Phát hiện nhiều vi phạm liên quan đến thực phẩm chức năng
VHO - Trong gần 2 năm qua, các địa phương trên cả nước đã phát hiện 85.551 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ vi phạm, phạt tiền 20.881 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 123,841 tỷ đồng.
Bộ Y tế cho biết, trước đây, toàn quốc có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng. Từ năm 2019, áp dụng tiêu chuẩn về thực hành sản xuất tốt (GMP) trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, chỉ có 201 cơ sở đạt chuẩn.
Theo báo cáo, từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế đã cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố cho 24.643 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, trong đó sản phẩm trong nước chiếm 84,7%.
Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều vi phạm liên quan đến thực phẩm chức năng bởi đây là mặt hàng đem lại lợi nhuận cao, đặc biệt một số sản phẩm còn bán theo kiểu đa cấp, thổi phồng công dụng và giá trị để thu lợi.
Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, lợi dụng thị hiếu của người tiêu dùng để trà trộn hàng không rõ nguồn gốc vào tiêu thụ.
Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Theo đó, cơ quan chức năng đã xử lý 126 hành vi vi phạm, với tổng số tiền phạt là 16,858 tỷ đồng. Các địa phương đã kiểm tra 941.836 cơ sở, phát hiện 85.551 cơ sở vi phạm, phạt tiền 20.881 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 123,841 tỷ đồng.
Qua thanh tra, kiểm tra về thực phẩm chức năng, phát hiện vi phạm chủ yếu là sản xuất thực phẩm chức năng giả như giả về chất lượng, thương hiệu và nguồn gốc, xuất xứ cho thấy, tình trạng quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ như thuốc chữa bệnh nở rộ trên các trang mạng xã hội, thậm chí còn sử dụng người nổi tiếng, người bệnh để quảng cáo thổi phồng sự thật, đang gây nhức nhối trong dư luận.
Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, Sở Y tế các địa phương tiếp tục tăng cường quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng trên địa bàn. Trong đó tiếp tục tăng cường phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe; kiểm tra, giám sát việc quảng cáo, giám sát chặt chẽ việc tổ chức hội thảo giới thiệu thực phẩm chức năng theo quy định của pháp luật.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương trái phép, bán và giới thiệu thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh tại xử lý nghiêm việc lợi dụng hội thảo giới thiệu sản phẩm để khám chữa bệnh, tư vấn các địa phương.
Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân chỉ mua các sản phẩm thực phẩm chức năng khi thực sự có nhu cầu và dùng đúng hướng dẫn sử dụng; khi có bệnh phải tới cơ sở y tế để được khám chữa bệnh kịp thời; không sử dụng sản phẩm theo cách truyền miệng, không hiểu rõ về sản phẩm.