Một số cơ sở khám, chữa bệnh bỡ ngỡ với quy định mới của Luật BHYT bổ sung, sửa đổi
VHO - Từ ngày 1.7 tới có nhiều thay đổi về chính sách cho người tham gia BHYT theo hướng có lợi. Hiện nay, Bộ Y tế đang hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật BHYT, tháo gỡ các tồn tại thực tiễn trong khám chữa bệnh BHYT và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT.
Ngày 27.3 tại Hà Nội, Bộ Y tế, Vụ BHYT đã tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến tới các địa phương, các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai một số quy định mới của Luật BHYT và Tổng kết tình hình thực hiện Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP, Nghị định số 02/2025/NĐ-CP và xin ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có nhiều điểm mới thể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính, cải cách thủ tục khám bệnh, chữa bệnh; giảm hồ sơ giấy tờ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phân cấp, phân quyền tối đa, tạo thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức trong trong khám bệnh, chữa bệnh và thực hiện chính sách, pháp luật BHYT.
Chẳng hạn, điều chỉnh trách nhiệm đóng BHYT, phương thức, thời hạn đóng, trách nhiệm lập danh sách đóng BHYT, thời hạn thẻ có giá trị sử dụng để để phù hợp với việc sửa các đối tượng tham gia BHYT và đồng bộ với quy định của Luật BHYT và luật khác có liên quan.
Quy định mức hưởng BHYT khi thực hiện thông cấp khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh, giữ ổn định tỉ lệ mức hưởng BHYT theo quy định của Luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp.
Theo đó, người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp ban đầu trong toàn quốc; 100% mức hưởng khi đi khám bệnh, chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp cơ bản trong toàn quốc; 100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp cơ bản, cấp chuyên sâu mà trước ngày 1.1.2025 đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là tuyến huyện.
Đặc biệt, trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... người bệnh được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu. Đồng thời, Luật đã mở rộng một số phạm vi quyền lợi cho người có thẻ BHYT, trong đó có điều trị lác, tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Luật BHYT bổ sung, sửa đổi quy định tăng mức phân bổ từ nguồn thu BHYT để chi cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lên 92%, giảm số tiền dành cho quỹ dự phòng, tổ chức hoạt động quỹ BHYT xuống 8% trong đó dành tối thiểu 4% số tiền đóng BHYT cho quỹ dự phòng. quy định rõ thời hạn thông báo kết quả giám định chi phí khám bệnh, chữa bệnh để khắc phục vướng mắc về kéo dài thời gian thanh, quyết toán.
Luật cũng bổ sung quy định cụ thể về chậm đóng, trốn đóng BHYT và các biện pháp xử lý đối với các trường hợp này và nhiều quy định quan trọng khác...
Luật BHYT có hiệu lực thi hành từ 1.7.2025 và một số nội dung có hiệu lực từ 1.1.2025.
Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), sau ba tháng thực hiện một số quy định của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, qua ghi nhận của người dân cũng như các cơ quan, đơn vị có liên quan thì đây là chính sách có giá trị tích cực, nhân văn và thuận tiện về mặt thủ tục cho người dân hơn.
Tuy nhiên, do đây cũng là chính sách mới, một số cơ sở khám, chữa bệnh có thể chưa tiếp cận hết được các chính sách thay đổi nên không tránh khỏi những bỡ ngỡ trong thời gian đầu thực hiện.
Ví dụ như chưa tư vấn cho người dân một cách kỹ lưỡng về giá trị, thời hạn mà giấy chuyển tuyến cũng như là giấy hẹn khám lại mà người bệnh phải đến trong cái thời hạn nào đó để mà bảo đảm được khám bệnh, chữa bệnh kịp thời.
“Ngoài ra, một số danh mục bệnh hiếm chúng tôi cũng đang rà soát để xứng đáng vượt lên trên cấp cao khám, điều trị mà không cần qua nơi khám, chữa bệnh ban đầu.
Bên cạnh đó, ý kiến phản ánh là một số mặt bệnh hoàn toàn có thể điều trị ở cơ sở khám, chữa bệnh cấp ban đầu, cấp cơ bản thì chúng tôi lại điều chỉnh để cân đối hệ thống và tránh quá tải hoặc tránh dồn lên tuyến trên. Đồng thời cũng để bảo đảm cân đối việc sử dụng quỹ BHYT một cách công bằng.
Bộ Y tế, Vụ BHYT cũng đã triển khai nhiều hội nghị tuyên truyền, giải thích cũng như phổ biến cho các cơ sở để tiếp cận và nhanh chóng nắm vững và làm chủ các quy định mới này để hướng dẫn, tư vấn cho người dân và thực hiện các cái quy định một cách thuận tiện và không có các cái vướng mắc phát sinh”, bà Trần Thị Trang nhấn mạnh.