Thầy đồ trẻ nặng lòng với thư pháp chữ quốc ngữ

NGUYÊN THÙY – ÁNH LINH

VHO - Theo đuổi thư pháp chữ quốc ngữ từ khi còn là chàng sinh viên, sau 18 năm, anh Nguyễn Thanh Tùng đã trở thành một trong những thầy đồ đóng góp tích cực cho nghệ thuật thư pháp tại Hà Nội.

18 năm chinh phục thư pháp chữ quốc ngữ

Sinh ra và lớn lên tại ngoại thành Hà Nội, ngay từ nhỏ, anh Nguyễn Thanh Tùng đã say mê những câu đối trên cổng đình làng. Kể từ đó, cậu bé ấy hằng ngày tập viết, phỏng lại những nét thư pháp trên những tấm bảng đen. Bắt đầu từ những nét viết bằng phấn nguệch ngoạc, thư pháp đã trở thành đam mê của anh Tùng từ lúc nào không hay.

Có niềm yêu thích đặc biệt dành cho thư pháp là thế nhưng phải tới khi vào TP.HCM để theo đuổi ước mơ trở thành nhà giáo, hành trình thư pháp của anh Tùng mới thật sự bắt đầu.

Chàng thanh niên Nguyễn Thanh Tùng rong ruổi khắp TP.HCM trên chiếc xe đạp để tìm người “dẫn lối” cho đam mê của mình. Sẵn có vốn kiến thức về Hán Nôm khi theo học ngành sư phạm Ngữ văn, chàng sinh viên ấy miệt mài học hỏi để biến ước mơ chinh phục thư pháp chữ quốc ngữ trở thành sự thật.

Thầy đồ trẻ nặng lòng với thư pháp chữ quốc ngữ - ảnh 1

Thầy đồ Nguyễn Thanh Tùng miệt mài viết thư pháp

Tới nay, anh Tùng vẫn không quên được những ngày mới bước chân vào con đường chinh phục thư pháp chữ quốc ngữ. “Ngày ấy, sinh viên ai cũng khó khăn, tôi phải đi xin bạn bè từng tờ báo để luyện viết. Chỉ có lúc để dư ra được một ít tiền, tôi mới dám mua giấy để viết thư pháp. Thế mà có những lúc rong ruổi trên đường, giấy rơi mất lúc nào không hay mà chỉ biết ngậm ngùi tiếc”, anh Tùng chia sẻ về những khó khăn trên hành trình chinh phục đam mê.

Sau 18 năm đồng hành cùng thư pháp chữ quốc ngữ, giờ đây, đó không chỉ là đam mê mà còn trở thành người bạn tâm giao của anh Tùng. “Thư pháp giúp tôi học được cách kết hợp lý trí và cảm xúc, giúp tôi dung hòa sự ngẫu hứng và cầu toàn của bản thân. Từ đó, tôi định hình được phong cách mình muốn theo đuổi. Chính vì vậy, tôi lấy bút danh Ngẫu Thư - tức là ngẫu hứng trong từng con chữ; cũng là lời nhắc nhở bản thân luôn phải dung hòa mọi khía cạnh của cuộc sống”, anh Tùng cho hay.

Thầy đồ trẻ nặng lòng với thư pháp chữ quốc ngữ - ảnh 2

Thầy đồ Nguyễn Thanh Tùng với đam mê thư pháp chữ quốc ngữ

Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, thầy đồ Nguyễn Thanh Tùng đã trở thành cái tên nổi bật trong cộng đồng thư pháp tại Hà Nội và thường xuyên đoạt các giải thưởng lớn. Đặc biệt hơn, anh được mời tham gia tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám với vai trò cán bộ giảng dạy thư pháp. Qua đó, anh đã góp phần giới thiệu nghệ thuật thư pháp Việt Nam tới hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước.

Khát vọng đưa thư pháp vươn xa

Bên cạnh duy trì đam mê thư pháp chữ quốc ngữ, anh Nguyễn Thanh Tùng còn là cán bộ truyền thông của một trường liên cấp lớn tại Hà Nội. Vì vậy mỗi ngày, thầy đồ trẻ đều phải hoàn thành khối lượng lớn công việc. Tuy nhiên, không vì vậy mà anh quên đi niềm đam mê thư pháp của mình.

Đã thành thông lệ, mỗi tối cuối tuần, anh Tùng và các cộng sự lại tất bật chuẩn bị giấy viết, bút lông và nghiên mài mực, sau đó khoác lên mình chiếc áo dài, đội vấn để sẵn sàng cho hoạt động tại tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nhờ tâm huyết của anh Tùng và các thầy đồ khác, không gian Nhà thầy đồ luôn nhận được nhiều sự quan tâm, thích thú của du khách. Là một trong những thầy đồ “cốt cán” của hoạt động trải nghiệm thư pháp, đối với anh Nguyễn Thanh Tùng, đây cơ hội quý báu để quảng bá nghệ thuật thư pháp Việt Nam tới du khách.

Thầy đồ trẻ nặng lòng với thư pháp chữ quốc ngữ - ảnh 3

Không gian trải nghiệm thư pháp tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn tấp nập du khách

Để hiện thực hóa khát vọng đưa thư pháp tới với nhiều bạn trẻ, anh Tùng còn tổ chức các lớp học thư pháp Quốc ngữ tại Lưu Đức Thư Đường (Quan Hoa, Cầu Giấy).

“Mới đầu, tôi chỉ dạy một vài người quen hoặc đồng nghiệp, nhưng sau đó càng ngày càng có nhiều người tìm tới vì muốn tìm thấy giá trị nội hàm qua thư pháp và được khơi dậy nguồn cảm hứng từ không gian của tôi. Việc mở lớp vừa để truyền lửa cho các bạn, vừa để tìm lại hình ảnh người giáo viên thuở trước,” anh Nguyễn Thanh Tùng bày tỏ.

Thầy đồ trẻ nặng lòng với thư pháp chữ quốc ngữ - ảnh 4

Không gian tại Lưu Đức Thư Đường giống như một “bảo tàng” thư pháp thu nhỏ

Mặc dù thư pháp khá kén người học bởi đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn cao nhưng tại Lưu Đức Thư Đường, các lớp học luôn kín chỗ. Học viên tại đây là những em nhỏ, sinh viên, người đi làm hay thậm chí là các cụ già. Họ đều có điểm chung là tình yêu đặc biệt cho thư pháp chữ quốc ngữ.

Thầy đồ trẻ nặng lòng với thư pháp chữ quốc ngữ - ảnh 5

Lớp học thư pháp của anh Tùng thu hút học viên mọi lứa tuổi

Mỗi học viên đều được thầy đồ Nguyễn Thanh Tùng giảng giải lý thuyết về thư pháp, sau đó uốn nắn từng nét để bộc lộ được cảm xúc của mỗi người.

Chị Thu Hương (Thái Bình) chia sẻ: “Mình quyết tâm học thư pháp vì muốn tìm về với bản thân, khám phá thêm chiều sâu tâm hồn cũng như hiểu hơn về văn hóa truyền thống Việt Nam. Lớp học của thầy Tùng giúp các học viên thư giãn sau mỗi giờ học căng thẳng. Mình mong rằng sẽ học được nhiều điều sau khóa học.”

Thầy đồ trẻ nặng lòng với thư pháp chữ quốc ngữ - ảnh 6

Lớp học thư pháp là cách để thầy đồ Nguyễn Thanh Tùng mang nghệ thuật thư pháp tới gần hơn với các bạn trẻ

Song song các hoạt động bảo tồn và phát triển thư pháp chữ quốc ngữ, thầy đồ Nguyễn Thanh Tùng cũng ấp ủ tổ chức thêm nhiều hoạt động ngoại khóa để đưa thư pháp vào đời sống thường nhật, đồng thời kết hợp cùng du lịch để giúp thư pháp chữ quốc ngữ đến gần hơn với du khách quốc tế.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc