Nụ cười giữa mặt trận

LÊ VĂN CHƯƠNG

VHO - Tiếng súng vang lên ở tuyến biên giới phía Bắc ngày 17.2.1979, bên cạnh sự hy sinh, gian khổ, hiểm nguy thì vẫn có những nụ cười đầy lạc quan giống bức ảnh chụp bên thành cổ Quảng Trị của nhà báo Đoàn Công Tính.

Có thể hình dung nụ cười tếu táo đó qua câu chuyện của CCB Nguyễn Quang Phổ, nguyên Đồn trưởng đồn 1 Xì Lở Lầu, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lai Châu (nay là Bộ đội Biên phòng).

 Thượng úy, CCB Nguyễn Quang Phổ, hiện đang sống tại thôn Hữu Cước, xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. Cứ đến tháng 2 hằng năm, dòng ký ức về mặt trận lại ùa về trong tâm trí ông. “À, nhiều chuyện lắm, nhớ sao cho hết, toàn chuyện đánh nhau, rồi dân vận mà cũng có lắm chuyện hay hay đấy, lính tráng không nhịn nổi”, ông Phổ cười nói.

 Nụ cười giữa mặt trận - ảnh 1
Khi tiếng súng nổ ra ở biên giới phía Bắc, ông Phổ đã bám trụ, sống chết với người dân. Ảnh: TƯ LIỆU

Thượng úy nấp trong chăn

Chuyện hay mà ông định kể đó là lính ở Đồn 1 đi vay gạo của dân và hứa hẹn: “Khi nào được giải phóng thì anh em mang giả lại cho bà con”. Nhưng vài hôm sau quay ra nói: “Ừ, mà không biết bao giờ đối phương rút, thôi thì cứ đi vay gạo dân, mỗi nhà một xing (túi gạo 5 kg của người Dao)”.

Nhưng chuyện được ông Phổ kể lại nhiều lần đó là thượng úy trốn trong chăn. Vào sáng ngày 17.2.1979, pháo cối từ bên kia biên giới bắn tấp nập vào khu vực Đồn 1 Xì Lở Lầu, Pa Nậm Cúm, Nậm Cáy, Nậm Xe để chiếm thị xã Phong Thổ.

Ông Phổ lúc đó đeo lon chuẩn úy, chức vụ đội trưởng trinh sát. Khi đơn vị vừa chiến đấu, vừa rút dần về khu vực Dào San thì ông Phổ được lệnh quay trở lại, dẫn theo tổ công tác để bám dân. Đây là một nhiệm vụ hết sức nguy hiểm. Nhưng lúc đó, ông Phổ vẫn nở nụ cười, đưa tay lên sờ cầu vai vì sao mọc lên nhanh quá. Ông được cấp trên phong cấp tại mặt trận, nâng vượt đến ba bậc, từ chuẩn úy lên thượng úy, từ đội trưởng lên đồn trưởng.

Quay trở lại Xì Lở Lầu, trên người khoác chiếc áo vải màu xám như người đồng bào. Ông Phổ phải luồn rừng, ăn cơm trên rẫy, nghe ngóng tình hình để quay lại bản bám dân. Trước đó, ông Phổ vốn dĩ đã khá nổi tiếng ở vùng Xì Lở Lầu, giỏi tiếng Quan Hỏa, vì vậy khi ông quay lại thì bị đối phương đánh hơi.

Một buổi sáng, ông luồn theo khe suối vào làng thì bị phát hiện và bao vây, chặn đường rút lui ra bìa núi. Ông Phổ hạ thấp người và nhìn qua bụi cây, quan sát toán lính đang lăm le súng. Ông chạy tới trước nhà của bà Tẩn Tả Mai, dân tộc Dao và nói thật nhanh “bọn nó đang tới!”. Nhà Tẩn Tả Mai treo chùm lá trước cửa.

Theo phong tục của dân tộc Dao, đó là có người sinh nở, người lạ cấm được vào. Nhưng trong tình huống sinh tử đó, Tẩn Tả Mai ra hiệu cho ông Phổ rằng “cứ vào”. Tiếng súng lách cách gần lối đi là lúc ông Phổ cũng đi phi nhanh vào nhà, chui dưới chiếc chăn ấm áp và nằm ngay dưới chân của chị Chảo Tả Mẩy đang ôm đứa con đỏ hỏn. Ông Phổ “suỵt”, ra hiệu im lặng, chỉ ẩn nấp một tí rồi đi ngay.

Ở trước cửa nhà, Tần Tả Mai giáp mặt quân lính phía bên kia rồi nói rằng, có nhìn thấy ông Phổ, nhưng người đó đã chui qua bụi rậm và chạy ra bờ suối. Trong lúc Tẩn Tả Mai nói chuyện thì ông Phổ nín thở, bàn tay bóp chặt khẩu súng, con dao găm nén chặt dưới hông.

