Sử gia của đảo Phú Quý

LÊ VĂN CHƯƠNG

VHO - Năm 1975, khi nhiều người dân ở đảo Phú Quý (Bình Thuận) vẫn đang trong cảnh cơm độn bắp, độn củ lang, ăn bữa nay lo bữa mai, thì người cán bộ trẻ Trần Thanh Phong (sinh năm 1954), lúc đó là Trưởng ban Văn hóa xã Long Hải, chỉ say mê bám theo các đoàn nghiên cứu văn hóa để mày mò tìm hiểu và tự học hỏi...

Sử gia của đảo Phú Quý - ảnh 1
Ông Trần Thanh Phong với hàng trăm tác phẩm sáng tác từ năm 1975

Cái sự mày mò của ông bắt nguồn từ đam mê tìm về nguồn gốc của đảo Phú Quý để nhân lên thành giá trị văn hóa trong cuộc sống thường ngày, không để hình bóng tiền nhân theo thời gian sẽ dần tan biến. Ông Phong kể, Phú Quý cách đất liền hơn 56 hải lý. Trước năm 1975, đi vào bờ phải mất 8-9 tiếng đồng hồ, vậy nhưng ông vẫn quyết chí rời đảo để học hết chương trình cấp III, trong lúc các bạn cùng trang lứa đều dừng lại khi hết cấp II.

Những năm tháng đi học ở đất liền, ông Phong nhận thấy do Phú Quý quá xa xôi nên giữ được nhiều bản sắc gốc, không bị mai một. Các đình, miếu còn lưu lại nhiều sắc phong, văn bản chữ Nôm, riêng đình Công chúa Bàn Tranh và thầy Sài Nại đã có hơn 30 sắc phong. Đình làng cổ nhất là đình Triều Dương, được xây dựng vào năm 1773. Trên đảo có một số gò do người dân đắp thành chiến lũy để chống cướp biển hiện nay đã không còn, chỉ có thể tìm được trong sử sách.

Học xong, ông Phong về quê hương và làm cán bộ văn hóa xã Long Hải. Đây là dịp để ông nắm được thông tin các đoàn nghiên cứu văn hóa ra đảo và đi theo họ để học hỏi. Tuy nhiên, thời gian đó quá khó khăn, các đoàn thường chỉ trụ lại khoảng một tuần lễ là rút về đất liền. Trên hòn đảo vắng vẻ, ông Phong ấp ủ ý định về các đề tài nghiên cứu, phát huy thế mạnh là dân bản địa, ông đến gặp các cụ lớn tuổi để ghi chép những câu chuyện thời xa xưa, nhất là về nguồn gốc cư dân đảo Phú Quý được hình thành từ các đợt di dân từ Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Quảng Bình ra đây định cư. Bà con vừa canh tác để tạo nguồn lương thực tại chỗ, vừa phải chiến đấu chống lại nạn cướp biển…

Sử gia của đảo Phú Quý - ảnh 2
Hát tuồng, hát bội vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Bình Thuận

Năm tháng trôi qua, từ một cán bộ làm công tác văn hóa, ông Phong được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Công an xã Long Hải. Đó cũng là lúc ông thấy cần phải viết nhiều hơn về lịch sử Phú Quý để tránh mai một. Ông tâm niệm, viết ra những trang sách sử thì phần lớn người dân chưa chắc đã tiếp cận được, vậy nên ông quyết định đưa tất cả những câu chuyện của đảo vào kho tàng văn hóa dân gian như hát bội, thơ, hò, vè…

Bài tuồng hát bội Tiếng trống còn vang hoàn thành vào ngày 22.12.1997 được ông Phong dày công sáng tác, sau đó được ông Huỳnh Vạn Mô biên tập lại. Sân khấu hát bội vừa mở ra màn một, bà con bên dưới đã vỗ tay rào rào khi tiếng người hát xướng nhắc đến nhân vật Kiều Huy Tạng, một trong những chiến binh kiên gan, anh dũng hy sinh trong cuộc chiến với cướp biển để bảo vệ xóm làng. Câu chuyện và những nhân vật có thật đã được ông chuyển thể từ lời kể của các cụ cao niên sang hát tuồng. Từng lời trong bài hát bội được viết bằng ngôn ngữ vừa đanh thép, vừa giàu biểu cảm: “Xem mây xanh bốn phía/ Ngó bốn bên sóng biển trùng trùng/ Vang danh nổi tiếng anh hùng/ Ngã tánh tự Kiều Huy Tạng là danh…”.

Tiếng vỗ tay không ngớt của bà con đã thôi thúc ông viết và viết mãi trong suốt 30 năm qua. Từ năm 2004-2013, ông Phong giữ cương vị Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Long Hải, ông tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp văn chương. “Sử gia” của đảo đã sáng tác gần 400 bài thơ và rất nhiều vở tuồng, cùng với đó là hàng chục nhạc phẩm về quê hương Phú Quý. Trong ca khúc Phú Quý ngày nay, ông đã kết hợp các thể viết lối, vọng cổ, xế xảng…, từng lời hát vang lên đều khiến khán giả rơi nước mắt.

Bài thơ Kiều Huy Tạng theo thể lục bát là bài thơ dài nhất của ông. Trong bài, cuộc sống cơ cực của người dân Phú Quý hiện lên thấp thoáng qua những vần, những điệu đầy xúc cảm. Ví dụ, bài thơ nhắc đến những tráng sĩ có sức khỏe hơn người, rất giống với những người lính biên phòng ngày đêm đắp lũy, cùng nhân dân chống nạn cướp biển: “Thời xưa nổi tiếng vang lừng/ Có ông Lưu Đạn đã từng vật trâu/ Tiếng vang sức mạnh đứng đầu/ Cộng thêm tráng sĩ Hoàng Cầu nổi danh…”.

Những di tích lịch sử liên quan tới chống cướp biển trên đảo và gắn với người tráng sĩ Lưu Đụn được ông viết: “Khen ông Lưu Đụn có tài mạnh thay/ Tập trung dân gánh 10 ngày/ Bằng Đụn một gánh đổ ngay hai gò…”.

Năm 2013, ông Phong nhận quyết định nghỉ hưu theo chế độ, thế là ông có thời gian để sáng tác thêm nhiều vở tuồng, chèo. Hiện ông đang phụ trách gánh hát tuồng Đồng Tâm, đây là gánh hát thành lập từ năm 1880 do ông Trần Đời phụ trách, tính đến nay đã trải qua 17 đời người.