Phân biệt con sam biển và so biển để tránh bị ngộ độc
VHO - Mặc dù có hình dáng bên ngoài rất giống với con sam biển – một thực phẩm chế biến thành các món ăn đặc sản, bổ dưỡng phổ biến ở nhiều tỉnh, thành ven biển nhưng con so biển lại chứa độc tố Tetrodotoxin cực mạnh, gây ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng.
Thời gian gần đây, nhiều trường hợp ngộ độc nặng do ăn nhầm so biển xảy ra. Mới đây, tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã xảy ra trường hợp 2 người đàn ông phải nhập viện trong tình trạng nặng sau khi ăn nhầm con sam biển (thực tế là ăn con so biển).
Các bác sĩ cho biết, sam biển và so biển là hai loại hải sản có hình dạng bên ngoài rất giống nhau, gây khó khăn trong việc phân biệt cho người dân. Tuy nhiên, so biển có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngưng thở và tử vong rất nhanh, hiện nay chưa có thuốc giải. Vì vậy người dân cần đặc biệt lưu ý phân biệt 2 loại động vật này, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Để phân biệt con sam và con so, bác sĩ cho biết, môi trường sống của sam biển thường sống ở các dải dải cát có thủy triều cao; con so thích sống ở các lạch nước ngọt.
Về màu sắc: So biển màu nâu sẫm. Sam biển màu xanh xám.
Về hình dáng đuôi: Đuôi con sam khi cắt ngang có tiết diện hình tam giác, 3 cạnh chụm lại kéo dài đến tận cuối đuôi, ở đỉnh tam giác có gai nhọn như lưỡi cưa (sờ thấy có góc cạnh, có gờ). Đuôi so có tiết diện tròn hoặc bầu dục khi cắt ngang và không hề có gai nhọn (sờ thấy trơn nhẵn).
Về Kích thước: Sam trường thành dài khoảng 17 – 35cm và nặng khoảng 3,8kg, sam đực nhỏ hơn và chỉ nặng bằng nửa sam cái. So nhỏ hơn sam, thường dài từ 20 – 25cm và nặng dưới 1kg.
Về di chuyển: Con sam khi di chuyển thường đi theo cặp, sam đực bám lên lưng con cái. Con so thường đi đơn lẻ, tuy nhiên vào mùa giao phối so đực và cái có thể đi cùng nhau, nên chú ý kĩ điều này.
Về độc tố: Con sam không chứa độc tố, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng. Con so chứa độc tố Tetrodotoxin (tập trung chủ yếu ở buồng trứng) có độc tính rất mạnh, gây tác động lên thần kinh trung ương, tê liệt cơ thể, ngừng tuần hoàn.
Khi ăn phải, độc tính hấp thu vào cơ thể một cách nhanh chóng, chỉ sau 30 phút đến 2 giờ sẽ phát triệu chứng ngộ độc và tử vong nếu bệnh nhân không được đưa đến bệnh viện kịp thời. Chất độc này chịu được nhiệt độ cao, dù có đun sôi, nấu chín, phơi hay sấy khô, độc tố vẫn tồn tại và đặc biệt là chưa có thuốc giải độc
Theo các bác sĩ, triệu chứng bị ngộ độc do độc tố của so biển thường xuất hiện sau khi ăn từ 30 phút đến 60 phút. Các triệu chứng gồm: Cảm giác tê môi, đầu lưỡi, quanh vùng miệng và tay, chân; Đau bụng, vã mồ hôi; Giãn đồng tử, tăng tiết đờm nhớt, nôn mửa, tụt huyết áp; Trạng thái thần kinh li bì, lơ mơ, toàn thân mệt mỏi; co giật, khó thở, suy hô hấp, hôn mê…
Khi người bị ngộ độc được phát hiện sớm (còn tỉnh táo), cần gây nôn chủ động: nôn được càng nhiều càng tốt để hạn chế chất độc có trong thực phẩm ngấm vào cơ thể, phát tán và gây hại; chuyển bệnh nhân nhanh chóng đến cơ sở có điều kiện về hồi sức cấp cứu (bệnh viện).
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được áp dụng các phương pháp chống rối loạn tim mạch, hô hấp, thần kinh và tiết niệu bằng dịch truyền, thuốc điều trị triệu chứng, thở ô xy, thở máy nếu suy hô hấp, máy tạo nhịp, lợi tiểu, lọc thận tùy theo biểu hiện của bệnh.
Để phòng tránh ngộ độc so biển, bác sĩ khuyến cáo: Tuyệt đối không được dùng so biển làm nguyên liệu thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào, dù chỉ là một lần. Không ăn khi chưa phân biệt rõ so biển và sam biển; cần loại bỏ so biển khi đánh bắt hải sản và tuyệt đối không kinh doanh so biển.
Bên cạnh đó, người dân cần cảnh giác với những loại hải sản cũng chứa độc tố Tetrodotoxin như: cá nóc, bạch tuộc vòng xanh, sao biển, một số loài cua, sa giông, một số loài ốc biển…
Đồng thời, cơ quan quản lý tăng cường giám sát, kiểm soát an toàn thực phẩm trong đánh bắt, kinh doanh và tiêu dùng thủy hải sản. Tập huấn, đào tạo nhân viên y tế ở các tuyến để nâng cao năng lực hệ thống y tế trong việc chẩn đoán, cấp cứu và điều trị ngộ độc thực phẩm do độc tố so biển…