Lãng phí các công trình chợ tiền tỉ bỏ hoang
VHO - Được đầu tư tiền tỉ để xây dựng rộng rãi, khang trang nhưng nhiều chợ ở Nghệ An vẫn không thu hút được người dân vào mua bán. Thậm chí, nhiều chợ xây chưa xong đã có nguy cơ “chết yểu” vì không phát huy được hiệu quả.
Chợ Hưng Đông, TP Vinh được xây dựng trên diện tích 3.600 m2 gồm 1 đình chính và 2 dãy ki ốt bán hàng và các công trình phụ trợ như: nhà vệ sinh, bể chứa nước sạch, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, mương tiêu thoát nước thải… với tổng vốn đầu tư 5,7 tỉ đồng. Năm 2018, chợ được khai trương nhưng rồi lại "cửa đóng then cài" vì không có ai đến họp.
Ông Nguyễn Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Hưng Đông cho biết: “Khu chợ được xây dựng, kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, góp phần chấn chỉnh tình trạng chợ cóc, chợ tạm gây mất an ninh trật tự, mỹ quan đô thị.
Điều đáng buồn, chỉ sau thời gian ngắn khai trương, chợ không có người đến mua bán. Mặc dù chợ nằm ngay cạnh con đường lớn nhưng không có người họp, chỉ lác đác vài quán bán thực phẩm và quầy bán hàng bách hóa.
Khu đình chính, đình phụ cửa đóng then cài không một bóng người. Dù các tiểu thương được vận động vào đình chính để buôn bán nhưng không thu hút được vì chợ không có khách”.
Khu Chợ mới xây của xã Nghi Kim, TP Vinh cũng trong tình cảnh tương tự, chợ khang trang nhưng lại vắng bóng tiểu thương. Chợ mới của xã Nghi Kim nằm trong tổng thể dự án gồm: chung cư, nhà ở liền kề, trường mầm non… với tổng diện tích 6,6 héc ta, trong đó diện tích xây dựng chợ là 1.200 m2. Từ khi hoàn thành (năm 2015) cho đến thời điểm này, chợ chưa một lần được đưa vào sử dụng, bỏ hoang.
Ông Trần Anh Tấn, Chủ tịch UBND xã Nghi Kim cho biết, người dân lâu nay vẫn quen đi chợ các xã lân cận hoặc mua bán ở một số địa điểm tự phát. Để chợ có thể đi vào hoạt động thì cần phải dẹp bỏ các điểm tự phát này, đặc biệt là chợ cóc quy tụ một số lượng rất lớn người mua bán ngay trước khu công nghiệp.
Tại chợ Vinh, khu chợ đầu mối lớn nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An (nằm ngay trung tâm của Tp. Vinh). Tầng 3 của khu chợ này với mặt sàn hơn 1000 m2 như bị lãng quên. Theo Ban quản lý chợ Vinh, năm 2017, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư xây dựng trung tâm thương mại tại tầng 3 chợ Vinh với diện tích 1.000 m2 để trưng bày giới thiệu sản phẩm của Hàn Quốc, tuy nhiên chỉ hoạt động một thời gian ngắn và sau đó thì dừng hoạt động, bỏ hoang đến nay.
Cơ quan chức năng và Ban quản lý chợ Vinh đã nhiều lần công khai quy hoạch, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đăng ký kinh doanh tại tầng 3 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Việc bỏ hoang nhiều năm khiến cho cơ sở vật chất ở tầng này xuống cấp, gây lãng phí.
Hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An rất nhiều chợ rơi vào cảnh phải đóng cửa, thậm chí một số chợ xây xong nhiều năm vẫn chưa một lần họp chợ. Tại chợ Bài Sơn, huyện Đô Lương, khu vực chợ thực phẩm tươi sống thuộc Dự án Lifsap xây dựng từ năm 2019 đến nay.
Phía trong chợ được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, có 20 quầy bán thịt tươi sống với đầy đủ tiện nghi như điện, nước, ngăn đựng đồ…
Tuy nhiên, tất cả khu vực đang bị bỏ hoang, mặt bàn phủ kín bụi, một số hạng mục lâu ngày không sử dụng đã xuống cấp.
Một số dãy ki ốt khác gần đó cũng không được sử dụng đúng mục đích, người dân gần đó dùng làm nơi phơi đồ đạc, chăn màn.
Tiểu thương không mặn mà “họp” chợ bởi người mua hàng thường có thói quen mua ở phía gần ngoài cổng chợ.
Chợ Đồng Vàng, xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên được xây dựng từ năm 2015 và hoàn thành năm 2018, với kinh phí hơn 5 tỉ đồng.
Sau khai trương, chợ vẫn không một bóng người. Đình chính của chợ rộng hàng trăm mét vuông bỏ hoang, người dân địa phương tận dụng để làm chỗ chứa lúa.
Ông Trần Văn Phi, Chủ tịch UBND xã Hưng Phúc cho biết, chợ khai trương vào năm 2018, nhưng chỉ “họp” được mấy ngày thì tan.
Năm 2019, xã tiếp tục vận động các hộ tiểu thương khai trương lần nữa, lần này địa phương không những không thu phí chợ, mà còn hỗ trợ mỗi quầy hàng bán thịt bò 1 triệu đồng; quầy bán thịt lợn, gà 500 ngàn đồng; người bán rau củ quả 200 ngàn đồng. Vậy nhưng chỉ 3 ngày họp chợ thì lại ảm đạm, không bóng người.
Nguyên nhân dù chợ rộng rãi nhưng không cạnh tranh nổi với chợ cóc tự phát thuộc xã Hưng Thịnh. Và cách đó không xa là chợ Mý, thuộc xã Châu Nhân đã có từ lâu đời. Giải pháp hiện nay, là UBND huyện Hưng Nguyên yêu cầu xã Hưng Thịnh dẹp bỏ chợ cóc, nhưng đến nay vẫn chưa dẹp được.
Một cán bộ phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Nghệ An cho biết, toàn tỉnh Nghệ An hiện có 371 chợ đang hoạt động. Đối với những chợ đang dừng hoạt động, trường hợp đã dùng mọi biện pháp để khuyến khích nhưng vẫn không thể họp được chợ, các địa phương có thể đề xuất UBND tỉnh và các ban ngành chuyển đổi mục đích sử dụng để tránh lãng phí tiền đầu tư cũng như quỹ đất.
Chợ tiền tỉ bỏ hoang không chỉ lãng phí nguồn lực đất đai, nguồn vốn đầu tư mà còn bộc lộ bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý.
Phát triển trung tâm thương mại là xu hướng tất yếu nhằm phục vụ kinh doanh, trao đổi hàng hóa của người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương, từ đó giải quyết tình trạng chợ cóc lấm chiếm lề đường làm nơi buôn bán. Vì vậy, cơ quan chức năng cần có giải pháp nhằm khai thác các công trình chợ đã đầu tư xây dựng.