Nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch

THUÝ HIỀN, Ảnh: ĐẶNG NGHĨA

VHO - Sáng 17.10, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo Tuyển sinh và đào tạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch năm học 2024-2025. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì Hội thảo. Tham gia có đại diện Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ,TB&XH... cùng đông đảo lãnh đạo các cơ sở đào tạo VHNT, TDTT và DL trên cả nước.

Nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch - ảnh 1
Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhận định, năm học mới 2024 - 2025 là năm học đầu tiên thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12.8.2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013; tiếp tục Kết luận số 76/KL-TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09.6.2014 "về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”;

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16.1.2017 của Ban Chấp hành Trung ương "về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Kết luận số 70-KL/TW ngày 31.01.2024 Kết luận của Bộ chính trị về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới; hoạt động đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch đã có những thành tựu đáng khích lệ, đã và đang đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển của  ngành VHTTDL.

 “Sự nghiệp đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ,TB&XH, Bộ Tài chính”, Thứ trưởng khẳng định. 

Nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch - ảnh 2
Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu chỉ đạo

Theo Thứ trưởng, Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo nhằm tổng kết công tác đào tạo năm học 2023-2024 nhìn lại những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại, những khó khăn vướng mắc để đánh giá đúng thực trạng, từ đó, có những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm phù hợp cho năm học 2024-2025, để công tác đào tạo văn hoá, thể thao và du lịch ngày càng đáp ứng yêu cầu thực tiễn về nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Lê Anh Tuấn đã báo cáo tổng kết công tác năm học 2023-2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2024-2025.

Năm học 2024-2025, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2024-2025 của các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ là 16.633.

Trong đó: Khối Văn hoá nghệ thuật: 5.779, số lượng trúng tuyển 6.266 đạt tỷ lệ 108,4%. Khối Thể dục thể thao: 1.601, số lượng trúng tuyển 1.869 đạt tỷ lệ 116,7%. Khối Du lịch: 9.253, số lượng trúng tuyển 9.934 đạt tỷ lệ 107,4%. 

Về xu hướng tuyển sinh, trong năm vừa qua, kết quả tuyển sinh tùy thuộc vào từng khối ngành và lĩnh vực đào tạo, trong đó lĩnh vực du lịch có xu hướng đạt và vượt chỉ tiêu.

Khối ngành văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao, thuộc khối năng khiếu, và một số ngành lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật khó khăn hơn trong công tác tuyển sinh. 

Nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch - ảnh 3
Vụ trưởng Vụ Đào tạo Lê Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo

Năm học 2023-2024 với chủ đề Đổi mới, sáng tạo, hội nhập, phát triển, ngành VHTTDL đã khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra trong công tác lãnh đạo chỉ đạo của Bộ VHTTDL.

Điều này phụ thuộc rất lớn vào sự chỉ đạo quyết liệt của Ban cán sự đảng và lãnh đạo Bộ đối với các cơ quan đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo.

Có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ VHTTDL với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ,TB&XH trong quản lý đào tạo lĩnh vực VHTTDL.
Công tác quản lý nhà nước về đào tạo được tăng cường; công tác hướng dẫn kiểm tra, giám sát đã được triển khai thực hiện trọng tâm, trọng điểm theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ.

Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung và trong lĩnh vực đào tạo nói riêng của Bộ VHTTDL ngày càng được nâng cao về chất lượng.

Nội dung các văn bản quy phạm pháp luật cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, tác động tích cực đến sự ổn định, phát triển của các cơ sở đào tạo. 
Công tác phối hợp của các đơn vị trong Bộ ngày càng tốt hơn, trách nhiệm của người đứng đầu ngày càng được nâng cao.

Các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ đã xác định được nhiệm vụ chính trị, tập trung triển khai các nhiệm vụ đảm bảo hoàn thành kế hoạch công tác năm.

Việc triển khai quyết liệt Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25.01.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 16.9.2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương và Quyết định số 1739/QĐ- BVHTTDL ngày 05.7.2023 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành Chương trình “Chuyển đổi số trong các cơ sở đào tạo trực thuộc BVHTTDL giai đoạn 2023- 2025, định hướng đến năm 2030”.

Nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch - ảnh 4
Hiệu trưởng Trường Trung cấp NT Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam Ngô Lê Thắng phát biểu

Báo cáo của Vụ trưởng Vụ Đào tạo cũng nêu một số khó khăn của các cơ sở đào tạo như Về cơ chế, chính sách về giáo dục đào tạo; công tác tuyển sinh; công tác đào tạo; thiếu đội ngũ viên chức, giảng viên, giáo viên cả về số lượng và chất lượng; cơ sở trang thiết bị vật chất…

Tại Hội thảo, tham luận và các ý kiến phát biểu trao đổi trực tiếp tại Hội nghị của đại diện các bộ ngành, các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch đã nêu những kết quả đã đạt được trong tuyển sinh và đào tạo lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch, đồng thời chia sẻ cả những khó khăn về cơ chế, chính sách về giáo dục đào tạo,  công tác tổ chức đào tạo, công tác tuyển sinh, giảng dạy chương trình văn hoá phổ thông, kiện toàn đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên, giáo viên, công tác tuyển sinh…

Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, việc thực hiện kiểm định theo Hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng được quy định tại Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH ngày 8.6.2017 của Bộ LĐ,TB&XH về quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp còn nhiều khó khăn do một số tiêu chí không phù hợp với thực tế của các cơ sở dạy nghề hiện nay như: Yêu cầu phải có Hội đồng trường, hay quy định về mật độ xây dựng và cây xanh, ký túc xá...

Nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch - ảnh 5
Hiệu trưởng Trường Cao đằng du lịch Trịnh Cao Khải phát biểu

Các cơ sở đào tạo đều không có nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện công tác đánh giá ngoài về kiểm định chất lượng giáo dục.

Đội ngũ thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục của một số cơ sở đào tạo chưa được đào tạo bài bản, chính quy nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai các hoạt động. 

Mô hình hoạt động của Hội đồng trường còn tương đối mới, các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện còn nhiều nội dung chưa thống nhất, chưa cụ thể khiến nhiều cơ sở đào tạo gặp khó khăn trong tổ chức hoạt động của Hội đồng trường.

Nhiều cơ sở đào tạo cần được hỗ trợ, tư vấn trong xây dựng, chỉnh sửa, hoàn thiện các văn bản liên quan đến hoạt động của Hội đồng trường theo quy định. Kinh phí hoạt động của Hội đồng trường cũng chưa được quy định cụ thể, chế độ đối với các thành viên Hội đồng trường, nhất là các thành viên bên ngoài nhà trường chưa được hướng dẫn.

Hội thảo đã bàn và chỉ ra những nguyên nhân từ các góc nhìn như trong công tác quản lý còn có sự chồng chéo, chưa rõ ràng trong các văn bản pháp luật về đào tạo đặc thù.

Quan điểm của các Bộ, ngành chưa thống nhất dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Chế độ chính sách đối với giảng viên, giáo viên và học sinh, sinh viên chưa hợp lý, đặc biệt đối với các ngành năng khiếu nghệ thuật. 

Nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch - ảnh 6

Về  hoạt động tổ chức đào tạo, một số cơ sở đào tạo chưa chú trọng xây dựng kế hoạch dài hạn phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý, công tác quy hoạch và bồi dưỡng cán bộ kế cận chưa được quan tâm kịp thời, dẫn đến sự hụt hẫng về đội ngũ giảng viên, giáo viên.

Tỷ lệ giảng viên, giáo viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ, thạc sĩ của một số cơ sở đào tạo còn thấp so với yêu cầu.

Nhiều cơ sở đào tạo chưa có cơ chế thu hút các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm đã nghỉ hưu tham gia vào công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Chưa có chế độ, chính sách phù hợp để khuyến khích đội ngũ giáo viên, giảng viên trẻ học tập, nâng cao trình độ. 

Công tác đổi mới phương pháp dạy và học của các cơ sở đào tạo đã được triển khai song hiệu quả chưa cao. Chương trình đào tạo chậm đổi mới, nặng về lý thuyết; nhiều giáo trình chưa được cập nhật, hoàn chỉnh hoặc không còn phù hợp. 

Công tác khảo thí, kiểm định chất lượng của các cơ sở đào tạo còn hạn chế do đặc thù của ngành, nghề đào tạo, việc đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu chí kiểm định gặp nhiều khó khăn.

Đội ngũ thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục chưa đầy đủ, phần lớn là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản, chính quy nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai các hoạt động.

Kinh phí phục vụ cho hoạt động kiểm định còn hạn chế, nhiều cơ sở đào tạo không huy động được nguồn thu để chi cho hoạt động này. 

Nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch - ảnh 7
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Và một vấn đề mà các cơ sở đào tạo đang phải đối diện đó là  do xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của học sinh, nhiều năm gần đây, số lượng thí sinh dự thi vào các ngành năng khiếu nghệ thuật, thể dục thể thao ngày càng giảm, ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào ở một số ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật và thể dục thể thao.

Chưa tạo được sự gắn kết trách nhiệm, bền vững giữa cơ sở đào tạo và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng nhân lực sau đào tạo.

Chưa thu hút được các tổ chức sử dụng nhân lực, trước hết và đặc biệt là các doanh nghiệp vào quá trình đào tạo nhân lực từ khâu tham gia hoạch định chính sách cho đến trực tiếp đào tạo và đóng góp, hỗ trợ kinh phí, nơi thực tập, kiến tập, sử dụng nhân lực sau đào tạo cho đào tạo. 
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông giao Vụ Đào tạo chủ trì phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan: Hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, sớm trình Chính phủ ban hành để giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt trong đào tạo lĩnh vực nghệ thuật; Rà soát các quy định hiện hành, bám sát các điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành về đào tạo lĩnh vực giáo viên để giải quyết các khó khăn vướng mắc trong tuyển sinh và đào tạo nhóm ngành sư phạm;

Phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành liên quan trong tổ chức quản lý, xử lý nững khó khăn vướng mắc trong đào tạo văn hoá nghệ thuật;Triển khai tốt các đề án về đào tạo nhân lực lĩnh vực văn hóa và thể thao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Đề án 1437, Đề án 1341 và Đề án 223. Đồng thời, triển khi thực hiện hiệu quả các đề án dạy và học ngoại ngữ; đề án xây dựng chuẩn chương trình theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch - ảnh 8

 Thứ trưởng yêu cầu các cơ sở đào tạo: Thường xuyên cập nhật, hoàn thiện quy chế tuyển sinh và đào tạo; triển khai công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đối với các cơ sở đào tạo, các chương trình đào tạo;

Có kế hoạch đầu tư, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, chương trình, giáo trình và hệ thống học liệu phục vụ đào tạo; công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học để nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên; 

Hợp tác liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo, thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội; Rà soát, có kế hoạch bổ sung, kiện toàn đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đắp ứng yêu cầu phát triển trường phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế.

Xây dựng kế hoạch và đề xuất cử giáo viên, giảng viên đi học ở nước ngoài theo đề án 1437; Triển khai thực hiện tốt các đề án về đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật và thể dục thể thao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ trưởng nhấn mạnh, việc tăng cường quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, giáo dục quốc phòng và an ninh; giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trường học cho học sinh, sinh viên. Đẩy mạnh triển khai xây dựng văn hoá học đường, quan tâm giáo dục cho học sinh, sinh viên lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng cống hiến phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.