng theo. Tính đến nay, chị Tư đã gắn bó với nghề hơn 20 năm. Chị sinh ra và lớn lên ở xã Đức Lân, huyện Mộ Đức sau đó lập gia đình theo chồng về huyện vùng cao Ba Tơ. Khi chưa đầy 20 tuổi, chị biết may thành thạo, cung cấp sỉ, lẻ số lượng lớn quần áo, bỏ mối cho các nơi, may trang phục hằng ngày cho người dân. 
Lúc đầu, chị Tư chỉ nhận may những bộ trang phục truyền thống cho bà con trong làng. Sau đó, thấy nhu cầu mặc những bộ trang phục thổ cẩm cách tân xuất hiện và phổ biến nên chị bắt đầu nhận thiết kế, may theo yêu cầu của khách. Để trang phục phù hợp với lứa tuổi, chị tìm hiểu nguồn vật liệu thổ cẩm có chất liệu vải mềm, hoa văn, họa tiết phù hợp với người Hrê rồi thiết kế, sáng tạo ra nhiều kiểu váy, áo có dáng dấp hiện đại như: quần áo, váy liền thân, áo dài… Sản phẩm của chị vừa giữ được đường nét hoa văn đặc trưng của dân tộc, vừa cách tân.  
“Trong khoảng 4 năm trở lại đây, nhận thấy nhiều người quan tâm đến trang phục truyền thống của người Hrê, tôi dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu mẫu mã, sản phẩm, phục vụ nhu cầu thị trường, sở thích của khách hàng, đón đầu xu hướng cùng với sự phát triển trở lại của nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Lượng khách đến cửa tiệm của tôi và một số hội viên phụ nữ ở chợ thị trấn Ba Tơ ngày càng nhiều hơn”, chị Tư bày tỏ.  

“Thổi hồn” vào trang phục thổ cẩm Hrê - Anh 2

Các bạn trẻ trong trang phục phối thổ cẩm

Khách hàng của chị Tư thường là giáo viên, học sinh các trường học, người làm công sở ở huyện Ba Tơ và một số huyện lân cận khác như Minh Long, Sơn Hà tìm đến đặt may. Ngoài trang phục truyền thống người Hrê, chị còn nhận may các sản phẩm cách tân thổ cẩm như váy dạ hội, đầm đi tiệc, cùng áo vest, áo dài kết hợp thổ cẩm.
Vào những đợt cao điểm, khách hàng đến đặt số lượng trang phục lớn trong dịp đầu năm học mới, ngày diễn ra các sự kiện quan trọng ở địa phương, các đơn vị đặt may với số lượng lớn, chị An Tư phải huy động thêm nhân công, gia đình để hỗ trợ. Gia đình chị vì thế cũng có thêm nguồn thu nhập ổn định trên 10 triệu đồng mỗi tháng từ nghề may.
“Từng có thời gian, các giá trị văn hóa, truyền thống của người Hrê bị phai nhạt trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Những năm trở lại đây, khi các giá trị văn hóa truyền thống của người Hrê từng bước được khôi phục trở lại ở một số địa phương, người dân địa phương, đặc biệt là giới trẻ quan tâm nhiều hơn đến thổ cẩm, đó là một tín hiệu đáng mừng để nghề may phát triển theo”, chị An Tư bộc bạch.

“Thổi hồn” vào trang phục thổ cẩm Hrê - Anh 3

Chất liệu thổ cẩm của đồng bào Hrê ở huyện Ba Tơ

Lan tỏa tình yêu thổ cẩm
Tìm về những bản làng của bà con Hrê ở huyện Ba Tơ, du khách sẽ thấy các bạn trẻ miệt mài, chăm chỉ, bằng đôi tay khéo léo của mình may thành những chiếc váy áo, áo dài… rất đẹp và duyên dáng để chị em diện trong các dịp lễ hội của làng, hay dành cho các thiếu nữ miền sơn cước điệu đà, dịu dàng, nhịp nhàng, duyên dáng, hòa chung với nhịp cồng chiêng của những chàng trai lực lưỡng trong những đêm hội làng,…
Chị Phạm Thị Mỹ Trinh (22 tuổi) ở xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, là một trong những người trẻ tiên phong phát triển nghề may trang phục truyền thống ở đây. Những sản phẩm của chị được ưa chuộng bởi sự cẩn thận, tinh tế trong từng đường kim, mũi chỉ. Theo chị, để may được một bộ trang phục mất khá nhiều thời gian và công sức. Một sản phẩm hoàn chỉnh không chỉ dừng lại ở yếu tố vừa vặn, tôn được vóc dáng người mặc mà còn phải có sự sáng tạo để vừa bắt kịp xu hướng của giới trẻ, sở thích của khách hàng đặt niềm tin vào bản thân mình mà vẫn giữ được bản sắc vốn có trong trang phục truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, việc kết hợp giữa các chất liệu vải khác nhau với vải thổ cẩm cần đến sự tỉ mĩ, cẩn thận, sáng tạo của mỗi người thợ để có được một sản phẩm hoàn chỉnh. Không cẩn thận, vải có thể bị tưa, đường may lệch hướng. 

“Thổi hồn” vào trang phục thổ cẩm Hrê - Anh 4

Chị Phạm Thị Mỹ Trinh đang dệt thổ cẩm ở Khu bảo tồn văn hóa Hrê ở thôn Làng Teng

“Trung bình mỗi bộ trang phục truyền thống, tiền công may khoảng 150 - 200 nghìn đồng. Mỗi ngày có thể may 2 bộ. Còn đối với các bộ trang phục truyền thống cách tân, cắt may cầu kỳ, cần phối hợp hoa văn thổ cẩm, nhiều vị trí có thể mất vài ngày, giá cả cao hơn tùy theo mỗi bộ. Niềm vui lớn nhất đối với tôi đó không chỉ là thu nhập để cuộc sống ổn định, mà còn được góp phần giữ gìn, phục hồi và phát triển văn hóa của dân tộc”, chị Trinh chia sẻ.
Để giữ vững thương hiệu đã dày công gầy dựng, chị Trinh mong muốn trong thời gian đến sẽ tiếp tục sáng tạo, thiết kế nhiều mẫu mã trang phục mới và sản phẩm gia dụng làm từ thổ cẩm. Những sản phẩm truyền thống của đồng bào Hrê đáp ứng nhu cầu của khách hàng gần xa. Góp phần thắp lên trong giới trẻ ngọn lửa đam mê, tình yêu đối với thổ cẩm nói riêng và văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung.

“Thổi hồn” vào trang phục thổ cẩm Hrê - Anh 5

Trẻ em thôn Làng Teng, xã Ba Thành trong trang phục thổ cẩm

Bà Đặng Thị Thúy Nga, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Tơ cho biết, việc khai thác, nhân rộng và phát triển các mô hình kinh tế từ bản sắc văn hóa truyền thống bản địa như nghề may là rất cần thiết, khi các giá trị văn hóa từng bước được quan tâm, đầu tư, du lịch địa phương ngày ngày càng được quan tâm, phát triển. Nghề này còn góp phần bảo tồn, lưu giữ nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc, thể hiện được năng khiếu, vẻ đẹp của người phụ nữ. Hội phụ nữ khuyến khích và tạo điều kiện để chị em hội viên truyền dạy, học hỏi lẫn nhau, phát triển nghề một cách bền vững. Đó cũng là cách để giữ gìn nghề dệt truyền thống của người Hrê.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc