Đường ra quần đảo Thổ Chu

LÊ VĂN CHƯƠNG

VHO - Quần đảo Thổ Chu thuộc TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Chữ “thuộc” khiến mọi người cảm giác hai nơi này gần nhau, nhưng có tới Thổ Chu mới thấm được đường ra đảo xa xôi thế nào, dù đã có tàu Thổ Châu 09 chuyên chở. Thực tế, Thổ Chu cũng trở nên ngày càng xa hơn, bởi đời sống kinh tế của bà con đang gặp nhiều khó khăn.

Đường ra quần đảo Thổ Chu - ảnh 1

 Đồng chíĐặng Th Hng Gm (th 2 t trái sang), Trưởng ban Tuyên giáo Thành y Phú Qu(Kiên Giang) thăm Hòn Nhạn

Thuc ph, nhưng xa…

Rất nhiều dân phượt muốn một lần đặt chân ra Thổ Chu, nhưng khi tới nơi và biết được lịch tàu chạy tuyến Phú Quốc - Thổ Chu là 5 ngày/chuyến thì chần chừ rồi… quay về. Đó là chưa kể lời cảnh báo của thủy thủ trên tàu: “Ra đó nếu gặp gió lớn thì kẹt lại thêm một tuần, vì Thổ Chu quá xa đất liền, cách thị trấn Hà Tiên tới 200 km, thời tiết khu vực này rất bất thường, có khi sáng sớm yên ả, nhưng tới 9 giờ đã đổ gió ào ào”.

Tàu Thổ Châu 09 rời đảo Phú Quốc vào thời điểm biển đang yên ả và lịch trình 5 tiếng đồng hồ sẽ tới đảo Thổ Chu. Nhưng đúng như lời khuyến cáo của một người dân đảo, tàu chỉ đi được một đoạn là bắt đầu chao lắc. Con tàu chiều ngang chỉ 6 mét, được thiết kế 3 tầng, chao qua chao lại vài lần rồi mới trở lại tư thế chạy cắt sóng. Là người từng xuôi ngược khắp biển khơi, nhìn “vũ điệu” của con tàu, tôi đoán được, đảo Thổ Chu hiếm khách du lịch không phải chỉ vì lý do đường xa.

Thời gian tàu nhổ neo ra đảo hoặc từ đảo vào đất liền không cố định. Mỗi chuyến xuất hành, các thủy thủ bên cạnh việc dò thông tin thời tiết trên hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, còn phải hỏi thêm thực tế tại đảo. Thổ Chu trực thuộc thành phố, nhưng vào mùa này là thuộc… đám mây mưa. Mỗi khi có đám mây hình phễu xuất hiện là biết gió sắp gầm gào, sóng sắp bủa vây. Đám mây có lúc sà xuống sát mặt biển, có khi trôi về hướng nam, các thủy thủ sẽ xem mây để khởi hành.

Mọi người ra Thổ Chu, nhìn cảnh sắc êm đềm thì không thể tưởng tưởng nơi đây từng diễn ra “sự kiện sóng gió” Pôn Pốt tràn qua bắt toàn bộ dân đảo (513 người) mang đi thủ tiêu. Nhưng nếu ai từng đọc cuốn Lịch sử Hải đoàn 28, 25 năm bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển Tây Nam của Tổ quốc thì sẽ cảm nhận được bức tranh quá khứ thực sự kinh khủng. Những người lính quân hàm xanh đã hy sinh và mất mát quá nhiều để góp phần làm nên một Thổ Chu bình yên hôm nay.

Nóng bỏng nhất là năm 1996, tàu cá nước ngoài có cả tàu chiến, máy bay yểm hộ vào Thổ Chu đánh bắt trộm hải sản. Riêng trong năm này, ba người lính biên phòng quê ở Bắc Giang, Thái Bình và Hải Phòng đã hy sinh. Trang lịch sử ghi lại thời điểm đó liên tục là những vụ ta vây bắt tàu nước ngoài có vũ trang chống trả quyết liệt rồi tháo chạy…

Đường ra quần đảo Thổ Chu - ảnh 2

Một góc của quần đảo Thổ Chu xanh bóng cây

Tr li thi yên ng

Thời chúa Nguyễn Ánh bị quân của vua Quang Trung truy đuổi, ông đã bôn tẩu đến nhiều hòn đảo vùng biển Tây Nam và thường để lại dấu vết nơi mình nương náu. Ví dụ như ở đảo Phú Quốc vẫn còn Giếng Tiên và lưu truyền câu chuyện Nguyễn Ánh cắm ngập thanh gươm vào đá, ngẩng mặt nhìn trời than: “Nếu trời cho làm vua thì xin hãy ban cho nước ngọt và lương thực”. Còn ở quần đảo Thổ Chu, lịch sử cũng từng ghi chép là nơi chúa đã lưu lại rất nhiều lần. Tuy nhiên, hòn đảo này không còn một di tích nào ngoài câu chuyện dã sử, những dấu tích có lẽ đã bị thời gian phủ lấp.

