Nước Mỹ chứng kiến mùa hè mưa bão và lũ lụt: Lý do đằng sau?

HỒNG NHUNG

VHO - Từng cảm nhận là khoảng thời gian thư giãn và nghỉ ngơi, những ngày hè giờ đây ngày càng trở thành mùa của sự lo lắng và xáo trộn.

Nước Mỹ chứng kiến mùa hè mưa bão và lũ lụt: Lý do đằng sau? - ảnh 1
Bão nhiệt đới Chantal đã gây ra trận mưa xối xả ở miền trung Bắc Carolina, hình ảnh được chụp tại Chapel Hill vào năm 2025. Peter Zay/Anadolu/Getty Images

Ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch - cùng với các yếu tố phức tạp khác - đã biến những tháng mùa hè trở thành thời điểm nguy hiểm gia tăng, với những đợt nắng nóng liên miên, cháy rừng lan rộng và lũ lụt thảm khốc.

Mùa hè nước Mỹ năm nay đánh dấu bằng sự gia tăng thảm khốc của lũ quét chết người, minh chứng cho sự biến động khí hậu ngày càng leo thang của thế giới.

Các nhà khoa học khí hậu cho biết, không phải ngẫu nhiên mà mùa hè năm nay xảy ra nhiều trận lũ lụt cùng một thời điểm ở nhiều tiểu bang trong nhiều ngày.

Hầu hết nước Mỹ đã trải qua mùa hè ẩm ướt bất thường với lượng hơi ẩm trong không khí đạt mức kỷ lục. Khi luồng không khí lạnh và các hệ thống thời tiết khác xuất hiện, độ ẩm có thể bị vắt kiệt, bị ép lại như một miếng bọt biển chứa đầy nước, gây ra những trận mưa lớn và thường cục bộ.

Theo nhà nghiên cứu khí hậu Daniel Swain của UCLA, trong hầu hết mùa hè, điều kiện khí quyển trên khắp nước Mỹ đã dẫn luồng không khí ẩm từ Vịnh Mexico và phía tây Đại Tây Dương, bao gồm cả dòng hải lưu Gulf Stream. 

Điều này đã tạo ra mức độ ẩm cao bất thường ở tất cả các tầng khí quyển trên khắp nước Mỹ, phía đông dãy núi Rocky. Lượng nước ngưng tụ ở mức kỷ lục sẽ gây ra lượng mưa lớn do việc hút hết nước trong không khí ngay lập tức.

Nhiều trận lũ quét liên tiếp

Kiểu thời tiết này cũng gây ra nhiều trận lũ quét liên tiếp tại Mỹ.

Trước hết, phải kể đến trận lũ lụt tàn khốc ở bang Texas (Mỹ) đã cướp đi sinh mạng của hơn 130 người vào đêm ngày 4.7.

Lũ quét cũng xảy ra ở nhiều nơi khác. Ba người đã thiệt mạng trong một trận lũ quét liên quan đến mưa xối xả đổ xuống một vết cháy rừng ở Ruidoso, New Mexico, vào ngày 8.7.

Một số tuyến đường chính ở Chicago đột nhiên bị ngập trong nước khi trận mưa lớn kỷ lục trong 1.000 năm xảy ra vào đầu tháng 7.

Tại một số khu vực ở Bắc Carolina, tàn dư của Bão nhiệt đới Chantal đã gây ra mưa lớn chết người và lũ lụt vào cùng cuối tuần với thảm kịch ở Texas.

Tại Thành phố New York, nước đã tràn vào các đường hầm tàu điện ngầm khi thành phố này chứng kiến lượng mưa lớn thứ hai trong một giờ vào ngày 14.7, với lũ quét trên diện rộng kéo dài đến ngày 15.7. Và tuần trước, đến lượt thành phố Kansas bị ngập lụt vào ngày 17.7.

Một số trận lũ lụt là kết quả của lượng mưa có tần suất lặp lại trong khoảng 1.000 năm, nghĩa là chỉ có 0,1% khả năng xảy ra trong bất kỳ năm nào. Biến đổi khí hậu cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các trận mưa cực đoan.

“Khi chúng ta nói về những sự kiện trong 1.000 năm có thể không phải là do con người gây ra mà chỉ đơn giản hiểu rằng đây là biến động tự nhiên. Tuy nhiên, nếu những sự kiện này xảy ra thường xuyên hơn nhiều thì khả năng do con người gây ra cũng là một nguyên nhân”, nhà khoa học khí hậu Michael Mann thuộc Đại học Pennsylvania cho biết. 

Bên cạnh đó, nghiên cứu của ông Michael Mann cũng xác định các yếu tố khác, được gọi là "cộng hưởng khí quyển" có thể khiến thời tiết cực đoan như lũ lụt.

Cũng giống như sóng âm hoặc sóng biển xảy ra hiện tượng cộng hưởng, cộng hưởng khí quyển xuất hiện các kiểu dòng tia gợn sóng ở tầng khí quyển trên, dẫn đến các hệ thống thời tiết tồn tại trong nhiều tuần.

Một nghiên cứu gần đây do nhà khoa học khí hậu Mann thực hiện cho thấy các kiểu thời tiết như vậy đã tăng gấp ba lần về tần suất kể từ giữa thế kỷ 20 vào những tháng mùa hè.

Vấn đề là: với những kiểu thời tiết này, mô hình khí hậu không nắm bắt tốt sẽ làm tăng sự không chắc chắn các dự báo trong tương lai với xu hướng thời tiết cực đoan.

Theo nhà khoa học khí hậu Kate Marvel, nguyên lý vật lý về các hiện tượng ấm lên toàn cầu gây ra những trận mưa lớn đã được nêu rõ.

“Đây gần như là một ví dụ điển hình về tác động của biến đổi khí hậu. Khoa học có thể nhìn thấy chuyển động này trong cuộc sống hàng ngày. Nước ấm thúc đẩy quá trình bốc hơi nhiều hơn, chẳng hạn như phòng tắm trở nên nóng hơn nhiều sau khi tắm nước nóng so với tắm nước lạnh,” bà Kate Marvel nói.

Trong khi đó, theo nhà nghiên cứu khí hậu Swain, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với lượng mưa lớn thể hiện rõ nhất ở các hiện tượng cực đoan kéo dài trong thời gian ngắn.

Nhà khoa học khí hậu Marvel cũng nhấn mạnh không khí ấm chứa nhiều hơi nước hơn, giống như bia lạnh sẽ bị ướt ở bên ngoài vào ngày nóng. Vì vậy, không khí tiếp xúc với bề mặt lạnh hơn sẽ ngưng tụ hơi nước.

“Mặt đất ấm khiến không khí ẩm dễ dàng bốc lên cao. Đây là lý do tại sao giông bão thường xảy ra vào những buổi chiều hè nóng nực. Kết hợp tất cả những điều này lại, những trận mưa xối xả có thể xảy ra”, Marvel, tác giả của cuốn sách khí hậu mới “Bản chất con người” cho biết.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc