Nhiều mối nguy rình rập chung cư cũ ở TP.HCM
VHO - Vụ cháy tại cư xá Độc Lập vừa xảy ra trên địa bàn TP.HCM khiến 8 người tử vong không còn là “hồi chuông cảnh tỉnh” mà đã là “báo động đỏ” về các mối nguy vẫn đang rình rập tại nhiều chung cư cũ trên địa bàn thành phố.

Trước đó, cơ quan quản lý đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo và chỉ ra những nguy cơ tiềm ẩn cháy, nổ cũng như không đảm bảo an toàn cho công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra hỏa hoạn tại các chung cư cũ.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Văn Hóa, bên cạnh sự xuống cấp, điểm chung dễ nhận thấy sự mất an toàn tại nhiều chung cư cũ trên địa bàn TP.HCM hiện nay là tình trạng người dân cơi nới, xây lắp “chuồng cọp” bằng khung sắt tại ban công của căn hộ, một không gian thoát hiểm, nơi tiếp cận trong công tác cứu hộ của lực lượng chức năng đã bị người dân biến thành nơi ẩn núp của “tử thần”, luôn rình rập và đe dọa sự an nguy của chính gia đình mình.
Qua tìm hiểu thực tế, phóng viên cũng ghi nhận nhiều mối nguy khác đang “xâm hại” đến yếu tố an toàn tại các chung cư cũ, nhất là ở khu vực trung tâm của TP.HCM. Đó là tình trạng xây dựng bảng quảng cáo ngoài trời sai quy định, che chắn lối thoát hiểm của chung cư; cải tạo căn hộ chung cư cũ thành nơi kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống… không đúng chức năng.
Điển hình như tại chung cư cũ ở số 124 đường Võ Thị Sáu, phường Xuân Hòa. Cả khu tập thể này chỉ có một lối đi duy nhất là dãy cầu thang ngoằn ngoèo với bề rộng chưa đầy 1m, rất khó di chuyển khi xảy ra sự cố hỏa hoạn. Phần mặt tiền, không gian thoát hiểm của cả khu bị che chắn gần như toàn bộ bởi các bảng quảng cáo áp tường sai quy định.

Trong khi đó, quyết định số 56/2021/QĐ-UBND của UBND TP.HCM ban hành Quy chế quản lý kiến trúc của thành phố quy định: Bảng quảng cáo không được che phần trống của ban công, lối thoát hiểm; lối phòng cháy, chữa cháy…
Tại chung cư cũ số 60-62 đường Cách Mạng Tháng Tám (giao đường Võ Văn Tần) thuộc phường Xuân Hòa, hình thức “xâm hại” đa dạng hơn. Các căn hộ ở tầng trệt được cải tạo thành điểm kinh doanh của thương hiệu đồ uống nổi tiếng Phê La, một số căn hộ tầng trên của chung cư cũng được cải tạo thành điểm kinh doanh của nhà hàng Hương Lài, hoạt động không đúng chức năng để ở.
Chưa hết, phía trước mặt tiền của chung cư này còn xuất hiện bảng quảng cáo áp tường che chắn lối thoát hiểm của các căn hộ ở đây. Tình trạng “biến” căn hộ chung cư cũ thành điểm kinh doanh cũng diễn ra nhộn nhịp tại chung cư 42 đường Trần Cao Vân (khu vực Hồ Con Rùa) và nhiều chung cư cũ khác trên địa bàn TP.HCM. Trong khi đó, quy định của pháp luật về nhà ở hiện hành chưa cho phép hoạt động kinh doanh tại các chung cư cũ.
Điều đáng nói là các điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các chung cư cũ thu hút khá đông lượng khách hàng, trong đó có cả khách du lịch trong nước và quốc tế. Điều này cũng dấy lên lo ngại về sự mất an toàn của môi trường du lịch.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, thời điểm trước khi chưa sáp nhập tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn thành phố có hơn 470 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975. Phần nhiều trong số này hiện đang xuống cấp và hư hỏng nặng, tiềm ẩn không ít nguy cơ mất an toàn. Theo đó, đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp của UBND TP.HCM đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành cơ bản các công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trước năm 1975 và nhà chung cư được xây dựng sau năm 1975 đến 1994.
Sau vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng tại cư xá Độc Lập, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được đã yêu cầu các phường, xã, đặc khu và Sở, ngành liên quan nhanh chóng tổng rà soát toàn bộ tất cả những nơi tiềm nguy cơ cao về cháy, nổ để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra cháy nổ cũng như đảm bảo an toàn trong cứu hộ, cứu nạn.