Thấp thỏm lo bờ biển sạt lở, “nuốt trôi” nhà cửa
VHO- Gần 10 năm trời, mỗi mùa mưa bão về, người dân ở tổ 1, tổ 2, thôn Trung Phường, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam lại thấp thỏm, lo sợ nước biển dâng cao, bờ biển sạt lở đe dọa nuốt chưởng nhà cửa, đất đai sản xuất.
Tình trạng sạt lở tại khu vực biển Trung Phường ngày càng diễn biến nặng nề
Tình trạng nước biển dâng cao, xâm thực, cuốn trôi đất trồng trọt, dần dần “nuốt chửng” nhà cửa của người dân thôn Trung Phường đã diễn ra hàng chục năm nay. Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, mức độ tàn phá diễn ra ngày càng nghiêm trọng khiến cuộc sống người dân ở khu vực này luôn bất an. Nhiều hộ dân lo sợ đã chuyển đến nơi khác định cư. Những gia đình chưa có điều kiện để rời đi luôn lo lắng khi đoạn bờ biển kéo dài cả cây số qua địa phận thôn ngày càng sạt lở nghiêm trọng, chỉ còn cách nhiều căn nhà khoảng chừng 10m.
Người dân địa phương ở đây cho biết, khoảng 10 năm trước, khu vực ven bờ nơi cửa biển Cửa Đại đã bộc lộ dấu hiệu xói lở. Thời điểm ấy, nhiều gia đình đã lần lượt di dời đi nơi khác vì sóng biển công phá, đánh hư hỏng nhà cửa, đe dọa an nguy. Nhưng nhiều nhà gắn bó nghề biển, đất đai canh tác cũng ở đó nên khó lòng ra đi dù rất bất an.
Đoạn bờ biển có chiều dài hơn 1km ở thôn Trung Phường hiện vẫn chưa có kè, tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, nhất là trong mùa mưa bão và các đợt gió mùa đông bắc. Khu vực bờ biển nằm gần cửa sông Thu Bồn chảy ra biển Cửa Đại, mỗi khi vào mùa mưa bão, nước ở thượng nguồn chảy xuống mạnh, cộng với sóng biển công phá mạnh vào bờ làm sạt lở nặng nề.
Mỗi đợt mưa to, bão kéo dài, triều cường dâng cao, sóng đánh mạnh,…người dân và chính quyền lại cố gắng gia cố tạm thời bằng bao cát, cọc tre. Nhưng sạt lở ngày càng xâm thực sâu, chực chờ nuốt chửng nhà cửa, đất đai của người dân quanh đó. Những rừng cây lâu năm trồng dọc bờ biển có tác dụng chắn sóng nay cũng bị sóng quật trơ gốc, chết dần.
Một ngôi nhà ở Trung Phường bỏ hoang, sóng biển công phá, chực chờ quật ngã
Căn nhà của gia đình ông Trương Công Trực (67 tuổi) bị xói lở nặng từ năm 2019, hiện chỉ còn cách mép sóng chừng hơn 10m. Chừng ấy năm trời, cả gia đình sống trong sự lo lắng, bất an, nhất là mỗi mùa mưa bão đến. Ông Trực cho biết, năm 2022, mưa bão dồn dập liên tục, nước biển đánh sâu vào bờ thêm 50m khiến căn nhà ngập giữa biển nước và ngày thêm rệu rã.
Gần đây nhất, đợt mưa lớn kéo dài mấy ngày liền vào tháng 9, kết hợp sóng to, nước biển dâng cao phá tan hoang ven bờ, khoét ngay vị trí trước căn nhà, tạo thành con lạch nhỏ sâu hơn 1m. Thời điểm ấy, hàng chục hộ dân tổ 1 và tổ 2 đã góp tiền mua số lượng lớn tre để đóng cọc men theo con nước ven bờ nhằm hạn chế sức công phá của sóng biển. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, về lâu dài, người dân còn bám trụ nơi đây mong mỏi chính quyền địa phương đầu tư xây dựng kè cứng để sớm chấm dứt tình trạng sạt lở.
Ngôi nhà cạnh bên của con trai ông Trực, anh Trương Công Tuân cũng đã bỏ hoang từ gần 5 năm nay, sóng biển ăn sát tới vách nhà. Ngôi nhà được xây dựng năm 2015, chừng 4 năm sau bị bão thổi bay mái, nước biển ăn sâu sát vách, vợ chồng anh Tuân đã rời nhà đi vào Nha Trang định cư.
“Với cái đà sạt lở khủng khiếp này, chắc nhà của cha con tôi rồi cũng sẽ mất, bị nước biển, triều cường nhấn chìm, sập ngã trong nay mai như nhiều hộ dân trước đây ", ông Trực lo lắng.
Mỗi mùa mưa bão, người dân Trung Phường lại thấp thỏm lo sạt lở bờ biển
Ông Nguyễn Trường Chín, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Duy Hải cho biết, những năm qua, chính quyền địa phương đã được một số hộ diện nguy cơ sạt lở vào nơi ở xen ghép và khu tái định cư. Hiện tại thôn Trung Phường hiện còn tổng cộng gần 20 hộ dân nằm trong diện có nguy cơ sạt lở cao. Chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động người dân chuyển tới khu tái định cư để ổn định cuộc sống, song chỉ một số hộ đồng ý di dời.
Về đầu tư xây dựng kè cứng đảm bảo an toàn, xã cũng đã nhiều lần kiến nghị, huyện cũng đã kiểm tra nhưng kinh phí đầu tư quá lớn nên đã kiến nghị cấp trên nhưng vẫn chưa giải quyết được.
THU HOÀI