Phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho trẻ

VIỆT THANH

VHO - Thời gian qua, một số trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra ở trường tiểu học, trẻ mầm non đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ của trẻ và tâm lý của các bậc phụ huynh. Báo Văn hoá đã có cuộc trao đổi với BSCKII Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) về vấn đề này.

. Phóng viên: Thưa bác sĩ, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại một số địa phương vẫn luôn là vấn đề lo lắng ở các bậc phụ huynh, bác sĩ có thể đánh giá như thế nào về vấn đề này?

BSCKII Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc: Tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra tại một số địa phương trong năm vừa rồi cho thấy đó là hồi chuông đáng báo động về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong năm qua đã xảy ra một số ngộ độc thực phẩm có tính chất hàng loạt, xảy ra ở cả người lớn và trẻ em, từ phía Nam ra Bắc, thậm chí có trường hợp tử vong ở trẻ em như trường hợp bé 5 tuổi tử vong sau khi ăn bánh mì ở Đồng Nai hay trường hợp cháu bé lớp 5 tử vong ở Nha Trang hồi đầu tháng 4 năm nay…

Phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho trẻ - ảnh 1
Ngộ độc thực phẩm ở trẻ em thường là vô ý do người lớn cho ăn hoặc tự ăn những thức ăn không đảm bảo vệ sinh

Thông thường, những trường hợp bị ngộ độc thực phẩm là do nhiễm khuẩn, liên quan đến vấn đề vệ sinh thực phẩm không tốt, để xảy ra nhiệm khuẩn vào thức ăn, khi trẻ ăn vào gây ra tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc cho cơ thể,trường hợp nặng có thể dẫn tới suy các cơ quan và cuối cùng là tử vong.

Trên địa bàn Hà Nội năm vừa rồi cũng xảy ra một số trường hợp trẻ bị ngộ độc thực phẩm hàng loat, nhưng thường ở mức độ nhẹ. Các trường hợp này thường được đưa vào điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất hoặc được điều trị ngoại trú. Số ca bệnh vào Bệnh viện Nhi thường là các ca bệnh nhi trong tình trạng nặng hơn.

Nguyên nhân của việc trẻ bị ngộ độc thực phẩm có thể là do ăn uống không vệ sinh hoặc ăn các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Như trường hợp 2 anh em 4 và 7 tuổi ở Hà Nội, được mẹ mua bánh sinh nhật theo kiểu tự làm (“hand made”) không có thương hiệu, cửa hàng. Sau khi ăn, trẻ bị đau bụng, nôn và có sốt nhẹ và được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. Trẻ được các bác sĩ cho tiến hành điều trị bù dịch, làm xét nghiệm tìm nguyên nhân và đánh giá các biến chứng, nguy cơ. Các trẻ sau thời gian theo dõi, điều trị đã ổn định và được ra viện.

Ngộ độc thực phẩm của trẻ thường là vô ý do người lớn cho ăn hoặc tự ăn những thức ăn không đảm bảo vệ sinh. Một số thức ăn nhiễm khuẩn Salmonella, Ecoli, Rotavirus… có thể gây ra tình trạng nặng, phải nằm viện dài  ngày. Các bệnh nhi này có thể vào viện trong bệnh cảnh nhiễm trùng nhiễm độc, mất nước, rối loạn điện giải…

Phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho trẻ - ảnh 2
Ngộ độc trẻ em được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương thường trong tình trạng nặng

. Với những tình trạng và nguyên nhân như vậy, bác sĩ có thể khuyến cáo với phụ huynh để phòng, chống ngộ độc cho trẻ như thế nào?

Chúng ta luôn biết nguyên tắc là phòng bệnh hơn là chữa bệnh. Đầu tiên là chúng ta phải đảm bảo được vấn đề ăn chín uống sôi, vệ sinh sạch sẽ. Thứ 2 là đảm bảo các nguyên liệu chế biến cũng như cách chế biến cho trẻ và bảo quản nguyên liệu theo đúng nguyên tắc vệ sinh.

Chúng ta phải hướng dẫn hoặc vệ sinh tay cho trẻ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; cũng như đảm bảo rác thải, vệ sinh môi trường. Với những trẻ lớn, bố mẹ có thể hướng dẫn, dạy cho trẻ cách nhận biết về thực phẩm không tốt hoặc gây nguy hiểm cho sức khoẻ. Đồng thời, hướng dẫn trẻ ăn uống như thế nào và giữ vệ sinh làm sao để đảm bảo an toàn như không ăn các loại bánh kẹo, nước ngọt giá rẻ, không có nguồn gốc ở ngoài cổng trường…  Vì theo tâm lý, trẻ rất thích tò mò, khám phá những cái mới lạ hoặc là những cái bắt mắt nhưng những thực phẩm này có thể không đảm bảo an toàn mà trẻ không biết.

Ngoài ra, bố mẹ cần tiêm phòng các loại vắcxin phòng bệnh, ăn uống, dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Về phía các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, xung quanh trường học... Đặc biệt là cần có chế tài mạnh mẽ hơn để xử phạt các vi phạm.

. Ở trẻ hiện tượng nôn và đi ngoài thường có nhiều nguyên nhân khác nhau. Xin bác sĩ cho biết sự khác biệt giữa nguyên nhân ngộ độc thực phẩm và các bệnh lý khác là như thế nào?

Thông thường thì các dấu hiệu của bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm sẽ nổi trội là các dấu hiệu của đường tiêu hoá như nôn, buồn nôn, có thể bị đau bụng, đi ngoài, phân có nước hoặc nhầy máu. Kèm theo dấu hiệu này có thể là tình trạng mất nước, không ăn uống được, sốt…  Các dấu hiệu này thường có thể dễ nhầm lẫn với dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác như viêm họng, tiêu chảy cấp, viêm ruột thừa, viêm màng não... Do đó, khi có bất thường về sức khoẻ các bậc phụ huynh cần đưa con đến cơ sở y tế để các bác sĩ thăm khám kịp thời và sàng lọc các nguyên nhân. Các bậc cha mẹ cần tuân thủ theo đúng chỉ định và hướng dẫn của các bác sĩ.

- Hiện nay, nhiều gia đình thấy con gầy yếu, hay ốm đã tự mua và cho con sử dụng các loại thuốc bổ như ruốc cóc hoặc các loại thực phẩm chức năng nhằm tăng cân cho trẻ. Bác sĩ có ý kiến gì về việc này?

Để trẻ mạnh khoẻ, gia đình cần đảm bảo được nhu cầu dinh dưỡng của trẻ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời cũng như đảm bảo các thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ. Tất cả các loại thuốc, trong đó có thực phẩm chức năng cần được chỉ định và sử dụng theo chỉ định của bác sĩ có chuyên môn.

Các bậc cha mẹ cần biết rằng, sức khoẻ của trẻ không tỉ lệ thuận với lượng thuốc đưa vào trẻ, thậm chí một số trường hợp còn gây nguy hiểm. Đó là chưa kể những thuốc này không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc là sai, không đúng về thành phần có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự phát triển của trẻ.

. Xin cám ơn bác sĩ!

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc