TP.HCM:
Nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, du lịch được đề cử “50 sự kiện nổi bật”
VHO - TP.HCM vừa công bố các sự kiện, hoạt động nổi bật của thành phố trong 50 năm qua, để người dân bình chọn trực tuyến tại địa chỉ: https://binhchon50sukien.hochiminhcity.gov.vn. Các sự kiện trải dài từ năm 1975 đến nay, ở hầu hết các lĩnh vực, trong đó có nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao, báo chí, xuất bản đã được đề xuất.

Đây là một trong những hoạt động hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).
Thành phố của công nghiệp văn hóa, du lịch, lễ hội…
TP.HCM là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa, cho thấy tính năng động và quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong chiến lược hợp tác phát triển công nghiệp văn hóa.
Với vị thế là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa, tập trung đông du khách quốc tế và bạn bè nước ngoài, thời gian qua, TP.HCM đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch với sự tham gia của hàng trăm nghìn khán giả.
Trong đó, nổi bật có các sự kiện: Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hozo, Anh trai “Say hi”, Anh trai vượt ngàn chông gai, Liên hoan Phim quốc tế TPHCM, Liên hoan Sân khấu TP.HCM lần 1, Lễ hội Sông nước, Giải vô địch Teqball thế giới năm 2024, Liên hoan Võ thuật quốc tế TP.HCM năm 2024...
Các sự kiện văn hóa, thể thao này đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, là cầu nối phát triển kinh tế vùng, quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh văn hóa, con người TP.HCM ra khu vực và thế giới, đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế của thành phố
Bên cạnh đó, ngành du lịch TP.HCM tăng tốc, vượt qua thách thức để đạt được kết quả theo mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Theo thống kê, tổng thu du lịch năm 2024 ước đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 100% so với kế hoạch. Khách du lịch nội địa ước đạt 38 triệu lượt. Khách quốc tế ước đạt 6 triệu lượt.
Đặc biệt, năm 2024, ngành du lịch TP.HCM vinh dự nhận được nhiều giải thưởng uy tín của thế giới: Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á; Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á; Cơ quan du lịch thành phố hàng đầu châu Á; Điểm đến du lịch MICE hàng đầu châu Á;…
Với những thành tựu nổi bật này, TP.HCM đã xây dựng hoạt động nổi bật mang tên: “TP.HCM - Thành phố của công nghiệp văn hóa, du lịch, thể thao cộng đồng; điểm hẹn của lễ hội và sự kiện” là một trong các hoạt động nổi bật năm 2024 cũng như trong giai đoạn 1975-2025.

Báo chí, xuất bản sôi động nhất cả nước
TP.HCM là một trong những địa phương có hoạt động báo chí sôi động nhất cả nước. Bên cạnh đó, các hoạt động sau mặt báo cũng được đẩy mạnh vì lợi ích của cộng đồng, khơi gợi lòng yêu nước, hướng tới xây dựng một xã hội tốt đẹp, góp phần làm sâu sắc tính nhân văn, nghĩa tình.
Đó là các hoạt động hướng về biên cương, biển đảo Tổ quốc như chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn”; “Góp đá xây Trường sa”; "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển"; “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”;…
Các hoạt động chăm lo cho các thế hệ tương lai, từ chương trình trao học bổng "Nữ sinh hiếu học, vượt khó"; cùng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong “Giải Quả bóng vàng”, “Giải Mai vàng”, “Giải Làn sóng xanh”, “Chuông vàng vọng cổ”,…
Cùng với hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, phát triển văn hóa đọc thông qua Lễ hội Đường sách Tết và Đường sách TP.HCM là mô hình tiêu biểu của cả nước.
Đường Sách TP.HCM là đường sách phức hợp đầu tiên của Việt Nam, được xem như một nét son văn hóa của Thành phố, nơi hội tụ nhiều nhà sách trong cả nước với không gian mở, du khách tự do tham quan, đọc sách.

Bên cạnh đó, Lễ hội Đường sách Tết – một sự kiện văn hóa đọc đặc sắc diễn ra hằng năm suốt hơn một thập kỷ qua.
Lễ hội Đường sách Tết đã trở thành một trong những hoạt động văn hóa tiêu biểu, góp phần nâng cao nhận thức về giá trị của sách, đồng thời tạo nên không gian thưởng thức tri thức, nghệ thuật đầy hấp dẫn.
Đường Sách TP.HCM và Lễ hội Đường sách Tết từ lâu đã trở thành điểm hẹn lý tưởng, tạo nên những nét mới, đóng góp mới cho TP.HCM trong việc lan tỏa văn hoá đọc.
Các công trình đã đi vào lịch sử
Khởi công xây dựng Khu tưởng niệm các Vua Hùng; Khánh thành Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược, Củ Chi; Khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trước trụ sở HĐND và UBND Thành phố;
Khánh thành Khu Truyền thống cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; Nhà hát Hòa Bình,… là các sự kiện, công trình nổi bật trong nửa thế kỷ qua của Thành phố, được đưa vào danh mục đề xuất để người dân bình chọn.
Theo đó, Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc chính thức được khởi công vào ngày 20.12.1998, với quy mô 400 ha, nhân dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP.HCM.

Từ 2002-2007, dự án Khu tưởng niệm các vua Hùng được triển khai trên đồi cao hơn 20m trong Khu công viên. Đây là một trong 12 công trình trọng điểm của thành phố lúc bấy giờ.
Khu tưởng niệm được khởi công ngày 21.4.2002 và hoàn thành vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10.3 năm Kỷ Sửu (4.4.2009), thể hiện tấm lòng của người dân phương Nam đối với tổ tiên và cội nguồn dân tộc.
Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc tại TP.HCM trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa, lễ hội và du lịch về nguồn của thành phố và khu vực, xứng tầm là một công trình lịch sử - văn hóa tiêu biểu cho tình cảm và trí tuệ của những người con phương Nam vọng về cội nguồn dân tộc.
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2015), ngày 17.5.2015, Thành ủy TP.HCM tổ chức Lễ khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại công viên trước trụ sở HĐND - UBND TP, trên đường đi bộ Nguyễn Huệ.
Tượng đài do họa sĩ, nhà điêu khắc Lâm Quang Nới thiết kế. Công trình mang ý nghĩa chính trị, lịch sử và nhân văn sâu sắc, thể hiện lòng thành kính và niềm tự hào đối với Bác Hồ.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã quản lý và gìn giữ tượng đài hiệu quả, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và tấm gương của Bác Hồ, đặc biệt đối với thế hệ trẻ.
Cũng trong danh mục các sự kiện, hoạt động nổi bật, không thể không nhắc đến sự kiện đã đi vào lịch sử cách đây nửa thế kỷ… Sáng 30.4.1975, quân ta đồng loạt đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố.
Đúng 11h30 ngày 30.4.1975, lá cờ của Quân giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Thành phố Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn giải phóng.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, Chiến dịch Hồ Chí Minh mãi là đỉnh cao thắng lợi của chiến tranh cách mạng Việt Nam, đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Thắng lợi đó là thắng lợi của cả dân tộc thể hiện tinh thần sức mạnh đoàn kết, quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong công cuộc chống ngoại xâm, giành và giữ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
BTC cho biết, kết quả bình chọn sẽ được công bố trong tháng 4.2025, trước thềm lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chương trình nhằm tôn vinh những thành tựu đáng ghi nhận của thành phố trong nửa thế kỷ qua…