“Mở cánh cửa” cho những người lầm lỗi

PHẠM NGÂN

VHO - Chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù không chỉ thể hiện tính nhân văn mà còn là một giải pháp thiết thực giúp giảm tái phạm, tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng, làm ăn sinh sống.

 “Mở cánh cửa” cho những người lầm lỗi - ảnh 1
NHCSXH huyện Anh Sơn thực hiện giải ngân tại xã. Ảnh: THÁI LUYẾN

Anh Nguyễn Văn B. ở xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) đã được trở về với gia đình sau thời gian chấp hành án phạt tù vào đầu năm 2020. Ra tù, anh không chỉ mang theo nỗi ân hận mà còn là một chặng đường dài phía trước đầy những khó khăn và thử thách.

Không vốn, không nghề nghiệp ổn định, anh chỉ kiếm sống mỗi ngày từ việc làm thuê tự do. Một cơ hội đã đến khi anh B. nhận được sự hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) cho vay 100 triệu đồng để mở một quán ăn.

Khởi đầu lại từ những sai lầm

Anh B. xúc động chia sẻ: “Khi nhận được nguồn vốn này, tôi cảm thấy như được trao một cơ hội sống lại. Đó là niềm hy vọng, là ánh sáng cuối con đường tối tăm. Tôi quyết tâm làm ăn nghiêm túc và trả nợ đúng hạn”. Ngoài anh B., trên địa bàn xã Cẩm Sơn còn có năm trường hợp khác được tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Các khách hàng đã vay vốn đều rất phấn khởi và quyết tâm làm ăn để thay đổi cuộc đời và vươn lên.

Chị T. đến từ xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn cũng là một trong những người may mắn được hỗ trợ chính sách cho vay vốn. Sau khi chấp hành xong án phạt tù vào năm 2022, chị trở về đối mặt với một cuộc sống đầy gian khó. Thế nhưng, nhờ vào chương trình vay vốn của NHCSXH, chị đã nhận được 100 triệu đồng để bắt đầu lại.

Chị chia sẻ trong niềm hạnh phúc: “Với số vốn này, tôi có thể bắt đầu lại từ con số 0. Đây chính là điểm tựa vững chắc giúp tôi vượt qua mọi thử thách và làm lại cuộc đời”.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, anh Huỳnh Trung T., (SN 1989) xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã nhận được sự hỗ trợ từ chính sách tín dụng ưu đãi. Trước đây, vì một phút nóng giận, T. phải đối mặt với bản án dài vì tội “Giết người”. Chỉ vì mong muốn gặp lại con và nối lại tình cảm với vợ, nhưng khi không được chấp nhận và trong cơn say, T. đã gây ra một tội lỗi khủng khiếp khi rút dao đâm vợ rồi tự sát nhưng không thành. Cú đâm oan nghiệt khiến vợ qua đời, còn T. phải trả giá trước pháp luật.

Sau khi ra tù, T. phải đối mặt với thực tế đầy khó khăn: Không vốn, không nghề nghiệp và con nhỏ đang tuổi ăn học. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của chính quyền và hỗ trợ từ Tổ tín dụng, T. đã vay được 100 triệu đồng để đầu tư trồng rừng keo và làm nghề lái xe tải. “Khoản vay không chỉ là nguồn tài chính mà còn là động lực tinh thần lớn lao, tiếp thêm niềm tin và hy vọng, giúp tôi sửa chữa sai lầm và làm lại cuộc đời”, anh T. chia sẻ.

Tại xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, hai người chấp hành xong án phạt tù cũng đã được hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng mỗi người. Họ sử dụng số vốn này để trồng rừng keo, và sau một năm, rừng keo đang phát triển tốt, dự kiến sẽ cho thu hoạch trong bốn năm tới.

Bà Đinh Thị Kim Châu, Chủ tịch UBND xã Minh Hợp cho biết: “Thực tế, người chấp hành xong án phạt tù gặp nhiều khó khăn trong tái hòa nhập cộng đồng, khó tìm việc và không đủ điều kiện sống, dễ tạo tâm lý tiêu cực và dẫn đến nguy cơ tái phạm. Chính sách này không chỉ giúp người lầm lỗi xóa bỏ tâm lý tự ti, mà còn tạo cơ hội để họ làm lại cuộc đời. Quy trình cho vay chặt chẽ cũng khẳng định vai trò trách nhiệm của cộng đồng trong việc giúp đỡ họ tái hòa nhập xã hội”.

 “Mở cánh cửa” cho những người lầm lỗi - ảnh 2
Người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá vay vốn phát triển kinh tế theo chương trình tín dụng ưu đãi

“Chìa khóa” ngăn tái phạm tội

Quyết định số 22/2023/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng dành cho người chấp hành xong án phạt tù được xem như một tia sáng hy vọng, mở ra cơ hội làm lại cuộc đời cho những ai đã hoàn thành án phạt và trở về hòa nhập với cộng đồng. Hướng đến mục tiêu cụ thể hóa chủ trương nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, ngày 14.11.2023, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 860/ KH-UBND.

Kế hoạch này phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các cơ quan, ban, ngành liên quan nhằm hỗ trợ người hoàn lương cũng như các cơ sở kinh doanh sử dụng lao động thuộc nhóm đối tượng này, giúp họ tiếp cận nguồn vốn để đào tạo nghề, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, ổn định cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng.

Theo chính sách, người vay vốn để đào tạo nghề có thể được hỗ trợ tối đa bốn triệu đồng/ tháng. Những người hoàn thành án phạt tù có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm có thể tiếp cận khoản vay tối đa 100 triệu đồng. Đối với các cơ sở kinh doanh sử dụng lao động hoàn lương, mức vay tối đa là 2 tỉ đồng/dự án, nhưng không quá 100 triệu đồng/người lao động. Lãi suất áp dụng tương đương mức lãi suất cho vay hộ nghèo, điều chỉnh theo từng thời kỳ.

Để đảm bảo chính sách được thực hiện hiệu quả, công an các cấp có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến thông tin đến các phạm nhân đang chấp hành án cũng như những người đã mãn hạn tù và đủ điều kiện vay vốn. Đặc biệt, công an cấp xã sẽ trực tiếp lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn, đảm bảo chính sách đến đúng đối tượng cần hỗ trợ.

Sau hơn một năm triển khai chương trình tín dụng ưu đãi theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg, tính đến cuối năm 2024, Chi nhánh NHCSXH và Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện đã giải quyết hồ sơ, thủ tục cho vay đối với 293 khách hàng, số vốn được giải ngân đạt gần 26,5 tỉ đồng, đảm bảo đúng đối tượng, đúng trình tự thủ tục.

Ông Hoàng Sơn Lam, Phó Giám đốc NHCSXH Nghệ An chia sẻ: “Chính sách tín dụng của Nhà nước đã giúp những người lầm lỗi có cơ hội làm lại từ đầu, xây dựng cuộc sống ổn định và trở thành công dân có ích cho xã hội. Kể từ khi triển khai, khách hàng vay vốn đều tuân thủ đúng thời gian trả lãi và có khoản tiết kiệm hàng tháng. Quy trình đánh giá đối tượng cho vay chặt chẽ đã đảm bảo hiệu quả, tính khả thi, đồng thời thể hiện nỗ lực và trách nhiệm của những người được vay. Chương trình không chỉ giúp họ hòa nhập cộng đồng mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương”.