Mùi ngũ trảu trong gió đông
VHO - Đảo Phú Quý (Bình Thuận) cách đất liền 56 hải lý. Thời tiết ở đây rất khắc nghiệt, với hai mùa gió mỗi năm. Gió thổi mạnh, ầm ĩ và có thể phá tan những rẫy ngô canh tác trên đảo. Vì vậy, người dân luôn phải chặt cây ngũ trảu để che chắn cho vườn hoặc làm hàng rào chắn gió bao quanh ngôi nhà.
Càng lùi về quá khứ, cây ngũ trảu càng xuất hiện nhiều hơn, vì vào thời đó, những ngôi nhà thường là tạm bợ, và ngũ trảu giống như chiếc áo khoác mỏng giúp bảo vệ ngôi nhà khỏi gió lùa.

Nhìn gió, nhớ xiêu ghe
Cuộc sống ở đảo Phú Quý giờ đã thay đổi, nhiều người xây dựng được nhà xi măng và tường bao kiên cố, nhưng cây ngũ trảu và mùi hương cay nồng vẫn song hành với đời sống của cư dân. Tới mùa trồng ngô, trồng củ, mọi người lại thon thót nỗi lo gió lại về. Vậy là cây ngũ trảu được bao quanh từng mảnh vườn. Các cụ già vừa làm hàng rào vừa ngâm nga câu vè về thân phận cư dân đảo: “Kể sao cho xiết thương ôi/ Ông bà ta trước ban đầu ở đây/ Cũng vì mây gió thổi vầy/ Cho nên xiêu lạc chỗ này chỗ kia…”.
Tôi đã vài lần ra đảo Phú Quý đúng vào mùa gió Đông Bắc và Tây Nam. Cư dân đảo thường gọi tắt là mùa Nam, mùa Bấc, còn ngư dân gọi theo kiểu dân dã là mùa Nam săn, Bấc săn (săn tức là thổi mạnh).
Vào giữa tháng 5.2024, trong chuyến công tác trên tàu 561 - Khánh Hòa 01 (Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân), khi qua đảo Phú Quý thì tôi mới thấm sự khắc nghiệt của thời tiết quanh đảo. Gió thổi ầm ầm và con tàu trọng tải 2.000 tấn chồm lên chồm xuống để vượt qua những đụn sóng cao vài mét, tấm bạt phủ trên boong tàu phát ra âm thanh xào xào như mưa đá đổ xuống.
Trước ngày lên tàu đi Trường Sa gần một tháng, tôi đã có dịp ngồi với những lão nông trên đảo Phú Quý và nghe tiếng gió Tây Nam lay phần phật. Ông Tạ Lũng (xã Long Hải) nói tiếng địa phương đặc sệt: “Bữa nay gió in ít, nhưng cỡ tuần lễ nữa là thổi săn lắm, nếu chú mà ra biển thì mới biết mùi của Nam săn, Bắc săn”.
Sau này, khi đi qua những làng chài khác nhau, ngồi bên bờ biển và nghe tiếng gió thổi phù phù thì lòng tôi không khỏi nhớ đến cái dáng lưng khom của lão nông Tạ Lũng trên đảo Phú Quý khi ngồi đan bó ngũ trảu. Đảo Phú Quý nằm cách đất liền 56 hải lý, vì vậy ở đảo có 2 mùa gió Tây Nam và Đông Bắc.
Khu vực xã Long Hải nằm ở hướng bị ảnh hưởng của gió Đông Bắc, khu vực xã Tam Thanh bị ảnh hưởng gió Tây Nam, vì vậy người dân luôn tu bổ hàng rào bao quanh nhà bằng cây ngũ trảu được bó thành từng nẹp và ép sát vào nhau. Sau Tết, ông Trần Thanh Phong gọi điện thoại cho tôi trong tiếng gió thổi phù phù: “Gió bấc đang thổi mạnh lắm em à, thời ông bà xưa cứ chọn mùa gió để đi ghe bầu vô nam, ra bắc, gió thổi mạnh lắm, nên có lúc bị xiêu ghe (trôi dạt) là vậy”.
Chặt cây che gió
Những lần ngồi tâm sự về các thế hệ cha ông đời này sang đời khác sống trên đảo và phải cần đến cây ngũ trảu, bàn tay của lão nông Tạ Lũng tuốt từng cành và toát ra mùi hăng hăng cay cay. Đảo Phú Quý có diện tích hơn 18 km2, dân số khoảng 29.000 người.
Nếu lên vị trí cao nhất của đảo là Hải đăng Phú Quý để quan sát toàn cảnh thì sẽ thấy cư dân sống quần tụ thành từng vùng, các khu dân cư mới chỉ chiếm những mảng nhỏ, phần lớn còn lại là rừng xanh rì, trong những cánh rừng đó là rẫy trồng ngô, củ lang và xen lẫn bạt ngàn ngũ trảu…
Bà Nguyễn Thị Thanh có ngôi nhà nằm ngay hướng gió ở xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý, bà ngồi trong nhà nghe gió thổi xào xào qua hiên và cành cây đập vào nhau phát ra âm thanh ầm ĩ.
Gió Tây Nam xuất hiện từ tháng 5 tới tháng 9 (âm lịch) vừa dứt thì lại tới mùa gió Đông Bắc kéo dài từ tháng 9 tới tháng 4 (âm lịch) sang năm. Bà Thanh vội đi lên rẫy chặt thêm cây ngũ trảu về bao quanh ngôi nhà. Âm thanh ầm ĩ của gió vợi đi, ngồi trong nhà chỉ còn nghe tiếng u u của gió xuyên qua bờ rào ngũ trảu.
Tại vạn An Thạnh được xây dựng vào năm Tân Sửu (1781), ông Trần Văn Ba đứng cạnh tấm bảng chữ Nho ghi công ơn các bậc tiền hiền và cho biết: “Ông bà mình ngày xưa ra khai phá hòn đảo này, sống với gió nên nghĩ ra được cách sử dụng ngũ trảu làm tấm chắn ngôi nhà, bao quanh rẫy ngô”.
Tấm bảng đặt trước vạn An Thạnh ghi các năm tôn tạo là: 1781, 1841, 1989, 2001. Bao quanh vạn là tường rào bằng xi măng. Nhưng trong quá khứ, những công trình này đều được rào bằng cây ngũ trảu để chắn gió.
Tại đảo Phú Quý có Trạm tìm kiếm cứu nạn của Bộ đội biên phòng và con tàu mang số BP 11-19-01. Những người lính trên tàu bao nhiêu năm qua đã chịu vất vả với những trận gió Tây Nam, Đông Bắc.
Thượng úy Mai Thanh Sơn kể lại, tàu không thể neo một chỗ, phải thả neo hướng ít bị gió táp vào mặt. Vị trí neo tàu không phải lúc nào cũng áp sát bờ, vì vậy cứ ăn cơm tối xong là mọi người ra nằm trên chiếc võng đung đưa trong đêm tối và nghe âm thanh ù…ù… của gió.

Hò… gió
Trăm năm qua, người ở đảo đã chống đỡ với 2 mùa gió, nhưng còn phải gánh bao nỗi muộn phiền. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn và nhiều tài liệu từng nhắc đến việc triều đình nhà Nguyễn từng áp thuế thân khá cao với cư dân ở Vu Đảo (tên đảo Phú Quý thời đó), trong đó có thuế bạch bố.
Oằn lưng vì thuế và khổ vì gió, chuyện gió được ghi chép và lưu truyền lại cho con cháu sau này: “Đi lên thì sợ Nam dò/ Còn lo Nam độn Nam dò thổi dai/ Lại với cái Nam Chóp chài/ Tới chừng nó phát thổi dài cuồng hung/ Lên kinh thời sợ Nam tùng/ Còn thêm Nam Việt còn hung nhưng là…”.
Trong quá khứ, Phú Quý có tên là Cù lao Khoai Xứ, Hòn Khoai, Vu Đảo, cư dân thời đó phải luôn thuộc những bài hò, vè có liên quan đến chữ “gió”. Vì biết trước mùa gió để dựng hàng rào ngũ trảu quanh nhà, biết trước mùa gió để đón ghe đi vào đất liền, để che chắn cho nương rẫy trồng cây ngô, đời người ở đảo phải luôn biết về mùa gió. Giờ đây, hàng rào ngũ trảu lạ mắt đã trở thành sản phẩm du lịch để thu hút khách thập phương nhớ lại hình ảnh Cù Lao Khoai Xứ trăm năm trước.
Tôi ngạc nhiên vì bên cạnh rẫy trồng củ lại để một tấm bảng “Quán nước cô Tư”. Chị Hoàng Thị Thảo, một du khách ở Hà Nội và nhóm bạn ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Thanh Hóa tập trung bên hàng rào ngũ trảu chia sẻ: “Chưa nơi nào có cảnh lạ như nơi này, vừa dân dã, vừa mộc mạc, làm cho du khách nhớ nhiều hơn là những hòn đảo du lịch đã bị đô thị hóa hoàn toàn”.