Nhiều đề xuất kiến nghị liên quan đến Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)

ANH HUY

VHO - Ngày 14.11, Trường ĐH Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Góp ý Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)”.

Nhiều đề xuất kiến nghị liên quan đến Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) - ảnh 1
Toàn cảnh hội thảo

Qua hơn 8 năm thi hành Luật Việc làm năm 2013 và các văn bản hướng dẫn, về cơ bản đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người lao động và người sử dụng lao động, đảm bảo an sinh xã hội và hội nhâp quốc tế.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Việc làm năm 2013 vẫn còn nhiều nội dung bất cập, hạn chế như: Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động.

Một số quy định về chế độ trợ cấp thất nghiệp, căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp không còn phù hợp; Quy định, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp chưa thống nhất với các văn bản pháp luật khác như Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Bảo hiểm xã hội 2014...

TS Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết: Nội dung dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) lần này đã có nhiều thay đổi lớn như: Sửa đổi, bổ sung quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm; mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; sửa đổi quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động.

Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung quy định về tư vấn viên dịch vụ việc làm; quy định về đăng ký lao động; về phát triển kỹ năng nghề;… 

Cho đến nay, bản dự thảo đã và đang được hoàn thiện, chỉnh sửa nhiều lần thông qua các ý kiến góp ý của các cơ quan, ban ngành, của toàn thể nhân dân.

Ngày 9.11.2024 tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) của Chính phủ. Tuy nhiên tại Bản dự thảo này còn nhiều nội dung chưa được thống nhất, nhiều ý kiến khác nhau về các nội dung sửa đổi, bổ sung.

Chính vì lẽ đó, Hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan quản lý và thực thi Luật Việc làm, cơ quan xét xử, các doanh nghiệp,… có thể được trao đổi, chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu và đánh giá về việc thực hiện chính sách, quy định Luật Việc làm nói riêng và pháp luật lao động nói chung.

Bàn về điểm mới của Dự thảo Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, ông Trần Nguyễn Quang Hạ, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng, Dự thảo của Luật Việc làm về Bảo hiểm thất nghiệp mang lại nhiều điểm mới nhằm cải thiện hiệu quả của chính sách, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người lao động (NLĐ) trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng phức tạp.

Những điều chỉnh về trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, và các cơ chế hỗ trợ khác không chỉ tăng cường bảo vệ quyền lợi của NLĐ mà còn thúc đẩy họ tái hòa nhập vào thị trường lao động một cách nhanh chóng và bền vững.

Việc bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về thời gian, đối tượng, và cách thức hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho thấy nỗ lực của nhà nước trong việc hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội và nâng cao tính minh bạch trong quá trình thực hiện chính sách.

Tuy nhiên, để Dự thảo này thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự tham gia và phối hợp từ nhiều phía, bao gồm cơ quan quản lý, doanh nghiệp và NLĐ. Những điểm mới cần được phổ biến rộng rãi, đảm bảo sự đồng thuận trong xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi.

Đồng thời, các chính sách cần tiếp tục được đánh giá và điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, để đảm bảo hệ thống bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là công cụ hỗ trợ khi thất nghiệp mà còn là động lực thúc đẩy NLĐ nâng cao kỹ năng, tạo dựng việc làm mới và ổn định cuộc sống lâu dài.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc