Nguy hiểm như hút thuốc lá điện tử
VHO- Một bệnh nhân nữ (20 tuổi ở Hà Nội) sau khi hút thuốc lá điện tử đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não lan tỏa tất cả các vị trí, tổn thương gan… Sau khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu, nguyên nhân được xác định do bệnh nhân ngộ độc một chất ma túy thế hệ mới có trong thuốc lá điện tử.
Bệnh nhân hôn mê sau khi sử dụng thuốc lá điện tử lần đầu tiên Ảnh: Đỗ Hằng
Nói về bệnh nhân này, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch do tổn thương và suy đa tạng, trong đó nặng nhất là tổn thương não lan tỏa tại tất cả các vị trí. Trường hợp của bệnh nhân gần giống như ca đột quỵ não nhưng nặng hơn rất nhiều. Nếu đột quỵ não chỉ gây tổn thương nhỏ ở một số vị trí thì ở trường hợp này là tổn thương gần như toàn bộ não...
Sau khi hút khoảng 4 tiếng, bệnh nhân bất tỉnh
“Khai thác qua người nhà được biết, bệnh nhân chưa hút thuốc bao giờ. Một lần bệnh nhân đi chơi với bạn và hút thuốc lá điện tử. Sau khi hút được khoảng 4 tiếng, bệnh nhân bất tỉnh. Bạn bè đưa bệnh nhân vào bệnh viện tuyến cơ sở nhưng do bệnh nhân hôn mê sâu, tụt huyết áp nên sau đó được chuyển đến Trung tâm Chống độc. Từ lọ dung dịch thuốc lá điện tử mà bệnh nhân hút được thu lại, kết quả xét nghiệm mẫu từ Viện Pháp y Quốc gia đã tìm thấy chất cần sa tổng hợp ADB- BUTINACA trong lọ dung dịch. Vì vậy, có thể xác định, bệnh nhân bị ngộ độc do chất cần sa tổng hợp có trong thuốc lá điện tử. Đây là loại ma túy thế hệ mới, là chất độc”, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nói.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Chống độc, hằng tuần, Trung tâm đều tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc khác sau khi sử dụng thuốc lá điện tử như kích thích tăng cường ảo giác, tăng huyết áp, tụt huyết áp, yếu cơ, suy tim, suy thận… “Mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ tuyệt đối không nên sử dụng thuốc lá điện tử. Bởi lẽ trong thuốc lá điện tử có rất nhiều các thành phần chất tạo mùi, tạo khói, tạo hơi. Các tạp chất này khi đốt cháy có thể gây ung thư, tổn thương phổi… Ví dụ nhiều loại thuốc lá điện tử có chứa vitamin E. Loại vitamin này khi đốt cháy có thể gây tổn thương phổi nặng nề. Tại Mỹ đã có báo cáo nhiều trường hợp nhập viện và tử vong vì thuốc lá điện tử có chứa vitamin E. Tuy nhiên, đây chỉ là một chất, thực tế còn có rất nhiều loại hợp chất khác nhau. Theo thông tin từ Viện Pháp Y quốc gia, đã phát hiện thấy vitamin E trong thuốc lá điện tử lưu hành ở Việt Nam. Điều này cho thấy có nguy cơ người dùng thuốc lá điện tử bị tổn thương phổi, thậm chí tử vong chỉ riêng do tổn thương phổi”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.
Do vậy sớm có biện pháp nhằm ngăn chặn thuốc lá điện tử tràn vào Việt Nam. Hiện nay, tuy chưa được cho phép nhưng các loại thuốc lá này đã len lỏi vào thị trường qua rất nhiều kênh. Với các hình thức bắt mắt, hương vị thu hút hấp dẫn giới trẻ, đặc biệt là chứa các chất gây nghiện, nếu loại thuốc lá điện tử được phổ cập rộng sẽ cực kỳ nguy hiểm, không chỉ với người trưởng thành mà cả với các em học sinh.
Gia tăng HSSV sử dụng thuốc lá mới
Giới trẻ sử dụng thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới khác đang là một trong những vấn đề mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lo ngại. Những sản phẩm này không an toàn, không có lợi cho sức khỏe mà thực sự rất nguy hiểm đối với sức khỏe của thanh thiếu niên nhưng các bằng chứng hiện có đều chỉ ra rằng tỷ lệ sử dụng đang có xu hướng gia tăng. Tại Việt Nam, theo số liệu công bố của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử ở Việt Nam năm 2020 tăng 18 lần so với năm 2015, trong đó nam giới tăng 14 lần, nữ giới tăng 10 lần.
Cụ thể, tỉ lệ thanh thiếu niên 15 - 24 tuổi ở Hà Nội và TPHCM hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử trong năm 2020 là khá cao: ở nam giới là 9,1% và nữ giới là 4,6% so với tỉ lệ chung là 7,3%, phần lớn người sử dụng thuốc lá điện tử nằm ở độ tuổi 18. Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, thuốc lá mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay… Các sản phẩm đang được quảng cáo khá phổ biến trên mạng xã hội được sử dụng phổ biến bởi giới trẻ như Facebook, Instagram, Tiktok… Tuy nhiên, cho đến nay, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Các nội dung liên quan đến chính sách quản lý thuốc lá mới là nội dung mới chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng để áp dụng Luật hiện hành.
“Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Loại này làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái; gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thanh thiếu niên nên Nhà nước cần phải bảo vệ giới trẻ. Ngoài ra, các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường.
Hiện nay đã có ít nhất 32 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử, có 7 quốc gia áp dụng quy định quản lý chặt chẽ như cấp phép dược phẩm, nhưng chưa có bất kỳ sản phẩm nào đạt tiêu chuẩn cấp phép lưu hành trên thị trường. Do vậy Việt Nam chưa thể cho phép thí điểm nhập khẩu thuốc lá loại mới vì nguy cơ dẫn đến khó có thể kiểm soát được các sản phẩm tương tự. Điều này là phù hợp với xu hướng của các nước trong khu vực và trên thế giới, cũng như khuyến cáo của WHO và điều kiện Việt Nam”, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh.
QUỲNH HOA