Kỷ niệm 36 năm thành lập nhà giàn DK1:
Huyền thoại sống giữa Biển Đông
VHO - 36 năm kiên cường giữa muôn trùng sóng gió, nhà giàn DK1 - biểu tượng sống động của chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng - vẫn hiên ngang giữa Biển Đông. Kể từ ngày được dựng lên vào 5.7.1989, nơi đây vừa là “cột mốc đặc biệt trên biển”, vừa là minh chứng hùng hồn cho tinh thần thép và sự hy sinh thầm lặng của những người lính biển. Họ đã nối dài tầm nhìn chiến lược của Tổ quốc, giữ vững phên dậu quốc gia trong hành trình vươn mình mạnh mẽ của dân tộc ra đại dương rộng lớn.

Tầm nhìn chiến lược của vị tướng tài ba
Nhắc đến DK1 không thể không nhắc tới người đặt nền móng đầu tiên: Thượng tướng Giáp Văn Cương, Tư lệnh Hải quân đầu tiên thời kỳ đổi mới, người đã khởi xướng việc xây dựng hệ thống nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam từ giữa thập niên 1980.
Năm 1985, ông đề xuất xây dựng các trạm tiền tiêu trên các bãi cạn, vừa là điểm tựa chiến lược quốc phòng, vừa thể hiện chủ quyền quốc gia trên thực địa. Ông từng tiên đoán rằng: Vùng biển Trường Sa sẽ không yên ả và hướng tấn công trong các cuộc chiến vệ quốc phần lớn đến từ biển. Tầm nhìn ấy đã góp phần định hình nên hệ thống DK1 ngày nay, vừa là nơi huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thu thập dữ liệu thủy văn, vừa là chỗ dựa an toàn cho ngư dân miền Đông và Tây Nam Bộ vươn khơi bám biển.
Ngày 5.7.1989, theo Chỉ thị 180 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Cụm Dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật đầu tiên được thành lập tại đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, mở đầu cho sự ra đời của nhà giàn DK1. Từ đó, DK1 trở thành biểu tượng của lòng quả cảm và trí tuệ Việt Nam nơi đầu sóng ngọn gió. Dù đã ra đi vào năm 1990 vì mắc căn bệnh hiểm nghèo, Thượng tướng Giáp Văn Cương vẫn luôn được thế hệ cán bộ, chiến sĩ nhà giàn khắc ghi công lao, nhất là vào mỗi dịp “sinh nhật DK1”.
Hiện nay, 15 nhà giàn DK1 đang được vận hành và quản lý bởi Vùng 2 Hải quân, đóng quân trên các bãi cạn chiến lược như Tư Chính, Phúc Nguyên, Cà Mau, Ba Kè, Quế Đường... Với tên gọi dân sự là “Trạm kinh tế - khoa học - dịch vụ”, nhưng thực chất, nhà giàn DK1 là biểu tượng sống động của ý chí bảo vệ chủ quyền, là niềm tự hào về bản lĩnh và trí tuệ người lính biển Việt Nam.
Sào tre, dây thừng dựng nhà giàn giữa biển - ký ức không quên
Ngày 6.11.1988, khi gió Đông Bắc đầu mùa tràn về, biên đội tàu HQ-713 và HQ- 668 do Trung tá Phạm Xuân Hoa, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171 Hải quân chỉ huy chính thức rời quân cảng, vượt sóng ra thềm lục địa phía Nam Tổ quốc thực hiện nhiệm vụ đặc biệt: Khảo sát xây dựng nhà giàn DK1.
Thượng úy Nguyễn Tiến Cường, Thuyền trưởng tàu HQ-668 (nay là Thượng tá đã nghỉ hưu), vẫn nhớ như in giây phút tạm biệt người vợ mới cưới. “Biển rộng lớn, nhưng anh nhất định sẽ về!”, câu nói trước giờ lên đường không chỉ là lời động viên, mà còn là niềm tin sắt đá giữa thời điểm đầy thử thách, khi sự kiện Trường Sa đầu năm 1988 vẫn còn in đậm trong ký ức người lính biển. Với họ, mỗi chuyến ra khơi là một lần bước vào trận tuyến, không biết trước điều gì sẽ chờ đón.
Giữa biển động dữ dội, phương tiện dẫn đường duy nhất chỉ là chiếc la bàn, vài cuộn dây, sáu cây sào tre để đo độ sâu. Sau ba ngày khảo sát, biên đội xác định chính xác vị trí đầu tiên tại bãi cạn Phúc Tần A, đánh dấu bằng quả phao nhót. Rồi họ tiếp tục hành trình khảo sát các bãi Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Nguyên, Tư Chính và Cà Mau, đặt nền móng cho hệ thống nhà giàn trong tương lai.
Tháng 5.1989, chiến dịch xây dựng chính thức bắt đầu. Các tàu thuộc Lữ đoàn 171 và Hải đoàn 129 phối hợp với tàu kéo chuyên dụng vận chuyển khung nhà giàn, vật liệu thép và thiết bị vượt sóng ra bãi cạn Phúc Tần. Sau hơn một tháng, ngày 10.6.1989, nhà giàn đầu tiên mang tên “Phúc Tần” đã được dựng lên giữa biển cả. Giữa thềm lục địa mênh mông, những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt những người lính công binh và thợ lặn khi một cột mốc lịch sử đã thành hình.
Chỉ ba tuần sau, ngày 3.7.1989, nhà giàn Tư Chính 1A được dựng lên, rồi đến Ba Kè 6A. Từ tháng 6.1989 đến đầu năm 1995, hàng loạt nhà giàn được xây dựng tại các cụm Phúc Tần, Ba Kè, Huyền Trân, Quế Đường, Tư Chính, Phúc Nguyên trên thềm lục địa Bà Rịa - Vũng Tàu và DK1/10 tại bãi Cà Mau (nay thuộc tỉnh Cà Mau)...
Ba liệt sĩ đầu tiên của Nhà giàn DK1
Trong ký ức của Trung tá Bùi Xuân Bổng, nguyên Chỉ huy trưởng nhà giàn Phúc Tần (DK1/3) giai đoạn 1989-1990, những ngày tháng đầu tiên giữ biển nơi đầu sóng ngọn gió luôn hiện về với đầy ám ảnh và xót xa. Ông là nhân chứng sống sót duy nhất trong vụ sập nhà giàn năm 1990, nơi ba đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm lại giữa lòng biển: Trung úy Trần Hữu Quảng - Chính trị viên; Y sĩ Trần Văn Là và Chiến sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền.
Chúng tôi gặp ông tại căn nhà cấp 4 giản dị ở khu tập thể Lữ đoàn 171 Hải quân. Trước hiên, vài luống rau xanh mướt trồng trong thùng nhựa, “kỷ vật” mang từ nhà giàn về, gợi nhắc một thời sống giữa biển khơi đầy khốc liệt nhưng kiêu hãnh.
Ông Bổng chậm rãi kể: “Chiều 4.10.1990, vùng biển Phúc Tần bỗng chuyển dữ. Trời phía Tây còn xanh, nhưng phía Đông đột ngột kéo mây đen dày đặc. Chưa đầy một giờ, gió lốc cuộn sóng tràn đến, quần thảo quanh nhà giàn. Kết cấu thép không chịu nổi sức gió cấp 12, rung bần bật. Trong khoảnh khắc ngàn cân treo sợi tóc, tôi ra lệnh phá sàn, dùng dây thừng kết các tấm gỗ làm bè, sẵn sàng rút khỏi nhà giàn nếu bị đánh sập”.
Bão biển không cho ai kịp chuẩn bị. Trong đêm đen đặc, nhà giàn sập hoàn toàn. Các chiến sĩ bị cuốn vào dòng xoáy dữ. Bè gỗ tan tác. Ông Bổng đã xé áo buộc đồng đội vào nhau, mong nếu không còn sống thì vẫn có thể đưa được thân xác về đất mẹ. Trong nhóm khác, Chính trị viên Trần Hữu Quảng, y sĩ Trần Văn Là và chiến sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền vẫn kiên cường bám vào thanh gỗ, chia nhau từng miếng lương khô cầm hơi.
Khi biết không thể trụ được lâu hơn, Trung úy Trần Hữu Quảng đã nhường phần ăn và chiếc áo phao cuối cùng cho đồng đội rồi lặng lẽ chìm xuống biển. Nhưng rồi, y sĩ Là và chiến sĩ Hiền cũng bị cơn bão cuốn đi. Biển giữ lại họ vĩnh viễn dưới lòng nước đen thẳm...
Nhận được tín hiệu cầu cứu, Lữ đoàn 171 lập tức báo cáo Sở chỉ huy Hải Phòng và điều tàu HQ-711 lên đường. Trải qua 20 giờ vật lộn trong bão, HQ-711 chỉ cứu được 5 người là ông Bổng cùng các chiến sĩ Quỳnh, Công, Báu và Trung.
Giọng ông chùng xuống, mắt đỏ hoe khi nhắc lại thời khắc định mệnh: “Đó là những giây phút bất tử của cuộc đời tôi, nơi con người ta đối diện giữa sống và chết, nơi lòng dũng cảm, tình đồng đội và sự hy sinh cao cả được viết nên bằng nước mắt và máu giữa biển khơi”.
Bản tình ca trên sóng nhà giàn
36 năm kể từ ngày những cột thép đầu tiên cắm xuống thềm lục địa phía Nam, nhà giàn DK1 vẫn hiên ngang giữa biển trời Tổ quốc. Lớp lớp cán bộ, chiến sĩ vẫn tình nguyện xung phong ra nhà giàn nhận nhiệm vụ, mang theo tuổi trẻ, lý tưởng và niềm tin sắt đá bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Dù điều kiện sinh hoạt đã được cải thiện đáng kể so với những ngày đầu, cuộc sống trên nhà giàn vẫn còn muôn vàn gian khó. Dẫu vậy, không ai chùn bước. Trên từng con sóng bạc đầu, những người lính DK1 đang viết tiếp bản tình ca bất tận, bản tình ca của lòng trung dũng, niềm tin, của tinh thần “Kiên cường, dũng cảm, vượt mọi khó khăn, đoàn kết kỷ luật, giữ vững chủ quyền”.