Thanh Hóa ra “tối hậu thư” với bảo hiểm xã hội – không để ai bị bỏ lại phía sau

NGUYỄN LINH

VHO - Trước thực trạng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) còn chưa tương xứng với quy mô dân số và tiềm năng phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chỉ đạo quyết liệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng cấp nhằm đẩy mạnh bao phủ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn.

Trong những năm qua, công tác triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, tỷ lệ người dân tham gia BHXH, BHYT vẫn còn thấp so với tiềm năng, chưa mang tính bền vững và chưa đạt kỳ vọng của tỉnh.

Thanh Hóa ra “tối hậu thư” với bảo hiểm xã hội – không để ai bị bỏ lại phía sau - ảnh 1
Cán bộ BHXH tỉnh Thanh Hóa tư vấn chính sách BHYT cho người dân tại xã vùng cao

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chỉ đạo cụ thể, yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ tham gia BHXH, BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến từng cán bộ, đảng viên, người sử dụng lao động và người dân.

Các chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN sẽ được lồng ghép vào nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội hằng năm. Đồng thời, tỉnh khuyến khích xã hội hóa và sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế như hộ cận nghèo, người dân vùng khó khăn.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa được giao vai trò nòng cốt trong triển khai các giải pháp kỹ thuật, kết nối dữ liệu liên thông với các sở, ngành để quản lý, phát triển đối tượng tham gia.

Tăng cường chi trả các chế độ qua tài khoản ngân hàng nhằm hiện đại hóa hệ thống, minh bạch tài chính và giảm tải thủ tục hành chính. Mục tiêu đến cuối năm 2025, tỷ lệ người thụ hưởng nhận qua tài khoản tại khu vực đô thị đạt trên 83%.

Sở Tài chính được giao trách nhiệm đảm bảo nguồn ngân sách cho các đối tượng chính sách và chủ trì tham mưu cơ chế hỗ trợ BHYT cho hộ cận nghèo.

Sở Nội vụ tăng cường giám sát việc chấp hành chính sách BHXH tại các doanh nghiệp, cung cấp định kỳ dữ liệu về lao động xuất khẩu cho BHXH tỉnh.

Sở Y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thẻ căn cước gắn chip và app VssID thay thế thẻ giấy.

Đáng chú ý, công tác thanh tra, kiểm tra cũng được siết chặt. Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, Cục Thuế, Liên đoàn Lao động tỉnh được yêu cầu phối hợp liên ngành để xử lý nghiêm các hành vi trốn đóng, chậm đóng, lợi dụng, lạm dụng quỹ bảo hiểm.

Các địa phương, đặc biệt là cấp xã, phải khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình để tăng tính lan tỏa và hiệu quả thực tiễn.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị – xã hội cũng được giao nhiệm vụ phối hợp tuyên truyền, vận động người dân, đồng thời giám sát, phản biện việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN tại địa phương.

Đây là lần hiếm hoi tỉnh Thanh Hóa đưa ra một kế hoạch hành động tổng lực, bao trùm nhiều cấp, ngành và lĩnh vực như vậy trong lĩnh vực bảo hiểm.

Điều này thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc đưa chính sách BHXH, BHYT, BHTN đến gần hơn với người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, nơi vẫn còn khoảng trống lớn trong công tác bao phủ bảo hiểm.

Việc đồng bộ dữ liệu dân cư, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, kiểm soát chi phí BHYT, mở rộng hệ thống dịch vụ thu, đẩy mạnh chuyển đổi số trong chi trả và kiểm tra, giám sát sẽ tạo nên những thay đổi mang tính nền tảng.

Nếu được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và liên tục, các chính sách này sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, đưa Thanh Hóa trở thành địa phương đi đầu cả nước trong bảo vệ an sinh xã hội bằng chính sách bảo hiểm toàn dân.