Quảng Nam thu hồi bằng công nhận làng nghề dệt chiếu An Phước

THU HOÀI

VHO - UBND tỉnh Quảng Nam vừa có quyết định thu hồi Bằng công nhận Làng nghề dệt chiếu An Phước (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) tại Quyết định số 4570/QĐ-UB ngày 26.10.2004 của UBND tỉnh Quảng Nam.

Lý do thu hồi vì làng nghề dệt chiếu An Phước, xã Duy Phước không đảm bảo các tiêu chí quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định số 43/QĐ-UBND (ngày 30.12.2022 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quy định công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam thu hồi bằng công nhận làng nghề dệt chiếu An Phước - ảnh 1
Vùng trồng nguyên liệu dệt chiếu cói ở Duy Xuyên, Quảng Nam

Cụ thể, làng nghề này không phát triển, không còn tạo ra sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc, không còn nghệ nhân gắn với nghề để truyền đạt lại nghề cho thế hệ sau…

Tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND huyện Duy Xuyên thực hiện thu hồi bằng công nhận, báo cáo tỉnh theo dõi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với huyện Duy Xuyên thực hiện việc cập nhật danh sách các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện quyết định này.

Quảng Nam thu hồi bằng công nhận làng nghề dệt chiếu An Phước - ảnh 2
Nguyên liệu dệt chiếu được nhuộm màu, phơi

Làng nghề dệt chiếu truyền thống An Phước (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) có tuổi đời hơn 500 năm.

Tương truyền ông tổ làng chiếu An Phước quê ở Thanh Hóa theo chân người mở cõi vào đây từ thế kỷ 15. Khi dừng chân ở đất này, ông mang theo cây lác (cói) và đặt làng phát triển nghề dệt chiếu.

Vào thời kỳ hưng thịnh, tại làng An Phước có những gia đình làm chiếu tới 14 đời, sản phẩm có màu sắc hài hòa, hoa văn sắc sảo, đa dạng mẫu mã như chiếu bông, chiếu xiêm, chiếu lảy chữ,…

Năm 2004, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định công nhận Làng nghề truyền thống dệt chiếu An Phước.

Tuy nhiên, hơn 5 năm qua, do sản phẩm khó tiêu thụ, thu nhập từ nghề ít ỏi nên người dân lần lượt bỏ nghề, không còn sản xuất nữa.

Theo quy định, để được công nhận, làng nghề truyền thống phải đáp ứng tiêu chí tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia một trong các hoạt động, hoặc các hoạt động ngành nghề nông thôn; sản xuất, kinh doanh ổn định tối thiểu hai năm liên tục tính đến thời điểm đề nghị công nhận. Chiếu theo tiêu chí trên, làng dệt chiếu An Phước không đáp ứng.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc