Nâng cao hiệu quả trung tâm học tập cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
VHO - Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1716/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đến năm 2030.
Mục tiêu của chương trình là nâng cao chất lượng giáo dục tại các TTHTCĐ, giúp người dân ở các xã DTTS&MN tiếp cận các lớp học xóa mù chữ, học nghề, nâng cao kiến thức và kỹ năng lao động.
Qua đó, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện thu nhập, tạo việc làm, phát triển kinh tế - xã hội, và xây dựng xã hội học tập.
Chương trình đưa ra mục tiêu cụ thể như: 100% trung tâm có đủ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị như máy tính, kết nối internet, thư viện cộng đồng; 90% trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức hoạt động giáo dục; 100% cán bộ quản lý, giáo viên, báo cáo viên được tập huấn nâng cao năng lực.
Ngoài ra, chương trình đặt mục tiêu huy động ít nhất 10,5% người từ 15 - 60 tuổi chưa biết chữ tham gia chương trình xóa mù chữ mỗi năm, và ít nhất 5% gia tăng số lượng người tham gia các chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập tại các trung tâm.
Các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện bao gồm: hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với TTHTCĐ, nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động tại trung tâm, đặc biệt là công tác bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, tình nguyện viên.
Chương trình cũng khuyến khích xã hội hóa các hoạt động của trung tâm, mở rộng mô hình trung tâm tư thục, tạo môi trường chia sẻ học tập giữa các vùng thuận lợi và khó khăn. Một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng mô hình "Tổ liên gia xóa mù chữ", giúp dạy xóa mù chữ tại các vùng thưa dân cư.
Chương trình cũng thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và các TTHTCĐ, thông qua việc cung cấp học liệu, đào tạo chuyên môn, và tổ chức các hoạt động tình nguyện.
Bộ GD&ĐT sẽ chủ trì việc tổ chức thực hiện, tổng kết chương trình vào năm 2030, nhằm đánh giá kết quả và đề xuất các hình thức khen thưởng đối với các cá nhân, tổ chức có đóng góp tích cực trong việc phát triển mô hình TTHTCĐ.
Bên cạnh đó, các địa phương sẽ lựa chọn và đầu tư vào một số trung tâm điểm để làm cơ sở nhân rộng các mô hình hiệu quả, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai và giám sát chương trình chặt chẽ, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng giáo dục tại các vùng đồng bào DTTS&MN.