Xem nhẹ văn hóa giao thông
VHO - Những ngày gần đây trên mạng xã hội, báo chí liên tục xuất hiện clip ghi lại cảnh “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”, còn nhẹ thì cãi lộn, văng tục, “tạt đầu” giữa những người tham gia điều khiển phương tiện giao thông, mà nguyên nhân chỉ là va chạm nhẹ hoặc đến tín hiệu đèn xanh, xe ở phía trước vẫn chưa di chuyển..., khiến dư luận bức xúc, lên án.
Hành vi “đấm đá liên tục vào mặt”, “nhảy vào đánh nhau như phim” không khác gì hành vi côn đồ, “chợ búa”, coi thường pháp luật của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông đang dấy lên nhiều sự lo ngại, khi mật độ của tình trạng này đang dày lên.
Mới đây nhất, cơ quan công an đã phải vào cuộc xử lý người đàn ông hành hung tài xế xe tải khi dừng đèn đỏ. Theo đó, Công an thành phố Đồng Xoài (Bình Phước) đã mời anh Bùi Văn Hoàng Anh (35 tuổi, ngụ huyện Phú Giáo, Bình Dương) lên làm việc để làm rõ vụ đánh tài xế xe tải khi dừng chờ đèn đỏ trên đường ĐT.741.
Tại Cơ quan Công an, anh Hoàng Anh khai nhận, khoảng 16h ngày 15.12, anh cùng bạn lên thành phố Đồng Xoài để xem câu cá. Khi đi tới gần dốc Tà Bế thì có một xe tải chạy qua ép xe của anh. Do người bạn thắng gấp khiến anh Hoàng Anh bị văng lên ghế trên của xe, bị đau. Khi tới đèn xanh đèn đỏ, anh Hoàng Anh liền xuống xe, đánh tài xế xe tải.
Cũng theo lời khai của anh Bùi Văn Hoàng Anh: Thời điểm đánh tài xế, anh đã có rượu trong người, vì vậy, khi tỉnh rượu đã nhận thấy mình sai. Liên quan đến vụ việc này, anh Nguyễn Văn C. (39 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) nạn nhân bị anh Hoàng Anh đánh đang trên đường tới Bình Phước để làm việc với cơ quan chức năng.
Còn trước đó, ngày 16.12, trên mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một tài xế xe tải bị một người đàn ông đi trên xe bán tải đánh túi bụi khi dừng đèn đỏ. Sự việc được đăng tải trên mạng xã hội, gây bức xúc dư luận. Cũng trong những ngày qua, nhiều vụ việc tương tự đã bị cơ quan chức năng tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhằm ngăn chặn hành vi côn đồ khi tham gia giao thông, đồng thời cảnh tỉnh đối với nhiều người khác.
Tuy nhiên, dư luận cũng đặt ra câu hỏi, bên cạnh thói côn đồ, hung hãn, ý thức chấp hành pháp luật kém, không thích giải quyết sau va chạm giao thông bằng đối thoại của không ít người, thì còn có nguyên nhân nào khác. Phải chăng sự nhún nhường, “chín bỏ làm mười” trong khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông đã, đang cạn dần đi, thay vào đó, chỉ cần va chạm, va quệt nhỏ liền tỏ thái độ sửng cồ? Chẳng nhẽ văn hóa trong giao thông đã đến mức báo động với sự xuất hiện liên tục cảnh “đấm đá” khi va chạm phương tiện với nhau?
Rồi phải chăng, sau một ngày làm việc căng thẳng, mệt mỏi với biết bao áp lực, lên xe ra về lại gặp cảnh đường sá ùn, tắc tứ bề, xe phải di chuyển chậm, còi xe inh ỏi làm đinh tai nhức óc đã khiến cho những ai đó không kiềm chế được thái độ, nên khi xảy ra va chạm dù nhẹ, cũng nhảy “cồ cồ”, không cần biết cái gọi là nhường nhịn? Nguyên nhân nào dẫn đến hành vi bạo lực khi tham gia giao thông đều có phần đúng của nó, và sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm, vì thế chúng ta khi tham gia giao thông, ngoài việc nắm vững kỹ năng, hiểu biết quy định của pháp luật, tôn trọng người khác với thái độ nhường nhịn, thì cũng cần biết kiềm chế cảm xúc cá nhân.
Theo nhiều chuyên gia, kiềm chế cảm xúc cá nhân khi tham gia giao thông sẽ góp phần đảm bảo an toàn tính mạng cho mình và người khác (bởi trong người chứa đựng sự bức xúc, nóng nảy do ngoại cảnh tác động sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và sự phản xạ). Thế nhưng nhiều người lại coi nhẹ điều này. Kiềm chế cảm xúc khi tham gia giao thông cũng chính là có ý thức về văn hóa trong giao thông.