Bệnh viêm phổi do HMPV:

Người dân không nên hoang mang trước thông tin lan truyền

MAI TRANG

VHO - Vừa qua, hệ thống giám sát dựa trên sự kiện đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh viêm phổi do virus human metapneumovirus (HMPV) tại Trung Quốc. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đây không phải là một virus mới và khuyến cáo người dân không nên hoang mang trước thông tin này.

Người dân không nên hoang mang trước thông tin lan truyền - ảnh 1
Virus HMPV lây lan trong không khí qua giọt bắn cũng như tiếp xúc gần, khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh (ảnh minh họa)

 Chủ động theo dõi bệnh

Ngày 2.1, một số trang thông tin quốc tế đưa tin về đợt bùng phát dịch tại Trung Quốc, với nhiều trường hợp mắc bệnh viêm phổi do virus HMPV. Các chuyên gia nhận định, bệnh lây lan nhanh với triệu chứng tương tự cúm và Covid-19, đồng thời lo ngại về nguy cơ tái diễn khủng hoảng y tế sau đại dịch Covid-19. Ngoài ra, nhiều hình ảnh về tình trạng quá tải tại các bệnh viện, việc công bố tình trạng khẩn cấp, các lò hỏa táng làm việc hết công suất… tại Trung Quốc đã được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội.

Ngay sau khi nhận được thông tin nêu trên, Cục Y tế dự phòng đã liên hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam và khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của Trung Quốc để xác minh và cập nhật thông tin. Hiện tại, WHO chưa có thông báo chính thức về tình hình dịch bệnh và cũng chưa xác minh được độ tin cậy, tính chính xác của các thông tin được chia sẻ trên các kênh truyền thông, báo chí và mạng xã hội.

Theo báo cáo giám sát trọng điểm các bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường hô hấp trong tuần 52 năm 2024 (từ ngày 23-29.12) của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Trung Quốc, các mẫu bệnh phẩm thu thập từ Khoa khám bệnh ngoại trú và Khoa cấp cứu của các bệnh viện tại Trung Quốc ghi nhận các tác nhân chủ yếu là virus cúm, HMPV và rhinovirus. Đối với các trường hợp nhiễm bệnh đường hô hấp cấp tính nặng phải nhập viện, tác nhân gây bệnh chủ yếu được xác định là virus cúm, Mycoplasma pneumoniae và HMPV…

Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện tại Trung Quốc đang trong mùa đông, thời tiết lạnh giá khiến các bệnh lây truyền qua đường hô hấp có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo giám sát của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Trung Quốc, số trường hợp mắc các bệnh hô hấp có triệu chứng giống cúm trong tuần 52 năm 2024 thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Vào ngày 4.1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chính thức thông báo: Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp đang lây lan tại quốc gia này là bệnh thông thường, đạt đỉnh vào thời điểm này trong năm, và khẳng định “không phải là sự kiện y tế bất thường”.

Cục Y tế dự phòng Việt Nam cho biết, đã chủ động theo dõi và giám sát diễn biến tình hình mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp tại Trung Quốc, dựa trên thông tin từ hệ thống giám sát sự kiện. Cục sẽ tiếp tục bám sát và phối hợp chặt chẽ với WHO cũng như cơ quan đầu mối thực hiện IHR của Trung Quốc để cập nhật thông tin kịp thời. Cục cam kết cung cấp và chia sẻ thông tin chính xác, đầy đủ, nhằm tránh gây hoang mang trong cộng đồng, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải cảnh giác, không chủ quan, đặc biệt trong giai đoạn đông xuân, khi điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự lây lan của các tác nhân gây bệnh về đường hô hấp.

Người dân không nên hoang mang trước thông tin lan truyền - ảnh 2
Bệnh nhi mắc virus RSV năm 2023 được điều trị tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: LÊ HIẾU

Không phải virus mới

Chiều qua 7.1, Sở Y tế TP.HCM ra thông báo: Virus HMPV (được cho là nguyên nhân gây gia tăng bệnh hô hấp tại Trung Quốc) không phải là virus mới. Đây là một trong những tác nhân gây viêm hô hấp ở trẻ em và đã được ghi nhận tại TP.HCM các năm 2023- 2024. Cụ thể, trong đợt nghiên cứu từ tháng 7-12.2024, kết quả xét nghiệm 103 bệnh nhân viêm phổi cộng đồng (gồm 56 trẻ em và 47 người lớn) nhập viện tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới TP.HCM cho thấy: HMPV chiếm 12,5% ở trẻ em, thấp hơn so với các tác nhân khác như vi khuẩn H. influenzae (71,4%), S. pneumoniae (42,9%), virus cúm A (25%), rhinovirus (44,6%) và RSV (41,1%). Đối với người lớn, các tác nhân chủ yếu là vi khuẩn H. influenzae (42,6%), S. pneumoniae (27,7%) và virus cúm A (48,9%). Trong đợt bùng phát bệnh viêm đường hô hấp vào cuối năm 2023, giám sát cũng ghi nhận sự hiện diện của nhiều tác nhân virus, trong đó HMPV chiếm 15%.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thông tin: “Bệnh do HMPV là bệnh tái diễn hằng năm, thuộc nhóm virus đường hô hấp phổ biến gây các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới, đặc biệt vào mùa đông xuân, tương tự như virus hợp bào hô hấp RSV và cúm. Do vậy, khi mùa virus phát triển, cùng với biện pháp phòng dịch hạn chế và miễn dịch cộng đồng giảm, đã dẫn đến số ca mắc gần đây có sự gia tăng”.

Cũng theo ông Phu, các virus này không phải là loại nguy hiểm, nhưng có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người qua các giọt bắn chứa virus khi người bệnh ho, hắt hơi, sổ mũi hoặc nói chuyện. Virus cũng có thể tồn tại lâu trong không khí và trên bề mặt các đồ vật, xâm nhập cơ thể khi tiếp xúc. Khả năng đột biến của virus là thường xuyên. “Vì vậy, người dân không nên quá hoang mang, tuy nhiên cũng cần chú ý phòng bệnh như với các bệnh lây qua đường hô hấp khác”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Mặc dù tình hình hiện tại chưa có biến động lớn, các chuyên gia vẫn khuyến cáo không nên chủ quan với diễn biến của dịch bệnh. Cơ quan y tế cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên toàn cầu và sẵn sàng triển khai các biện pháp kiểm dịch y tế tại sân bay và cảng biển theo chỉ đạo của Cục Y tế Dự phòng. Mục tiêu là phát hiện sớm và ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh. 

 Bệnh do HMPV là bệnh tái diễn hằng năm, thuộc nhóm virus đường hô hấp phổ biến gây các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới, đặc biệt vào mùa đông xuân, tương tự như virus hợp bào hô hấp RSV và cúm. Do vậy, khi mùa virus phát triển, cùng với biện pháp phòng dịch hạn chế và miễn dịch cộng đồng giảm, đã dẫn đến số ca mắc gần đây có sự gia tăng… Vì vậy, người dân không nên quá hoang mang, tuy nhiên cũng cần chú ý phòng bệnh như với các bệnh lây qua đường hô hấp khác.

(PGS.TS TRẦN ĐẮC PHU, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng)