Thanh Hoá triển khai ứng phó với vùng áp thấp và mưa lớn

NGUYỄN LINH

VHO - Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hoá mới có văn bản số 112 đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai ứng phó với vùng áp thấp và mưa lớn trong những ngày tới.

Thanh Hoá triển khai ứng phó với vùng áp thấp và mưa lớn - ảnh 1
Khối lượng lớn đất, đá trên đồi đổ ập vào ngôi trường đang xây tại xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa)

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 21-22.9, rãnh áp thấp có khả năng hình thành vùng áp thấp ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bắc biển Đông và vịnh Bắc Bộ. Từ ngày 22-23.9, một đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, khả năng xuất hiện mưa to diện rộng ở phía Đông Bắc Bộ và từ Thanh Hoá đến Quảng Bình.

Để chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết nguy hiểm và mưa lớn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hoá đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết nguy hiểm trên biển; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu du lịch) đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Trên đất liền, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để khơi thông dòng chảy; chủ động di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Sẵn sàng phương án tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Tổ chức vận hành và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Sẵn sàng phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động. Kiểm tra, rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp, báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh và Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hoá và phóng viên Văn Hoá do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ, đã xuất hiện tình trạng sạt lở tại một số huyện miền núi của tỉnh Thanh Hoá.

Tại huyện Bá Thước, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ, đã xuất hiện tình trạng sạt lở bờ suối Cái có chiều dài khoảng 400m thuộc địa phận thôn Quang Trung, xã Lương Trung (điểm gần nhà dân nhất khoảng 7m) đã uy hiếp đến an toàn tính mạng, nơi ở của 56 hộ dân, 251 nhân khẩu và tuyến đường Tỉnh lộ 523B (điểm gần Tỉnh lộ 523B khoảng 3m), ảnh hưởng đến hơn 35ha đất sản xuất nông nghiệp.

Thanh Hoá triển khai ứng phó với vùng áp thấp và mưa lớn - ảnh 2
Sạt lở bờ suối Cái đe dọa 56 hộ dân và Tỉnh lộ 523B ở huyện Bá Thước (Thanh Hoá)

Trước diễn biến khó lường của mưa bão, UBND huyện Bá Thước đã thường xuyên chỉ đạo UBND xã Lương Trung và các lực lượng có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo đến các hộ gia đình trong khu vực bị ảnh hưởng để sẵn sàng sơ tán, di dời khi cần thiết và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ.

Được biết, huyện Bá Thước là 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước, có diện tích tự nhiên 77.757,2ha, địa hình phức tạp với ¾ diện tích là đồi núi, độ dốc cao. Hằng năm thường xuyên xảy ra thiên tai như lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, lốc, sét… gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và Nhân dân. 

Cũng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (Yagi) đã gây mưa lớn trên địa bàn huỵện huyện Lang Chánh, làm sạt trượt taluy dương (phần dốc từ trên núi xuống tới mặt đường) khiến khối lượng lớn đất, đá đổ ập vào trường học đang xây dựng tại xã Lâm Phú gây hư hỏng, xô nghiêng, nhiều vị trí tường bị nứt rộng 5-7cm; một số cột bị cong, gãy bên trái tầng một; hai phòng học bị đất tràn xuống làm đổ, sập một phần tường…

Để đảm bảo an toàn tại vị trí xảy ra sạt lở, trước mắt, UBND huyện Lang Chánh đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm, làm hàng rào không cho người và gia súc đi vào khu vực này.

Đồng thời, huyện cũng yêu cầu đơn vị thi công khẩn trương di dời tài sản, máy móc ra khỏi khu vực sạt lở, giao UBND xã cử người trực, canh gác 24/24h, tuyệt đối phải đảm bảo an toàn tính mạng của giáo viên, học sinh.

UBND huyện Lang Chánh cũng đã đề xuất với UBND tỉnh Thanh Hoá ra quyết định công bố tình trạng khẩn cấp về việc sạt lở tại điểm Trường THCS xã Lâm Phú, tìm phương án khắc phục bằng việc chọn địa điểm mới xây lại trường.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc