Năm học mới với nhiều phần việc quan trọng

VHO - Hôm nay 5.9, cùng với học sinh cả nước, hơn 1,7 triệu học sinh TP.HCM đã khai giảng năm học mới. Năm học 2023-2024 được coi là đoạn bứt tốc để chuẩn bị cho giai đoạn cuối của quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, do đó, ngành GD&ĐT TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang đứng trước năm học với khối lượng công việc nhiều nhất trong toàn bộ chu trình đổi mới.

Năm học mới với nhiều phần việc quan trọng - Anh 1

Học sinh Trường Tiểu học Tân Trụ, quận Tân Bình, TP.HCM khai giảng năm học mới 2023-2024

Năm học 2023-2024, TP.HCM có 2.325 trường với tổng trên 1,7 triệu học sinh, tăng trên 35.000 em so với năm trước. Số lượng học sinh năm nay tiếp tục tăng so với năm trước, nhất là tại các đô thị lớn, dẫn đến tình trạng quá tải do thiếu trường lớp, giáo viên. Theo đó, học sinh tăng tập trung tại các địa phương như TP Thủ Đức, quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh và Hóc Môn. Đây là khu vực đang trong giai đoạn đô thị hoá nhanh nên dân số tăng cơ học cao. 

Tại Chương trình Đối thoại cùng chính quyền thành phố với Chủ đề “TP.HCM chào đón năm học mới” do Thường trực HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân TP (VOH) tổ chức cuối tháng 8.2023, tình trạng khó khăn về trường lớp, giáo viên, sách giáo khoa tiếp tục là nỗi lo của toàn ngành.

Thông tin tại chương trình, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM Trần Hải Yến cho biết, năm học 2022-2023, đội ngũ cán bộ, giáo viên và gần 2 triệu học sinh thành phố đã cơ bản hoàn thành kế hoạch năm học, đẩy mạnh công tác giảng dạy ngoại khóa, kỹ năng sống, trải nghiệm sáng tạo, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý. Nhìn chung, chất lượng giáo dục của thành phố từng bước được củng cố và nâng lên. Tuy nhiên, toàn ngành vẫn còn nhiều khó khăn như hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, tình hình nhân sự giảng dạy chưa đảm bảo… đòi hỏi cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho năm học mới.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, năm học 2023-2024, dự kiến TP.HCM sẽ đưa vào sử dụng 672 phòng học mới. Tính đến tháng 8.2023, TP đã đạt 294 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học từ 3-18 tuổi. ”Mặc dù số lượng học sinh tăng cao nhưng TP.HCM vẫn tiếp tục đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có chỗ học. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phấn đấu giảm sĩ số học sinh trên lớp theo điều lệ nhà trường và tăng tỉ lệ học sinh học hai buổi/ngày”, ông Nam cho hay.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM nói thêm, hằng năm ngành GD&ĐT TP.HCM đối mặt với nhiều khó khăn như số lượng học sinh tăng cơ học cao gây áp lực đối với việc đảm bảo đủ chỗ học, sĩ số học sinh/lớp cao hơn quy định ảnh hưởng chất lượng triển khai chương trình mới, thiếu giáo viên ở một số bộ môn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh... gây khó khăn cho các trường học. Song song đó, tiến độ xây dựng trường học hiện nay còn chậm so với yêu cầu do một số quy định về quy hoạch, quy chuẩn xây dựng trường lớp chưa phù hợp thực tế tại TP.HCM.

Cùng với đó, việc thực hiện chuyển đổi số, một mặt mang lại nhiều kết quả tích cực song cũng là thách thức lớn với toàn ngành, đòi hỏi thay đổi tư duy, nâng cao trình độ công nghệ thông tin của đội ngũ, tăng cường bổ sung trang thiết bị.

Năm học 2023-2024, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11. Các lớp còn lại là 5, 9, 12 vẫn tiếp tục dạy học theo chương trình 2006 theo hướng tinh giản, phù hợp với tiếp cận của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Một trong những yêu cầu của năm học mới là tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh và phát huy mạnh hơn tính chủ động, linh hoạt của các nhà trường trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ GD&ĐT cho biết đang rà soát những khó khăn khi triển khai chương trình mới để có những căn chỉnh phù hợp. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường các điều kiện cho việc triển khai chương trình mới có chất lượng hơn.

T.TRANG

Ý kiến bạn đọc