Lời trần tình của một bác sĩ trong ngày Thầy thuốc
VHO - Trong không khí cả nước tưng bừng các hoạt động kỷ niệm, tri ân ngành Y tế nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2 vì sự đóng góp của đội ngũ y bác sĩ, nhà khoa học đã không ngừng nỗ lực, vượt mọi khó khăn để chăm sóc sức khỏe nhân dân, thì ở đâu đó vẫn vương vấn nỗi buồn.

Dù không ai muốn nhắc đến nhưng câu chuyện phản ánh của một sản phụ điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong những ngày Tết Nguyên đán vừa qua đã làm niềm vui, sự hân hoan ngày kỷ niệm không được trọn vẹn.
Khoảng hơn một tuần trước ngày Thầy thuốc Việt Nam, một sản phụ (25 tuổi, ở Bắc Giang) chia sẻ trên mạng xã hội về việc chị nhập viện tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương theo dõi hôm mùng 2 Tết Ất Tỵ 2025 trong tình trạng thai 25 tuần, đau bụng liên tục.
Chị được bác sĩ trực chỉ định truyền thuốc nhưng cơn đau vẫn dồn dập không giảm. Đến ngày 7 Tết, bác sĩ chỉ định thuốc khác, sang ngày mùng 8, cơn đau đã giảm nhưng bắt đầu ra máu. Linh tính đến sức khỏe của con, ngày mùng 9, chị quyết định xin ra viện dù bác sĩ điều trị chính khuyên chị ở lại.
Chuyển từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương sang Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chị được bác sĩ chẩn đoán kết luận ối cạn, nếu muộn hơn sẽ hỏng luôn tử cung. Bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật với tinh thần ưu tiên cứu mẹ; em bé sinh non được nuôi trong lồng kính nhưng không qua khỏi.
Có lẽ, điều mà nữ sản phụ muốn nói đến không phải trình độ của bác sĩ mà là ở thái độ ứng xử, sự chăm sóc của người thầy thuốc đối với bệnh nhân. Thông tin về trường hợp này, GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, trường hợp của sản phụ là một ca khó như hàng ngàn ca khó khác đang được điều trị tại bệnh viện.
Sau khi sự việc xảy ra, bệnh viện đã gặp gỡ, chia sẻ với gia đình bệnh nhân và bệnh viện đang rà soát, xem xét lại tất cả quy trình, bất kể ai có thái độ sai, không đúng với bệnh nhân đều sẽ xử lý nghiêm.
Nói về công tác chăm sóc bệnh nhân, ông Ánh cho biết, rất nhiều ca đẻ khó, không chỉ đòi hỏi điều trị sản phụ khoa, mà cả nội khoa, ngoại khoa đều được điều trị ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương và đây là sứ mệnh của các y bác sĩ.
Vì thế, chỉ cần sơ sẩy một chút, lơ là một chút có thể mất đi sinh mạng một con người. Điều này đòi hỏi công tác chuyên môn của người thầy thuốc phải ngày càng nâng cao. Nhưng công tác chăm sóc để người bệnh hài lòng lại là câu chuyện khác.
“Nói như Tổng Bí thư Tô Lâm, ngành Y không phải chỉ mỗi khám bệnh và chữa bệnh, ngành y phải là chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngoài khám bệnh, chữa bệnh cho dân thì còn cả những vấn đề về tâm lý, về hiểu người bệnh, hiểu cuộc sống của họ, hiểu môi trường của họ, tâm tư, nguyện vọng của họ, thậm chí là truyền cho họ những niềm tin. Vì thế, đó không phải chỉ là khám bệnh, chữa bệnh mà đấy lại là một câu chuyện khác. Tôi không dám nhận đã làm hài lòng tất cả mọi bệnh nhân, cho nên nếu có điều gì đó về nhân viên chưa được tốt trong công tác chăm sóc tinh thần, thái độ ứng xử với bệnh nhân thì bệnh viện xin tiếp thu và xin chấn chỉnh, giáo dục, đào tạo để cho anh em tu dưỡng”, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương trần tình.

Theo ông Ánh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là một nghề đáng tự hào, người thầy thuốc không phải thầy tu, nhưng vẫn phải “tu”, đó là tu dưỡng để thực hiện được kỳ vọng của nhân dân, nếu không làm được điều đó thì không thể tiến xa được.
Từ Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nơi tập trung rất nhiều “bàn tay vàng” trong phẫu thuật sản khoa, nhiều bác sĩ giỏi. Tuy nhiên, ông vẫn nói với các y bác sĩ, nếu chỉ mổ giỏi thì chưa đủ vì cũng chỉ là người thợ, dễ rơi vào “bẫy thợ giỏi”, giỏi đến mấy cũng không thể vượt qua ngọn tre làng.
Trong khi phía trên ngọn tre là cả vầng nhật nguyệt, là kiến thức, là trình độ. Vì thế ông Ánh khuyên các y bác sĩ phải luôn trau dồi, học tập kinh nghiệm quốc tế, nghiên cứu khoa học, và truyền dạy cho các thế hệ sau…, đóng góp vào sự phát triển của nền y học đất nước.
Khi tiếp nhận vị trí lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Trung ương, ông Nguyễn Duy Ánh đã đổi slogan của bệnh viện thành “Trao nhân ái, trí tuệ vì hạnh phúc, tương lai” và sứ mệnh “Dẫn đầu, Tầm nhìn “Y tế hàn lâm - Sánh tầm khu vực” với mục tiêu giá trị cốt lõi như nhân ái, thấu hiểu, động lực phải được thể hiện rõ nét.
Tuy nhiên, mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận khám 2.000 bệnh nhân, cao điểm là 3.100 bệnh nhân và với 1.600 y bác sĩ, nhân viên y tế thì không thể ngay một sớm một chiều tất cả các anh chị em đều đồng lòng hướng đến.
Trong quá trình xây dựng và vận hành bệnh viện cũng gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhưng đội ngũ y bác sĩ và nhân viên luôn nỗ lực cố gắng vượt qua. Ông Ánh khẳng định, bệnh viện không ngừng lắng nghe ý kiến, tiếp thu và cải tiến để đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.