Chiếm tới 80% diện tích Thổ Chu là rừng nguyên sinh. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân lên đảo là cây cối ở đây rất giống quần đảo Trường Sa. Ngay ngõ rẽ vào trụ sở UBND xã Thổ Châu là cây bàng vuông đại thụ, hằng ngày bà con ngồi bán nước, quà bánh, đồ ăn vặt. Dọc đường, có khi giật mình vì nghe tiếng chân ai chạy sột soạt trên lá khô. Nín thở, dừng lại và xem xét kỹ thì ra đó là những con cà cưỡng to bằng bắp chân đang bò dọc triền núi, một thời từng là sản vật của người ra khai phá đảo.

Xã Thổ Châu hiện có 549 hộ gia đình với khoảng 1.900 người. Nếu ai thích du lịch ở những nơi hoang sơ thì nên chọn Thổ Chu. Cuộc sống êm đềm, chỉ đi một đoạn là tới trung tâm xã, chạy vài cây số là giáp mối hai đầu của đảo. Cả xã chỉ có một khu chợ tạm, trái cây từ Phú Quốc được đưa ra tới Thổ Chu, không phải lúc nào cũng còn tươi ngon. Một chị chủ hàng cho biết, mấy ngày rồi chẳng có ai mua chuối, nên toàn bộ số chuối sẽ bán rẻ cho một người chuyên làm từ thiện… cho khỉ, để con cháu Tôn Ngộ Không đỡ tràn xuống nhà dân “chôm chỉa”. Bộ đội trên đảo cũng đang triển khai trồng hàng ngàn cây chuối để tạo nguồn thức ăn thiên nhiên cho chúng.

Rng xanh bt ngàn

Vì hòn đảo thưa vắng người, nhu cầu cuộc sống cũng ít nên cây cỏ ở nơi này dường như vẫn giữ được vẻ nguyên sơ. Tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ, các anh hùng liệt sĩ và 513 người dân đảo Thổ Chu, cả khoảng sân rộng là những bóng cây đại thụ um tùm, phủ rễ chùm xuống thân cây. Trường Tiểu học và Trung học cơ sở cũng có một cây đại thụ nằm ngay giữa sân trường, thân cây xù xì, từng mảng dương xỉ, rêu phong, chùm gửi đu bám.

Thổ Chu có rất nhiều đơn vị quân đội đóng quân. Nhìn trên hải đồ, quần đảo giống như một tiền đồn án ngữ vùng vịnh Thái Lan, đường cong của vịnh là các quốc gia: Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Campuchia. Năm 1893, tàu viễn chinh Pháp, Hà Lan đi mở thuộc địa, tiến sâu vào phía sông Chao Phraya để đặt chân vào “vùng đất vàng”. Vịnh Thái Lan cũng đang được cả thế giới chú ý bởi ý tưởng đào kênh Kra nối liền giữa nơi này và Ấn Độ Dương.

Ra Thổ Chu đẹp nhất là thời điểm mùa hè. Mực nước ở đây chỉ sâu 50 mét, vì vậy mặt biển trong xanh như ngọc bích, soi bóng những cánh rừng già. Chỉ vài ngày ở Thổ Chu thì không thể khám phá được hết. Từ đảo chính Thổ Châu, nếu có điều kiện theo ngư dân đi câu cá thì có thể tới các đảo nhỏ khác như hòn Cao Cát, hòn Nhạn, hòn Từ, hòn Khô, hòn Xanh…

Tôi đặt chân lên hòn Nhạn vào lúc chim nhạn và vịt biển bắt đầu trở về. Người lái thuyền kể, hồi xưa mười thì giờ chỉ còn một, chim đã bỏ đi từ lâu. Thập niên 90, khi bắt đầu ra khai phá đảo, lúc đó quá thiếu thốn nên dân đảo rủ nhau đi nhặt trứng chim về ăn. Chỉ cần dạo ở hòn Nhạn khoảng hai tiếng đồng hồ cũng có thể nhặt được một xô đầy trứng.

Trôi trong câu chuyện đảo xanh hoang sơ như viên ngọc thô làm thế nào để phát triển du lịch, tôi chợt nhớ đến ánh mắt lo lắng của ông Đỗ Văn Dừng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu. Thổ Chu đẹp trần trụi, nhưng phía sau đó là cuộc sống của cư dân đảo ngày càng khó khăn vì tài nguyên biển dần cạn kiệt, dân không có việc làm, người trẻ phải vào bờ kiếm kế mưu sinh. Những chiếc tàu đánh cá cũng không còn cập vô đảo nữa. Chỉ có du lịch là cứu cánh, đó là suy nghĩ của người dân cũng như chính quyền nơi hải đảo xa xôi này.