Sau một tuần thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP:

Nâng cao văn hóa giao thông từ chế tài đủ mạnh

QUẢNG XƯƠNG

VHO - Sau một tuần thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP, ý thức người tham gia giao thông đã có sự chuyển biến rõ rệt. Tăng mạnh chế tài xử phạt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong việc xử lý của lực lượng chức năng đã góp phần làm nên văn hóa giao thông.

Nâng cao văn hóa giao thông từ chế tài đủ mạnh - ảnh 1
Người dân chấp hành nghiêm túc khi có tín hiệu đèn đỏ

 Có thể thấy, đa số người dân đều nghiêm chỉnh chấp hành. Việc tăng mức xử phạt gấp nhiều lần so với quy định trước đây được nhiều người đồng tình bởi mức phạt đủ sức răn đe sẽ tạo môi trường giao thông trật tự, an toàn và văn minh hơn. Cùng với đó, mức phạt tăng mạnh, đủ sức răn đe sẽ nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông.

Với mức xử phạt mới, những lỗi ô tô, xe máy vượt đèn đỏ, đi lùi trên cao tốc, đi ngược chiều, đi trên vỉa hè… đều bị xử lý rất nghiêm. Nhiều người “sốc” khi mức xử phạt lên đến 5-10% giá trị phương tiện giao thông họ sử dụng. Điển hình như trường hợp của chị N.T.H. (21 tuổi, trú tại Hoàng Mai), đã bật khóc khi bị lập biên bản xử phạt 5 triệu đồng và trừ 4 điểm giấy phép lái xe vì lỗi vượt đèn đỏ. Chị H. cho biết nếu biết mức phạt cao như vậy, chị đã không vi phạm.

Cũng trong tuần qua, theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), trên các tuyến cao tốc, các phương tiện tham gia giao thông đã trật tự hơn, ít lỗi vi phạm hơn. Tuy nhiên, tối 3.1, đại diện Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1 (Đội 1, Cục CSGT) cho biết, vừa hoàn tất việc lập biên bản xử phạt tài xế ô tô đi ngược chiều trên cao tốc Nội Bài - Lào Cài. Theo đó, thông qua hệ thống camera giám sát trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, lực lượng chức năng đã phát hiện ô tô con mang BKS 19A - 444.XX đi ngược chiều cao tốc tại Km48 +700 (hướng Lào Cai - Hà Nội). Sau khi phát hiện sự việc, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1 đã mời tài xế ô tô con lên làm việc. Tài xế điều khiển ô tô con đi ngược chiều là N.V.Q. (SN 1974, trú tại tỉnh Phú Thọ). CSGT đã lập biên bản xử phạt tài xế N.V.Q. với lỗi: Điều khiển ô tô đi ngược chiều trên đường cao tốc. Với lỗi này theo Nghị định 168/2024, tài xế Q. sẽ bị xử phạt 35 triệu đồng, trừ 10 điểm giấy phép lái xe.

Nâng cao văn hóa giao thông từ chế tài đủ mạnh - ảnh 2
Vẫn còn không ít người bị xử phạt

Anh Nguyễn Quang Cường (Hà Giang) cho biết, anh là chủ một số xe vận tải hành khách tuyến Hà Nội - Hà Giang và có thuê tài xế. Khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực, anh liên tục nhắc nhở tài xế lái thuê thực hiện nghiêm, không vi phạm các lỗi vi phạm để tránh bị phạt nặng và tránh bị trừ điểm bằng lái xe. “Với anh em tài xế, bằng lái là hết sức quan trọng. Nếu bị trừ hết 12 điểm trên bằng lái sẽ phải sát hạch lại phần lý thuyết, thi đạt thì mới được phục hồi điểm trên bằng. Với việc thi sát hạch khó như hiện nay, kể cả tài xế nhiều kinh nghiệm thi lại chưa chắc đã đỗ. Chính vì thế, tuân thủ và chấp hành quy định là tốt nhất”, anh Cường nói. Trong những ngày qua, mức phạt cao khiến nhiều tài xế vừa e ngại, vừa phải tự giác nâng cao ý thức hơn khi tham gia giao thông. Tại nhiều nút giao thông trên cả nước, tài xế cẩn thận quan sát tín hiệu đèn, nhiều tài xế không dám di chuyển phương tiện khi hệ thống tín hiệu đèn giao thông bị trục trặc.

Đơn cử như ngày 2.1, đèn giao thông trên quốc lộ 51 đoạn qua tỉnh Đồng Nai bị trục trặc, đèn đỏ kéo dài khiến các tài xế xế ô tô, xe máy không dám vượt, dẫn đến ùn dài cả cây số trên quốc lộ. Trong khi đó, tại Hà Nội và một số tỉnh thành khác, trong những ngày qua, một số cột đèn tín hiệu giao thông “đang xanh bỗng dưng đỏ” khiến nhiều người e ngại bị “bẫy”.

Bên cạnh đại bộ phận người dân đã chấp hành nghiêm thì vẫn còn nhiều đối tượng “điếc không sợ súng” phóng nhanh, vượt ẩu, không cần biết đèn tín hiệu giao thông là gì, cố tình đi ngược chiều khi quan sát không thấy lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Vì thế nhiều ý kiến cho rằng, lực lượng chức năng cần tích cực áp dụng phạt nguội kể cả phương tiện xe máy, xe đạp điện.

Mặc dù Nghị định 168/2024/NĐ-CP có mức xử phạt cao, để tránh “mất tiền” nhiều người tuân thủ quy định. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Chính vì thế, dù biết bị xử phạt, nhiều người vẫn cố tình vi phạm. Đơn cử như tại đường Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến, giờ cao điểm mật độ phương tiện giao thông quá cao. Người dân đi lên vỉa hè thành một đoàn, tạo sự hỗn loạn và xung đột giao thông. Hay tại nhiều tuyến đường ở Hà Nội, xe máy, ô tô đỗ kín vỉa hè, lòng đường tại nhiều tuyến đường cấm dừng đỗ. Hạ tầng thiếu đồng bộ đã dẫn đến ùn tắc và vi phạm giao thông của các phương tiện. Do đó, anh Phạm Cường (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) bày tỏ, muốn xử phạt nghiêm minh, trước hết phải đảm bảo đồng bộ những yếu tố hạ tầng liên quan như đường sá, bảng hiệu, đèn giao thông… Khi cơ sở hạ tầng đồng bộ, người dân cũng sẽ “tâm phục khẩu phục” với những lỗi như đi trên vỉa hè hay dừng đỗ không đúng quy định. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc