Nghệ An:

Nữ sinh 18 tuổi tử vong do bệnh bạch hầu, 119 người phải cách ly

PHẠM NGÂN

VHO - Một nữ sinh 18 tuổi ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) tử vong do bệnh bạch hầu, 119 người tiếp xúc được cách ly theo dõi.

 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An thông tin về vụ việc cô gái tử vong vào ngày 5.7 sau gần 10 ngày mắc bệnh. Đây là ca bạch hầu tử vong đầu tiên tại tỉnh Nghệ An trong năm nay.

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh qua đường hô hấp. Những người tiếp xúc bệnh nhân thời gian di chuyển rộng, đã qua nhiều ngày. Do đó, CDC tỉnh Nghệ An lo ngại dịch có nguy cơ lây lan rộng trong cộng đồng.

Nữ sinh 18 tuổi tử vong do bệnh bạch hầu, 119 người phải cách ly - ảnh 1

Lấy mẫu xét nghiệm những người tiếp xúc gần. Ảnh: Khánh Thảo

Mở rộng điều tra có 119 người tiếp xúc ở hai huyện Kỳ Sơn và Tương Dương. Trong đó, 7 người tiếp xúc gần với bệnh nhân tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn. Hai người đã di chuyển từ huyện Kỳ Sơn ra tỉnh Bắc Giang, hiện một người dương tính với bạch hầu, là cô gái 18 tuổi từng ở chung phòng bệnh nhân tử vong trên. Cô gái này đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội. 

CDC Nghệ An đã lấy mẫu bệnh phẩm những người tiếp xúc chuyển Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm. Đội phản ứng nhanh đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn, các trường học, trạm y tế điều tra, rà soát thông tin các trường hợp tiếp xúc gần; gọi điện thoại hướng dẫn một số trường hợp tiếp xúc gần đã đi làm công ty ở địa phương khác và hướng dẫn khai báo y tế, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Những trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân đã được cách ly, điều trị dự phòng bằng kháng sinh 7 ngày và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối. Ngành y tế đang rà soát tình hình tiêm chủng trên địa bàn nguy cơ để triển khai tiêm bù vaccine phòng bạch hầu.

Sở Y tế Nghệ An cho biết ngành Y tế cũng đã tiến hành khử trùng phương tiện chuyên chở bệnh nhân, tại gia đình bệnh nhân và khu vực xung quanh; hướng dẫn cách ly và điều trị dự phòng bằng kháng sinh 7 ngày cho các trường hợp tiếp xúc gần và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định; lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; triển khai các biện pháp phòng, chống lây nhiễm tại cơ sở điều trị. 

Trước đó, nữ sinh Nữ bệnh nhân là P.T.C. (18 tuổi, ngụ xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn bị sốt, ho, đau họng, khàn tiếng. Vào ngày 26.6, bệnh nhân tự mua thuốc điều trị và vẫn dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2024 tại Trường THPT huyện Kỳ Sơn vào ngày 27 đến 28.6.

Sau khi thi xong, C. về nhà nhưng bệnh không đỡ, nên ngày 1.7 đã đến Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn khám và nhập viện điều trị. Bác sĩ đề nghị chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị tuy nhiên người thân xin ở lại cơ sở y tế ở Kỳ Sơn theo dõi do không đủ kinh phí.

Nữ sinh 18 tuổi tử vong do bệnh bạch hầu, 119 người phải cách ly - ảnh 2

Thực hiện phun hóa chất tiêu độc, khử trùng. Ảnh: Khánh Thảo

Ngày 4.7, bệnh nhân trở nặng, được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, bạch hầu, biến chứng viêm cơ tim, suy đa tạng, tử vong sáng 5.7.

Phát hiện bệnh nhân này từng ở chung phòng với cô gái trở về từ tỉnh Bắc Giang trong những ngày thi tốt nghiệp, CDC tỉnh Nghệ An đã thông báo tin tiếp xúc bệnh nhân bạch hầu đến CDC Bắc Giang để kịp thời khoanh vùng xử lý. Lúc này, cô gái từ tỉnh Nghệ An ra Bắc Giang làm việc có dấu hiệu đau họng, tự mua thuốc uống. CDC Bắc Giang lấy mẫu xét nghiệm xác định cô cũng mắc bạch hầu.

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở amidan, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, kết mạc mắt, bộ phận sinh dục. Dấu hiệu là sốt nhẹ, khàn tiếng, ho, các giả mạc tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được điều trị kịp thời, giả mạc gây tắc đường thở, làm bệnh nhân suy hô hấp và tử vong. Tỷ lệ tử vong của bệnh là 5-10%.

Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khả năng gây dịch, lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, vật trung gian như đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh, xâm nhập qua da bị tổn thương. Thời gian ủ bệnh khoảng hai tuần trước khi bắt đầu lây nhiễm cho người khác.

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ bệnh. Bảo đảm nhà ở thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc