Về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng:
Phải cấm, không thể “quản lý” rồi lại đưa ra thị trường
VHO - Sáng 4.5, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra Phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đồng chủ trì Phiên Giải trình.
Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; các thành viên Ủy ban Xã hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và tổ chức chính trị xã hội liên quan.
Cần nhận diện đúng cũng như tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, trước thực trạng sử dụng thuốc lá mới và những hệ lụy của việc sử dụng các sản phẩm này đối với mỗi cá nhân, gia đình và xã hội, qua công tác theo dõi, giám sát, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nhận thức, quan điểm về phương thức quản lý các sản phẩm này chưa được thống nhất, công tác quản lý nhà nước trong phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có những khó khăn, bất cập, hạn chế.
Từ tình hình thực tiễn nêu trên, qua ý kiến của đông đảo cử tri, của các đại biểu Quốc hội, hai Ủy ban đã tổ chức khảo sát thực tế, nghiên cứu, rà soát hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, làm việc với các chuyên gia về các vấn đề liên quan đến thuốc lá mới. Hai Ủy ban cũng đã thống nhất tổ chức Phiên giải trình - diễn đàn có sự tham gia của nhiều bên - nhằm mục đích công khai, minh bạch trước đồng bào, cử tri về nhận diện tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; thực trạng tình hình việc mua bán, sử dụng, xử lý và phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; làm rõ những tồn tại, hạn chế và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Qua đó, tìm sự thống nhất về các giải pháp nâng cao nhận thức, hoàn thiện hành lang pháp lý và tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước trong phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
"Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho Nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu được Đảng, Nhà nước, Quốc hội đặc biệt quan tâm". Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25.10.2017 và nhiều Nghị quyết khác của Trung ương đã định hướng nhiệm vụ cụ thể. Một số luật, nghị quyết của Quốc hội đã thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương. Quốc hội cũng đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá từ năm 2012. Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược Phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 và một số văn bản chỉ đạo việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, kiểm soát và hạn chế thuốc lá nói chung đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thời gian vừa qua với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành liên quan và các địa phương. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong các nhóm đối tượng có xu hướng giảm dần. Công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá, xử lý vi phạm được tăng cường và đạt những kết quả bước đầu tích cực.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ rõ, vẫn còn những mặt hạn chế, cần có giải pháp khắc phục. Cụ thể, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số lượng nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Thuốc lá điện tử đang xâm nhập và được sử dụng ngày càng nhiều và gia tăng ở nước ta, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, lứa tuổi học sinh. Thậm chí, có những lo ngại đối với thanh niên, thiếu niên khi thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng đang dần thay thế cho thuốc lá truyền thống.
Mặt khác, tình hình nhập lậu thuốc lá, buôn bán, vận chuyển, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên thị trường, qua không gian mạng ngày càng tăng về quy mô và mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, pha trộn ma tuý (cần sa, ma tuý tổng hợp) đang diễn biến phức tạp và gia tăng rất nhanh. Tác hại của thuốc lá điện tử đến sức khoẻ được đánh giá như thuốc lá truyền thống.
Đặc biệt, đối với thanh niên, thiếu niên, làm suy yếu sự phát triển não bộ của trẻ em, vị thành niên, gây nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần; ảnh hưởng tới sức khỏe bà mẹ và bào thai trong tương lai; tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nhân lực, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện hành chưa đủ bao quát để điều chỉnh cả về công tác quản lý, kiểm soát cũng như phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các văn bản hướng dẫn chưa quy định cụ thể về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, dẫn đến thiếu quy định về cơ chế quản lý, chế tài xử phạt đủ mạnh đối với hành vi vi phạm.
Để Phiên giải trình đạt hiệu quả thiết thực, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, thứ nhất, cần nhận diện đúng về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đánh giá tác hại của các loại thuốc lá này. Có thông điệp rõ ràng, cụ thể đến người dân và chính kiến về trách nhiệm của Nhà nước đối với vấn đề này.
Thứ hai, làm rõ tồn tại, hạn chế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; xác định cụ thể nguyên nhân và trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương.
Thứ ba, cần đưa ra những kiến nghị cụ thể, rõ ràng. Đối với những kiến nghị về hoàn thiện pháp luật; bảo đảm về tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có giải pháp thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Thứ tư, quản lý nhưng phải trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng thực tiễn, cũng như trên cơ sở phân tích các tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp, năng lực cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ năm, sau phiên giải trình, đề nghị lãnh đạo các Bộ cần nghiêm túc triển khai các kiến nghị; Ủy ban Xã hội giám sát và Báo cáo thẩm tra về tình hình quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá hằng năm gửi kỳ họp Quốc hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu của công tác tuyên truyền, vận động, các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông, báo chí phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Bên cạnh đó, còn là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Phải cấm, không thể “quản lý” rồi lại đưa ra thị trường
Giải trình về trách nhiệm quản lý, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, về thuốc lá điện tử, Bộ đã triển khai nhiều công việc để tham mưu trong công tác quản lý Nhà nước, từ việc điều tra nắm bắt tình hình, nghiên cứu thực trạng trên thế giới, phối hợp xây dựng báo cáo để trình Chính phủ... Bộ Y tế cũng tổ chức đánh giá 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để bổ sung tình hình thực tiễn, cập nhật và có giải pháp với những vấn đề mới.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc xây dựng Luật không phải một sớm một chiều, cứ xuất hiện trên thị trường là điều chỉnh được ngay mà cần bằng chứng, đánh giá tác động. Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, với những tác hại rõ ràng của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì phải cấm, không thể “quản lý” rồi lại đưa ra thị trường. Với thuốc lá truyền thống thì mỗi năm có khoảng 40.000 người chết. "Vậy với trào lưu mới về thuốc lá điện tử, tập trung chính ở thế hệ trẻ, có nên mở ra cho thí điểm hay không? Nếu mở ra rồi mà không dừng lại được, lúc đó ai chịu trách nhiệm trước sinh mạng của người dân Việt Nam?”, Bộ trưởng đặt vấn đề.
Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh, sinh viên mà còn là nguyên nhân dẫn đến lệch chuẩn về lối sống, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự an toàn xã hội. Quan điểm của Bộ luôn nhất quán là phải cấm sản xuất, kinh doanh, mua bán, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Bày tỏ nhất trí quan điểm phải bảo vệ sức khỏe người dân, cộng đồng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng khẳng định, Bộ Công Thương soạn thảo các văn bản, nghị định theo hướng làm sao để quản lý xã hội tốt nhất, và việc đề xuất thí điểm quản lý thuốc lá điện tử cũng nhằm mục tiêu “quản lý tốt hơn”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, khi xây dựng chính sách về nội dung này đã gửi xin ý kiến, tất cả các Bộ nhất trí; tuy nhiên, Bộ Y tế không đồng ý. Chính phủ yêu cầu hai Bộ ngồi lại để thống nhất với nhau nhưng đến nay, hai Bộ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung và chưa thể trình phương án cuối cùng lên Chính phủ.
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, trong năm 2024, Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; chủ trì phối hợp nghiên cứu, đánh giá tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để công bố thông tin chính thức về tác hại của các sản phẩm này. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, đặc biệt là đối với thanh, thiếu niên về tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nói riêng; thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm pháp luật có liên quan.