Cấm học sinh sử dụng điện thoại:

Nên hay không?

THUỴ BẤT NHI

VHO - Năm học mới vừa bắt đầu, dư luận xã hội lại rộ thông tin phải quản lý chặt việc học sinh mang theo điện thoại đến trường. Nhiều ý kiến cho rằng tuyệt đối không cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong trường học, song cũng có nhiều ý kiến phân tích những điểm lợi khi học sinh biết dùng điện thoại và công nghệ số vào việc học tập, giao tiếp.

 Tại Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT (2020) về điều lệ trường THCS, THPT, Bộ GD&ĐT cũng quy định, học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.

Quy định này không cấm học sinh mang điện thoại, sử dụng điện thoại trong giờ giải lao ở trường đã tạo nên hai luồng dư luận trái chiều, mà mấu chốt là chính sự nhìn nhận thái độ, hành động của người lớn.

Nhiều trường học nghiêm cấm điện thoại

Thông tin này đang được lan tỏa mạnh mẽ trong các diễn đàn giáo dục, mạng xã hội những ngày gần đây khi năm học mới bắt đầu. Có người nêu báo cáo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ngày 26.7.2023 về giám sát giáo dục toàn cầu đánh giá điện thoại thông minh làm học sinh mất tập trung vào học tập.

Theo đó, nhiều tác hại do sử dụng điện thoại tùy tiện, thiếu kiểm soát ở học sinh được chỉ ra, như sao nhãng nghe bài giảng, thiếu tập trung học tập, nghiện game và các thông tin mạng xã hội, sa đà vào một số hoạt động trực tuyến tiêu cực… và nhất là dễ bị tấn công, bị bắt nạt trên mạng.

Việc dùng điện thoại nhiều cũng gây ra các dị chứng ảnh hưởng về mắt, tai nghe, cảm xúc hồi hộp… Một số ứng dụng trực tuyến, như Tiktok còn khiến học sinh bị ảnh hưởng phản xạ, tác động đến tư duy suy nghĩ, và cả sử dụng ngôn ngữ giao tiếp…

Bởi những hạn chế tiêu cực đó, nhiều giáo viên mạnh dạn yêu cầu Bộ GDĐT phải nghiêm khắc hơn để ban hành những quy định thật sự khắt khe, rõ ràng về tình trạng sử dụng điện thoại của học sinh. Nhiều thầy cô giáo còn kết nối với cha mẹ học sinh để phản ảnh và đề nghị hợp tác quản lý tốt việc học sinh dùng điện thoại quá thường xuyên, ảnh hưởng đến chất lượng học tập.

Một số trường học tại các đô thị lớn đã ra hẳn quy định cấm học sinh mang điện thoại thông minh vào lớp học, yêu cầu các giáo viên cân nhắc không khích lệ sử dụng nhiều công cụ qua điện thoại di động để hạn chế học sinh bị lệ thuộc điện thoại.

Tuy nhiên, những nhìn nhận này đang vấp phải phản ứng đối lập từ nhiều phụ huynh và cả các giáo viên. Một số giáo viên bộ môn tin học khẳng định, thiết bị không phải lý do để ảnh hưởng học sinh và ở thời đại công nghệ số, việc hạn chế dùng điện thoại hay máy tính bảng ở học sinh là không nên.

Biết cách dùng điện thoại thông minh, việc tiếp cận các thông tin, bài học của học sinh qua mạng trực tuyến, học tập trực tuyến tốt hơn rất nhiều. Có giáo viên nhấn mạnh, giai đoạn dịch bệnh Covid-19, tổ chức dạy, học trực tuyến và kết quả học tập của học sinh đều được ghi nhận tốt.

Từ đó, thái độ và thói quen sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng ở một bộ phận lớn học sinh biểu hiện rất tốt. Quan trọng hơn, lập luận học sinh không dùng điện thoại rất mâu thuẫn với chính “thái độ người lớn”, khi rất nhiều cha mẹ hiện nay rất lạm dụng điện thoại di động, suốt ngày gắn chặt vào điện thoại, làm sao làm gương để con cái không bị ảnh hưởng?.

Thay vì cấm, hãy quản tốt?

Theo một số giáo viên, xã hội tiến bộ hôm nay đòi hỏi sự minh bạch trong cách hành xử của mỗi người. Cho nên, nếu người lớn luôn sử dụng điện thoại trong cuộc sống, không thể cấm ngặt được giới trẻ, học sinh xa rời điện thoại di động. Có không ít trường hợp người lớn dùng điện thoại vào những mục đích xấu, trong đó có cả cờ bạc, lừa đảo qua mạng xã hội từ chiếc điện thoại trong tay.

Cho nên, thay vì chỉ nhất định yêu cầu cấm, xã hội và nhà trường cần có cách quản lý tốt hoạt động của học sinh, để giới trẻ tự động giới hạn hành vi lệ thuộc điện thoại di động của mình.

Thầy giáo Phạm Vũ Thanh An (giáo viên trường THCS Võ Văn Ký, Nha Trang, Khánh Hòa) chia sẻ, khi người lớn chúng ta còn tự chưa quản lý được hành vi dùng điện thoại, phải có giải pháp để hướng dẫn, hỗ trợ học sinh biết cách sử dụng điện thoại thông minh. Đó là hướng đưa các hoạt động ngoại khóa, sinh động vào các môn học, tiết dạy, để học sinh ham thích vận động, tìm tòi…

Đây là trách nhiệm rất lớn thuộc về các thầy cô giáo và sự phối hợp của cha mẹ học sinh. Nếu các giáo viên có các phương pháp sư phạm sáng tạo hơn, cởi mở hơn, sẽ cuốn hút được học sinh rời khỏi chiếc điện thoại và quan tâm vào bài học.

Giới trẻ hiếu động và ham muốn tìm tòi, cần biết cách khai thác những điều này, thậm chí giúp học sinh tìm thấy những cách sử dụng điện thoại vào việc học tập, tìm kiếm thông tin bổ ích… trên mạng xã hội và Internet một cách hiệu quả hơn.

Đồng thời, đã đến lúc, ngành GD&ĐT cần có sự đầu tư, thay đổi những quan niệm truyền thống về sách vở giáo khoa, bài giảng, giáo án. Các trường học cần được trang bị những công cụ công nghệ, sử dụng những hệ dữ liệu lớn và thông minh hơn, phục vụ cho việc dạy và học, làm sao để học sinh tiếp cận được tốt nhất những môi trường học tập trực tuyến, những bài giảng trên mạng… sinh động hơn, chất lượng hơn.

Việc kết hợp sử dụng những chiếc điện thoại di động vào giáo trình học tập sẽ khiến tương tác học tập của học sinh tốt hơn, thay vì tỏ thái độ bài xích và cấm đoán học sinh sử dụng điện thoại đến trường.