Chưa có quốc gia nào ngăn chặn được sự gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ
VHO - Hiện nay, trên thế giới có 34 quốc gia cấm thuốc lá điện tử, 87 quốc gia quy định quản lý thuốc lá điện tử, 11 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng. Nhiều quốc gia cho phép lưu hành thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng dẫn đến hệ quả gia tăng mạnh tỉ lệ sử dụng ở lứa tuổi thanh thiếu niên, khiến các cơ quan chức năng phải tìm giải pháp siết chặt chính sách.
Sau khi hợp pháp hoá thuốc lá điện tử, tăng mạnh quảng cáo
Tại một số quốc gia cho phép lưu hành thuốc lá điện tử, ngành công nghiệp thuốc lá đã lách luật dựa vào kẽ hở về định nghĩa của sản phẩm này để tăng mạnh quảng cáo. Chẳng hạn theo định nghĩa nicotin có trong lá cây thuốc lá nhưng ngành công nghiệp thuốc lá đã quảng cáo thuốc lá điện tử làm từ thân, rễ cây thuốc lá để tránh đóng thuế và không nằm trong quy định cấm quảng cáo.
Ngành công nghiệp tăng mạnh quảng cáo và chiến dịch khuyến mại
Ngoài ra, ngành công nghiệp thuốc lá còn lách luật bằng cách chỉ quảng cáo thiết bị hút thuốc lá nung nóng thay vì quảng cáo phần điếu thuốc (bị cấm). Ngành công nghiệp thuốc lá còn có hình thức khuyến mại khi mua thiết bị, hoặc tặng tiền cho người giới thiệu người khác mua thiết bị… Chẳng hạn như tại Hàn Quốc, sản phẩm này được bán dưới hình thức bán hàng đa cấp, cứ giới thiệu thêm một người mua – bán thì thu nhập thêm 50 USD.
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) cho biết, với sự cho phép lưu hành thuốc lá điện tử, hằng năm Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) nhận hồ sơ đăng ký của hàng triệu sản phẩm thuốc lá mới (mỗi hương vị pha trộn mới lại được đăng ký sản phẩm mới). Tính đến năm 2020, hơn 500 công ty sản xuất thuốc lá điện tử đã nộp hơn 6,5 triệu loại sản thuốc lá điện tử mới. Và FDA đã từ chối hơn 5 triệu sản phẩm, nhưng vẫn còn 1,5 triệu sản phẩm đang được lưu hành. Trong các loại hương liệu khác nhau có nhiều nguy cơ sức khoẻ chưa được biết đến, có điều chắc chắn là sản phẩm này làm tổn thương não, tim phổi và đại tràng; tác động tuỳ theo loại hương vị sử dụng.
Tại một số quốc gia có quy định hạn chế thuốc lá điện tử như Na uy, Úc chỉ được sử dụng loại không có nicotin, nếu có nicotin thì phải có kê đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, rất nhiều loại sản phẩm trên nhãn đề “không chứa nicotin” để không bị ràng buộc bởi quy định kê đơn; vậy nhưng trên thực tế, khi cơ quan chức năng kiểm tra thì đều chứa nicotin. “Việc trà trộn giữa sản phẩm có chứa và không chứa nicotin khiến cho cơ quan quản lý bị quá tải, bất lực”, ông Nguyễn Tuấn Lâm nói.
Tăng mạnh sử dụng thuốc lá điện tử và các chất gây nghiện
Cũng theo chuyên gia của WHO, đến nay chưa có quốc gia nào thành công quản lý sự gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử. Ở Canada, sau khi được cho phép lưu hành, giới trẻ sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng gấp đôi. Cụ thể, trước tháng 5.2018, thuốc lá điện tử được coi là sản phẩm bất hợp pháp; sau tháng 5.2018, việc bán thuốc lá điện tử có nicotin được coi là hợp pháp, và chỉ sau đó 1 năm, giới trẻ sử dụng sản phẩm này đã tăng hơn 5% (từ 12,1% năm 2018 lên 17,8% năm 2019) và tăng gấp 2 lần so với năm 2017 (8,4%).
Cơ quan chức năng của Việt Nam bắt giữ nhiều thiết bị thuốc lá điện tử nhập lậu
Tại Mỹ, sau khi được hợp pháp hoá, thuốc lá điện tử trở thành “đại dịch” trong giới trẻ sử dụng: từ 1,5% năm 2011 tăng lên 27,5% năm 2019. Trước sự gia tăng chóng mặt này, cơ quan chức năng của Mỹ đã ban hành những chính sách quản lý nhằm kiểm soát việc mua, bán và sử dụng ở lứa tuổi thanh thiếu niên như nâng độ tuổi tối thiểu được bán các sản phẩm thuốc lá từ 18 đến 21 tuổi; cấm thuốc lá điện tử có hương vị trái phép để giảm sức hấp dẫn đối với trẻ em và thanh thiếu niên. FDA yêu cầu công ty Juul ngừng bán thuốc lá điện tử tại thị trường Mỹ do không đủ dữ liệu chứng minh về khả năng gây hại của các hóa chất độc hại với cộng đồng và những người trẻ tuổi… Và kết quả thu được từ việc siết chặt này là giảm tỉ lệ thanh thiếu niên Mỹ sử dụng thuốc lá điện tử xuống còn 19,6% vào năm 2020.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, có nhiều bằng chứng cho thấy các dung dịch thuốc lá cũng bị trà trộn chất gây nghiện, hay cần sa. Nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ học sinh THPT và THCS ở Mỹ sử dụng ma túy với thuốc lá điện tử lần lượt là 33,3% và 23,1%. “Nếu cơ quan chức năng cấm sản phẩm thuốc lá có ma tuý, cần sa, ma tuý tổng hợp nhưng hôm nay nó là sản phẩm này và mai sẽ là sản phẩm khác. Và khi trộn lẫn lộn nhiều hoá chất thì khó có khả năng xét nghiệm được, chưa kể ma tuý mới chưa có sinh phẩm để xét nghiệm”, ông Nguyễn Tuấn Lâm nhận định.
Thực tế cho thấy, đến nay chưa có quốc gia nào đưa ra các quy định quản lý thuốc lá điện tử lại thành công trong việc ngăn ngừa giới trẻ sử dụng sản phẩm này. Thậm chí còn tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá truyền thống và sử dụng cùng lúc chất kích thích, chất gây nghiện khác. Điều này cũng là kinh nghiệm cho Việt Nam trước làn sóng tấn công của ngành công nghiệp thuốc lá. Hiện nay, thuốc lá điện tử chưa được phép lưu hành tại Việt Nam nhưng việc mua, bán sử dụng khá phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ. Tuy nhiên, việc mua bán này đa phần ở các đô thị lớn, nếu cho phép thì chắc chắn nó sẽ lan toả tới các tỉnh, thành, xâm nhập tới khắp các vùng nông thôn, làng xóm.
Các sản phẩm thuốc lá mới rất độc hại đã được chứng minh nhưng cho đến nay chưa có một văn bản nào quy định việc cấm, khiến cho việc nhập lậu, mua bán tại Việt Nam càng khó quản lý và phức tạp. “Nếu cho phép lưu hành sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hay thuốc lá thế hệ mới là tiếp tay cho việc huỷ hoại con em chúng ta. Nếu chờ sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá mới có thể ban hành quy định cấm thì phải chờ 3 – 5 năm nữa. Vì thế Quốc hội cần ban hành Nghị quyết về cấm việc mua bán, nhập khẩu thuốc lá mới. Việc ban hành là không thể chậm chễ và cần ban hành ngay những quy định về cơ quan chức năng thực hiện xử lý, và có chế tài xử phạt rõ ràng. Nói rằng gia đình cần quan tâm, giám sát con cái sử dụng thuốc lá điện tử nhưng cha mẹ cũng sẽ bất lực với vấn đề của xã hội nếu cơ quan chức năng không vào cuộc. Khi sản phẩm thuốc lá có ở mọi nơi, và bạn bè xung quanh chúng đều sử dụng thì cha mẹ gặp khó khăn trong việc bảo vệ con mình. Các bạn trẻ thường không biết rằng, nicotin chính là “con mồi” của ma tuý”, chuyên gia WHO kiến nghị.
N.THẾ