Vậy là quân lính phía bên kia đi khuất. Cách xử trí của Tẩn Tả Mai cũng là thước đo lòng dân ở Xì Lở Lầu đối với ông Phổ. Ông Phổ rời gia đình tốt bụng này và nghiêng mình nói “tố teng” (tiếng Quan Hỏa là cảm ơn). Câu chuyện thượng úy nấp trong chăn sau này được ông Phổ viết lại trên báo Công an nhân dân với tựa đề Sống trong lòng dân.

 Nụ cười giữa mặt trận - ảnh 2
CCB Nguyễn Quang Phổ vẫn giữ giọng tếu táo của lính mặt trận

Đãi khách… đoàng!

Những ngày ông Phổ dẫn anh em quay trở lại vùng tạm chiếm, sau vài ngày thì hết lương thực. Vậy là đồn trưởng phát động “xuống dân vay gạo, nhà nào nhiều thì cho vay nhiều”. Chuyện thật nhưng được lính tráng nhắc lại như chuyện tiếu lâm, vay nhưng không tính lãi suất và dân cứ bảo ăn đi, không đòi lại.

Người cho vay gạo nhiều như là ông Lý Sẩn Vảng, ông Tẩn Phụ Quẩy xã đội. Người dân truyền miệng nhau “tà cô cần gạo ăn để đánh giặc”, vậy là mỗi người mang đến một xing, ông Phổ đón tiếp bà con với nụ cười xởi lởi.

Kỷ luật quân đội nghiêm cấm không được lấy một cây kim, sợi chỉ của dân. Nhưng dân thương thì việc gì cũng xong, cái gì dân có thì cũng chia sẻ. Khi biên giới tạm im tiếng súng, lính tráng tập trung về đồn và phía sau đơn vị lúc nào cũng ầm ĩ tiếng gà.

Người dân thỉnh thoảng lại mang gà đến cho, có lúc khoảng 100 con gà, suốt ngày kêu ầm ĩ dưới sân. Lính tráng nói đùa phải đeo biển số để đánh dấu là gà nào là của đồn trưởng, trực gác mà đói bụng thì cứ xin đồn trưởng một con mang đi nướng.

Những ngày vơi tiếng súng, ông Phổ vẫn cùng lính tráng hài hước: “Đồn nuôi mấy con trâu, có đoàn khách lên đông, lính tráng hỏi đồn trưởng lấy gì chiêu đãi, tôi vác súng ra đoàng một con ngã lăn ra để đãi khách, làm lương thực dự trữ cho bộ đội, ai cũng khoái…”.

Tính cách nói năng bộc trực, thẳng thắn của ông Phổ khiến ông rất được lòng dân và lính tráng ở đơn vị. Người dân gặp ông Phổ đều kính cẩn và gọi là tà cô, mời tà cô vào nhà uống bát rượu nói chuyện. Tà cô là cách người dân tôn xưng ông Phổ là một ông lớn, người có uy tín. Vì thương tà cô nên có gì người dân cũng mang đến cho ông Phổ.

Ông Giang, một CCB từng tham gia chiến tranh biên giới ở tuyến biên giới phía Bắc kể lại sự lạc quan của anh em trong thời chiến. Đó là lên thăm Đồn 1 Xì Lở Lầu vào lúc lương thực đã cạn, gặp ông đồn trưởng khoe: “Tao sẽ đãi mày một con trâu”.

Lính tráng nghe đồn trưởng nói thì nhao nhao: “Đồn trưởng vui tính, nói giỡn nhưng thường làm thiệt”: Đoàng! Cả đồn nghe tiếng súng, sau đó chạy ùa đến làm thịt trâu và nói với nhau về bữa cơm ngon miệng sau những ngày ăn uống thiếu thốn. Đại tá, CCB Vũ Mạnh Tường, nguyên Tổng biên tập báo Biên phòng kể lại kỷ niệm lên Đồn 1 Xì Lở Lầu.

Lần đó, ông Thái lên đơn vị tác nghiệp và viết về những tấm gương bám trụ, chiến đấu. Nửa đêm ông Phổ lay gọi ông Thái: “Này, xuống bếp có cái ăn”. Ông Phổ giắt khẩu súng dẫn ông Thái xuống khu bếp và ông Thái luôn giật mình và hỏi: “Cậu có nhớ mật khẩu không, lính hỏi trả lời không được là chết”.

Một con gà được làm thịt rất nhanh. Nửa đêm đói bụng, được đồn trưởng chiêu đãi món thịt gà. Khi gian bếp đang bập bùng ánh lửa và mùi thơm tỏa ra thì bỗng ở đâu bốn phía, lính tráng ùa vào cười, mắt sáng lên như gặp vận may, ai cũng thốt lên: “Nửa đêm đồn trưởng lại cho ăn gà, có đồ ăn rồi!”. Ông Phổ giật mình vì nửa đêm đồn trưởng bí mật đãi khách quý là nhà báo mà lính tráng vẫn không tha. Ông bảo: “Đứa nào cần cứ vào làm một mẩu nhỏ rồi lui ra ngay”.