Nước mắt người trồng đào, quất tại Hà Nội

THANH MAI

VHO - Từ lâu, quất Tứ Liên và đào Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) đã là những đặc sản nổi tiếng của đất Thủ đô. Vậy mà trong cơn bão số 3 vừa qua, những mảnh vườn trồng quất, đào đều tan hoang, xơ xác. Các hộ nông dân chỉ biết thở dài xót xa: “Thế là mất trắng thật rồi, bao công sức, tiền của đã cuốn theo dòng nước lũ…”.

Nước mắt người trồng đào, quất tại Hà Nội - ảnh 1
Những vườn quất tiền tỉ tan hoang theo dòng nước lũ

 Do ảnh hưởng hoàn lưu bão Yagi và mưa lớn, những ngày qua, lũ từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông Hồng dâng lên rất cao. Cả khu vực trồng quất, đào thuộc các phường Phú Thượng, Nhật Tân, Tứ Liên đều bị nhấn chìm trong biển nước. Ghi nhận của Văn Hóa trong các ngày 14 và 15.9, nước đã rút nhiều, nhưng các con đường trong vùng vẫn ngập ngụa bùn đất, ngổn ngang cây quất, cành đào gẫy, hỏng.

Thu dọn “tàn tích” sau cơn lũ dữ, khuôn mặt bà con ai cũng đượm buồn, nước mắt chỉ trực rơi xuống... Chị Đoàn Thị Thơm (45 tuổi, chủ vườn quất ở Tứ Liên) vẫn chưa hết bàng hoàng: “Cả gia đình tôi dốc hết tiền bạc, chạy vạy vay mượn khắp nơi để đầu tư hơn 2.500 bình quất. Suốt mấy ngày mưa lũ, chúng tôi huy động hết anh em họ hàng, dầm mưa cả ngày lẫn đêm để bê bình từ chỗ trũng lên cao. Nhưng nước dâng quá nhanh và nguy hiểm, bê được một cây, quay ra nước đã lên đến bụng”. Do ngâm nước nhiều ngày, quất hầu hết đều thối rễ. Tính sơ bộ, vườn quất nhà chị Thơm bị úng hỏng khoảng 75%, thiệt hại lên tới hơn 1 tỉ đồng.

“Giờ chỉ còn lại bấy nhiêu thôi, phải làm mọi cách để bảo vệ số bình quất này đến Tết. Mong sao cuối năm cây cảnh được giá để nông dân chúng tôi vớt vát ít tiền trả nợ…”, nói đến đây, chị Thơm bật khóc.

Cách đó vài bước chân, ông Nguyễn Gia Thành (74 tuổi, Tứ Liên) cũng thất thần đứng chết lặng. Ông Thành xót xa chia sẻ, dù đã có kinh nghiệm trồng cây cảnh nhiều năm, nhưng chưa bao giờ phải gặp trận lụt khủng khiếp như năm nay. Nước cứ lên cuồn cuộn, nhà ông thuê người chạy cây lên chỗ cao hơn nhưng cũng không cứu nổi. Biết thế này thì khỏi khổ sở chạy lũ, vì đằng nào chẳng bị nước nhấn chìm.

Nước mắt người trồng đào, quất tại Hà Nội - ảnh 2
Nước rút đi để lại những cây đào xơ xác, chết khô

Tuy nhiên, ông Thành còn may mắn hơn các hộ khác khi toàn bộ khu vườn là tiền túi của gia đình, không phải vay mượn trả lãi. Cái ông tiếc nhất là công sức một nắng hai sương bỏ ra để chăm chút từng cành cây, chiếc lá. Để có được những gốc quất to đẹp thế kia, ông cũng phải mất từ 2-3 năm chăm sóc, ươm mầm, làm cỏ, chăm bón, tạo thế. Hiện tại, ông Thành đang khẩn trương cắt bỏ cành hỏng, cố cứu vãn được chút nào hay chút ấy. “Nếu cây sống được thì chúng tôi đỡ khổ, còn không phải chờ đến cuối năm đi mua giống trồng lại. Mà với tình hình hiện tại, đến cây giống cũng chẳng có mà mua, vì đâu đâu cũng ngập cả”, ông Thành rầu rĩ.

Sang đến vườn đào, tình hình cũng chẳng mấy khả quan. Các chủ vườn đang chạy ngược chạy xuôi tìm đủ mọi cách để bảo vệ những cây đào quý giá. Khác với các bình quất khi có thể di chuyển dễ dàng, người dân trồng đào chỉ biết bất lực nhìn nước dâng nhấn chìm cả khu vườn. Những gốc đào cổ thụ mấy chục năm cũng không chống chọi nổi với những trận mưa như trút nước.

Sau lũ, chị Cao Thị Hảo (65 tuổi, chủ vườn đào Nhật Tân) dù chưa thống kê hết thiệt hại, nhưng khi đi quanh khu vườn hoang tàn đổ nát, chị nghẹn ngào khẳng định, hơn 400 cây và cành đào tròn với tổng số vốn hàng trăm triệu đã “đi đời nhà ma”. Cả năm, gia đình chị chỉ trông chờ vào vườn cây bán Tết, giờ sắp đến ngày hái quả lại gặp thiên tai thế này, giờ cả nhà biết sống ra sao!

Ngay khi nhận được thông báo nước dâng, chị Hảo cũng như hầu hết các chủ vườn đều đội mưa ra đồng túc trực. Xót của, nhiều người còn cố lao ra giữa dòng nước lũ để chuyển các gốc đào trồng trong chậu lên vùng cao hơn, còn những cây đào trồng dưới đất thì “lực bất tòng tâm”, chỉ biết chắp tay cầu trời cho mưa tạnh, nước rút. Có lẽ phải mất 2-3 năm nữa, họ mới có thể gây dựng lại được vườn đào như cũ.

Men theo bờ ruộng, hầu hết các khu vườn tiếp giáp với bờ sông Hồng đều bị ảnh hưởng ít nhiều. Cùng chung tâm trạng với chị Hảo, anh Nguyễn Khanh (51 tuổi, chủ vườn đào Nhật Tân) cũng đang đỏ hoe đôi mắt nhìn những cây đào cổ chết khô, quắt queo dưới cái nắng oi nồng. “Nhà tôi có hơn 5 mẫu trồng gần 800 gốc đào, giờ may ra cứu được 1/4, còn đâu chết cả. Của đau con xót, công sức bao năm chăm chút đã theo dòng nước lũ ra sông ra bể”, những lời tâm sự của anh khiến ai nghe cũng nhói lòng.

Người nông dân vốn quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, sắp đến ngày thu hoạch thì lại gặp nạn. Giờ họ chỉ còn biết động viên nhau cố gắng vượt qua khó khăn. Mong rằng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền cùng sự nỗ lực của bà con, những vườn đào, vườn quất sẽ sớm được khôi phục và người dân ở làng nghề nổi tiếng này sớm ổn định lại cuộc sống.