Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh trò chuyện với sinh viên về nguồn nhân lực trong giai đoạn mới
VHO - Ngày 1.3, Trường ĐH Hoa Sen tổ chức chương trình nói chuyện chuyên đề “Hạn chế và lợi thế của Việt Nam và người Việt trong việc xây dựng và hình thành nhân lực đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới”, với sự tham gia của đông đảo sinh viên.

Ngày 1.3, Trường ĐH Hoa Sen tổ chức chương trình nói chuyện chuyên đề “Hạn chế và lợi thế của Việt Nam và người Việt trong việc xây dựng và hình thành nhân lực đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới”, với sự tham gia của đông đảo sinh viên.
Tại chương trình, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh – Chủ tịch Quỹ Hòa Bình và Phát triển TP.HCM đã chia sẻ với sinh viên về những điểm hạn chế cũng như lợi thế của nguồn nhân lực Việt Nam trong giai đoạn mới, nhất là thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.
Đặc biệt, bà chú trọng đến vai trò của văn hóa.
Theo bà Ninh, giáo dục Việt Nam cần tiến bộ hơn nữa về tư duy, cách tiếp cận và phương pháp. Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và trí tuệ nhân tạo đang đặt ra những yêu cầu mới cho nhân lực, đòi hỏi sự đổi mới trong giáo dục và đào tạo.
Bà cũng nhấn mạnh rằng, bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn, yếu tố văn hóa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình một thế hệ trẻ có khả năng đối mặt và thích ứng với những thay đổi của xã hội.
Tham gia trò chuyện cùng nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh còn có các sinh viên, cựu sinh viên ưu tú của Nhà trường, cùng với diễn giả phân tích nhiều câu chuyện, góc nhìn về trình độ, kỹ năng nguồn nhân lực Việt Nam, về văn hóa, tinh thần, thái độ thực hiện công việc trước yêu cầu hội nhập.
Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh đặt ra vấn đề để sinh viên cùng thảo luận: Theo đó, chiều kích văn hóa giữ vai trò gì trong thời buổi hội nhập hiện nay? Văn hóa là lợi thế hay hạn chế? Liệu văn hóa Á Đông có khiến sự thận trọng, e dè quá mức trong hội nhập không?.
Bà Ninh chỉ ra rằng người phương Tây và Mỹ có xu hướng năng động hơn người châu Á, nhưng liệu điều đó có phải lúc nào cũng là ưu thế?
Bà đặt câu hỏi về việc, sự tự tin của nền giáo dục phương Tây đôi khi có thể trở nên quá phổ biến, khiến sinh viên ít chịu lắng nghe và không đánh giá đúng mức sự quan trọng của việc học hỏi.
Ngược lại, người phương Đông có thể phản xạ hơi chậm, nhưng lại dành thời gian để đánh giá kỹ lưỡng và đưa ra quyết định đúng đắn hơn. Do đó, bà khuyến khích thế hệ trẻ Việt Nam nên tận dụng cơ hội tiếp cận với các nền giáo dục phương Tây, đồng thời hòa nhập với văn hóa bản địa để tạo ra sự kết hợp hoàn hảo.
Bà Ninh đúc kết rằng, Việt Nam hiện nay có một số hạn chế như thiếu cơ sở, trung tâm đủ quy mô và hiệu quả để đáp ứng đúng mức và kịp thời nhu cầu về nhân lực kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt liên quan đến các lĩnh vực như bán dẫn và AI.
Ngoài ra, phương pháp dạy và học chưa đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới; khả năng phân tích, tổng hợp, tư duy phản biện còn hạn chế.
Trình độ ngoại ngữ của phần lớn lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Cùng với đó, lao động trẻ Việt Nam đôi khi thiếu tự tin và chủ động, ít đề xuất ý kiến.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng sở hữu những lợi thế lớn, chẳng hạn như chính sách đối ngoại linh hoạt, quy mô thị trường lao động, mức độ đào tạo và chi phí nhân công hợp lý. Lao động Việt Nam chăm chỉ, cầu tiến, cởi mở và có kỷ luật, đồng thời tiếp thu nhanh.
Những chính sách đối ngoại linh hoạt và sự tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại đã tạo cơ hội cho lao động Việt Nam nâng cao tay nghề, trau dồi kỹ năng và mở rộng các ngành nghề mới, thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực sáng tạo và năng động.
TS Phan Thị Việt Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen nhận định, nguồn nhân lực lao động Việt Nam hiện nay có tình trạng vừa thừa, vừa thiếu. Mặc dù có số lượng lao động giá rẻ khá dồi dào, nhưng lại thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề chuyên môn cao.
Thêm vào đó, trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam chưa cao, gây khó khăn trong quá trình hội nhập quốc tế.
Trong nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, Nhà trường luôn chú trọng hợp tác với doanh nghiệp để giúp sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu công việc ngay lập tức, giảm thiểu thời gian đào tạo lại.
“Trường ĐH Hoa Sen cũng khuyến khích sinh viên không chỉ học kiến thức chuyên môn mà còn trang bị kỹ năng mềm, phát triển bản thân và định vị được giá trị của mình trong thế giới lao động hiện đại.
Chia sẻ của nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh không chỉ giúp sinh viên có cái nhìn sâu sắc hơn về những hạn chế và lợi thế của nhân lực Việt Nam mà còn truyền cảm hứng, định hướng cho các bạn trẻ trong việc phát triển bản thân, mạnh dạn vươn ra thế giới trong kỷ nguyên mới.