Phụ huynh đồng hành cùng con xây dựng thói quen đọc sách

MINH CHÂU

VHO - Nhờ kết hợp giữa nhiều hình thức tổ chức, phát động, tuyên truyền, xây dựng các mô hình hay, việc làm hiệu quả, những năm qua phong trào đọc sách tại TP Đà Nẵng đã thực sự lan tỏa sâu rộng, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của giới trẻ nói riêng và cộng đồng nói chung.

Phụ huynh đồng hành cùng con xây dựng thói quen đọc sách - ảnh 1
Đằng sau thành công của con là bóng dáng của cha mẹ

 Khẳng định vai trò của thư viện nhà trường

Trong hành trình lan tỏa văn hóa đọc, không thể không kể đến vai trò của Thư viện nhà trường. Đây không chỉ là nơi lưu trữ sách, mà còn là một nguồn cảm hứng vô tận để học sinh phát triển ngôn ngữ và tình yêu với tri thức nhân loại. Các trường học trên địa bàn TP đã xây dựng, hình thành n5hiều tủ sách phong phú, hấp dẫn, khơi gợi niềm vui đọc sách cho các em. Có thể kể đến “Thư viện hạnh phúc” ở Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu); CLB “Sách và những người bạn”, “Tủ sách lớp học” ở Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (quận Ngũ Hành Sơn)… thu hút đông đảo giáo viên, học sinh và phụ huynh cùng tham gia.

Bắt nguồn từ 2 đề án: Phát triển văn hóa đọc và Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trên địa bàn quận Sơn Trà, mô hình đọc sách quay video mang tên Đằng sau thành công của con là bóng dáng của cha mẹ (Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Sơn Trà) là sự sáng tạo hiệu quả của các thầy cô, nhằm khuyến khích học sinh cùng cha mẹ “vào cuộc”. Theo đó, các em sẽ lựa chọn một câu chuyện, một bài thơ... phù hợp với lứa tuổi của mình, sau đó tự quay video đọc sách và đăng lên group do nhà trường lập ra.

Nhờ tham gia đọc sách và quay clip, em Nguyễn Hà My đã rèn luyện thói quen đọc sách hằng ngày, làm quen với khả năng tập trung nên ngày càng đọc được nhiều sách hơn. Cô Võ Thị Mỹ Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để động viên học sinh đọc sách và chia sẻ, trường đã phân công giáo viên vào tương tác, bình luận tích cực trên bài đăng của các em. Nhờ đó, có em đã đạt trên 1.500 lượt đọc và quay video. “Chúng tôi sẽ duy trì mô hình này trong những năm tiếp theo để hình thành thói quen đọc sách cho học sinh, hy vọng sẽ góp phần thay đổi văn hóa đọc ở Việt Nam, tác động đến phụ huynh, để họ thấy rằng việc đọc sách là rất quan trọng cho con em mình”, cô Thu nói.

“Trại đọc” của thầy cô Trường Tiểu học Lê văn Hiến quận Ngũ Hành Sơn đã lan tỏa phong trào đọc sách sâu rộng trong học sinh. Mỗi buổi sinh hoạt của “Trại đọc”, các em không chỉ được thưởng thức những quyển sách hay, tham gia hoạt động giáo dục kỹ năng sống mà còn được thể hiện khả năng kể chuyện của mình, được lên tiếng chia sẻ cảm nhận của bản thân về những cuốn sách yêu thích, tham gia trò chơi tìm hiểu về sách, được tận tay làm những sản phẩm tặng cô, tặng mẹ…

Phụ huynh đồng hành cùng con xây dựng thói quen đọc sách - ảnh 2
Sách phát huy giá trị trong đời sống của giới trẻ

Xây dựng nhiều điểm đọc sách phong phú, hấp dẫn

Năm 2024, với sự khai cuộc của Ngày hội Văn hóa đọc Đà Nẵng, nhiều hoạt động phong phú, đa dạng dành cho các độc giả đã diễn ra, như: Trưng bày, kinh doanh xuất bản phẩm với nhiều tựa sách mới, sách hay; trưng bày bài dự thi Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc Đà Nẵng các năm; Rung chuông vàng “Thanh thiếu niên với Văn hóa đọc”; Hùng biện “Tết Việt qua những trang sách”; Vẽ tranh bìa sách “Dáng hình lịch sử”; “Dự án sinh viên tình nguyện phát triển văn hóa đọc”; Kể chuyện “Hành trình theo dấu chân những người anh hùng”…

Minh chứng cho hiệu quả của những phong trào, mô hình đọc sách trong nhà trường, cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc Đà Nẵng” lớn mạnh theo từng năm. Năm 2018 có 9.682 thí sinh tham gia, đến năm nay đã lên tới con số 43.162 thí sinh, Hội đồng Giám khảo đã lựa chọn 28 thí sinh tiêu biểu nhất để trao 4 giải “Đại sứ Văn hóa đọc” và 24 giải “Văn hóa đọc”. Ngoài ra, BTC còn chọn 6 bài xuất sắc nhất để gửi dự thi cấp Bộ VHTTDL. “Đại sứVăn hóa đọc Đà Nẵng” sẽ được tiếp tục tổ chức thường niên theo Đề án “Khuyến khích văn hóa đọc hướng đến đối tượng chính là học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” được ban hành tại Quyết định số 64/QĐ-UBND ngày 5.1.2018 của UBND TP. Những cuộc thi này đã góp phần phát triển phong trào đọc sách trong trường học, khích lệtinh thần sáng tạo, tích cực học hỏi của các em học sinh.

Bà Vũ Thị Ân, Phó Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng nhận định: “Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, Ngày hội văn hóa đọc, thi sáng tác truyện… quy mô thành phố, quận, huyện đã thu hút hàng ngàn học sinh tham gia, chứng tỏ sức hút của sách trong đời sống hiện nay. Chương trình Mở cổng trường học, thư viện, tủ sách để học sinh, nhân dân vùng lân cận đến tham gia, tiếp cận sách báo, tạo điều kiện cho cả người lớn và trẻ em cùng đồng hành trong hoạt động đọc sách. Bên cạnh đó, những chuyến xe Thư viện lưu động được trang bị khoảng 3.000 đầu sách, máy tính, máy chiếu, tivi, tài liệu điện tử… đã đưa kiến thức đến những nơi có điều kiện khó khăn trong việc tiếp cận văn hóa đọc”.

Để lan tỏa văn hóa đọc, thời gian tới, TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và nâng cấp các thư viện trường học. Khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động thư viện. Tổ chức các CLB đọc sách, thảo luận về tác phẩm văn học và các sự kiện văn hóa liên quan đến sách. Qua đó nâng cao trải nghiệm và phát triển niềm yêu thích đọc sách cho học sinh, góp phần hiệu quả vào thực hiện thành công đề án phát triển văn hóa đọc của thành phố.