Ngăn chặn thực phẩm chức năng kém chất lượng tràn lan trên thị trường

CÚC PHƯƠNG

VHO - Thời điểm cuối năm đông đảo người lao động xuất khẩu, du học sinh, Việt kiều... về nước ăn Tết; đồng thời mang nhiều loại thực phẩm chức năng về để làm quà cho người thân và mua bán. Cùng với đó là nhiều đối tượng trà trộn, giả mạo thực phẩm chức năng hàng “xách tay” để mua bán kiếm lời.

Cuối tháng 10 vừa qua, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh Tây Ninh vừa phối hợp với Đội 4, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, Công an huyện Tân Châu triệt xóa tụ điểm buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng số lượng lớn trên không gian mạng.

Ngăn chặn thực phẩm chức năng kém chất lượng tràn lan trên thị trường - ảnh 1
Lực lượng QLTT TP Đà Nẵng kiểm tra trực tiếp hàng hóa thực phẩm chức năng tại địa điểm kinh doanh

Cụ thể, qua điều tra, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường phát hiện Phan Trọng Hiếu và vợ là Nguyễn Thị Hào (cùng sinh năm 2000, ngụ ấp Đông Tiến, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) thuê một số nhân viên sử dụng nhiều tài khoản trên sàn thương mại điện tử Shopee để bán hàng giả là thực phẩm chức năng, thuốc bảo vệ sức khỏe, được quảng cáo có tác dụng giảm cân.

Lực lượng chức năng bắt quả tang Tô Hạnh Nhi (sinh năm 2001, ngụ ấp Trảng Ba Chân, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu) đang có hành vi buôn bán hàng hóa là thực phẩm chức năng giả. Kiểm tra nhà kho của đối tượng Nhi, lực lượng chức năng phát hiện có nhiều thùng giấy carton, bên trong chứa rất nhiều thực phẩm chức năng, thuốc bảo vệ sức khỏe và các dụng cụ dán nhãn, tem, đóng hộp. Nhi cho biết toàn bộ hàng hóa thuộc sở hữu của vợ chồng Hiếu và Hào.

Tổng số tang vật tạm giữ ở 2 địa điểm trên gồm: 23 loại thực phẩm chức năng với 3.729 sản phẩm, ước tính tổng giá trị hàng hóa trên 290 triệu đồng. Các đối tượng khai nhận đã mua bán thực phẩm chức năng giả từ đầu năm 2024 đến nay. Nguồn hàng này do Hiếu đặt mua qua mạng xã hội, thông qua dịch vụ giao hàng nhanh để nhận hàng hóa, sau đó, tiếp tục qua sàn thương mại điện tử Shopee bán lại kiếm lời.

Trước đó, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa cũng có quyết định xử phạt 32 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần MOMKID Việt Nam (địa chỉ tại số 347 Quang Trung, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa), do ông Đoàn Hải Đăng là người đại diện, về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu là thực phẩm chức năng. Lực lượng QLTT phát hiện cơ sở này đang kinh doanh thực phẩm chức năng (sữa) không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, gồm: Vitamin tổng hợp ROALD DAHL loại 25 ml/hộp (5 hộp), Vitamin lợi sữa Pregnacare breast - feeding loại 84 viên/hộp (30 hộp), Vitamin lợi sữa Fenugreek loại 500 mg/lọ (24 lọ), Vitamin lợi sữa Fenugreek loại 620 mg/lọ (15 lọ). Trị giá hàng hóa 20,3 triệu đồng.

Ngoài ra, Cục QLTT thành phố Đà Nẵng đã tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trên địa bàn quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm trong kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng, tổ chức kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Cục QLTT thành phố Đà Nẵng cũng kiểm tra, phát hiện hộ kinh doanh đang kinh doanh 83 đơn vị sản phẩm là thực phẩm chức năng các loại do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa; có tổng trị giá 34,01 triệu đồng. Đơn vị đã tiến hành xử phạt trị giá 30 triệu đồng và tịch thu sản phẩm lậu theo quy định.

Ngăn chặn thực phẩm chức năng kém chất lượng tràn lan trên thị trường - ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời tại Quốc hội

Thực tế cho thấy, tình trạng buôn lậu đối với nhóm mặt hàng thực phẩm chức năng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, diễn biến phức tạp. Đặc biệt, hiện nay đang là thời điểm cuối năm, đông đảo người lao động xuất khẩu, du học sinh, Việt kiều... về nước ăn Tết; đồng thời mang nhiều loại thực phẩm chức năng về để làm quà cho người thân và mua bán. Cùng với đó là nhiều đối tượng trà trộn, giả mạo thực phẩm chức năng hàng “xách tay” để mua bán kiếm lời. Vì vậy người dân cần thận trọng khi mua hàng hóa trôi nổi, không có nguồn gốc.

Để đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng, Phòng Cảnh sát kinh tế, Cục QLTT và các cơ quan chức năng sẽ tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn các loại thực phẩm chức năng lậu, giả ra thị trường.

Tại kỳ họp Quốc hội khóa VIII vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng lan cho biết, nói đến thực phẩm chức năng xách tay là nói về các sản phẩm nhập khẩu do người đi nước ngoài mang về. Trong các văn bản pháp quy hiện không có khái niệm này. Khi các thực phẩm chức năng mang từ nước ngoài về, sử dụng cho cá nhân thì không trong diện quản lý. Nhưng nếu các thực phẩm đó được mang ra buôn bán, thì điều kiện để kinh doanh thực phẩm chức năng là phải được cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm, sản phẩm đó phải được dán nhãn phụ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng các loại thực phẩm chức năng, mỹ phẩm xách tay không rõ nguồn gốc được bán tại các cửa hàng, hoặc bán qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Khi đã là loại để bán hàng thì phải đáp ứng được đầy đủ các quy định liên quan tới đăng ký, công bố sản phẩm. Việc bán hàng với các sản phẩm không có công bố này là vi phạm pháp luật. Đối với các sản phẩm quảng cáo, theo quy định, sản phẩm quảng cáo phải có giấy xác nhận nội dung quảng cáo được các cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Việc bán hàng online không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đáp ứng đầy đủ các quy định thì đều là vi phạm.

Nguyên nhân của tình trạng này là do mức lợi nhuận khiến một số người bất chấp các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng có nhu cầu dùng hàng xách tay vì cho rằng hàng xách tay tốt hơn hàng nhập khẩu, và khi điều kiện tinh tế tốt hơn thì nhu cầu cung tăng lên. Một nguyên nhân khác là do việc kiểm soát buôn bán hàng trên mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tích cực phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ VHTTDL, Bộ TT-TT để tăng cường kiểm soát việc bán hàng trên thị trường, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người tiêu dùng có nhận thức đúng đắn. Bộ Y tế cùng các Bộ đã thành lập đội phản ứng nhanh, khi phát hiện các sai phạm, theo chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, Bộ để có cách thức xử lý. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là liên quan đến mạng xã hội, khi máy chủ đặt ở nước ngoài, nên việc kiểm soát nằm ngoài phạm vi của cơ quan chức năng.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc