TP.HCM:

Nhiều mô hình và sự kiện tại trường học, cộng đồng với chủ đề “Nói không với bạo lực“

THÙY TRANG

VHO - Ngày 15.12, tại TP.HCM, Hội Chữ thập đỏ TP.HCM đã tổ chức chương trình tập huấn giao lưu sự kiện “Thanh niên là nhân tố cho sự thay đổi - YABC”, với chủ đề “Nói không với bạo lực”.

Nhiều mô hình và sự kiện tại trường học, cộng đồng với chủ đề “Nói không với bạo lực“ - ảnh 1
Học sinh chia sẻ về mô hình "Hộp lắng nghe" - Nói không với bạo lực học đường

Chương trình có sự tham gia của hơn 200 tình nguyện viên là học sinh từ 6 trường THPT tham gia dự án, cùng thanh niên và tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ các quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Ông Trần Văn Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, Giám đốc Dự án tại TP.HCM cho biết: Chương trình nhằm tiếp tục thực hiện giai đoạn 3 năm thứ 3 của Dự án “Tăng cường năng lực cho thanh niên và tình nguyện viên Chữ thập đỏ về khả năng chống chịu dựa vào cộng đồng”, do Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc tài trợ.

Chương trình với mục tiêu thay đổi nhận thức của thanh niên và tình nguyện viên trong cộng đồng Chữ thập đỏ, đồng thời tạo ra môi trường tuyên truyền về các giá trị nhân đạo, triển khai mô hình trường học an toàn và các hoạt động trợ giúp cộng đồng.

Nhiều mô hình và sự kiện tại trường học, cộng đồng với chủ đề “Nói không với bạo lực“ - ảnh 2
Ông Trần Văn Tuấn chia sẻ về chương trình

YABC (Youth as Agents of Behavioural Change - Thanh niên là nhân tố cho sự thay đổi) là chương trình thanh niên của Phong trào Chữ thập đỏ, được xây dựng dựa trên mô hình thay đổi hành vi, nhằm thúc đẩy văn hóa hòa bình, phi bạo lực.

Các hoạt động YABC áp dụng các phương pháp như giáo dục đồng đẳng không chính quy, lấy người học làm trung tâm và học qua trải nghiệm, cũng như phương pháp phi nhận thức từ trái tim đến tâm trí.

Trong khuôn khổ dự án YABC tại TP.HCM, các giáo viên phụ trách là cán bộ dự án đã tham gia các lớp tập huấn từ Trung ương Hội. Sau đó, thanh thiếu niên tại các trường tham gia lớp tập huấn Đồng đẳng viên YABC với các chuyên gia quốc tế, nhằm phát huy khả năng lãnh đạo và sáng tạo trong việc giảm thiểu bạo lực học đường.

Nhiều mô hình và sự kiện tại trường học, cộng đồng với chủ đề “Nói không với bạo lực“ - ảnh 3
Mô hình “Trạm yêu thương và Cây thủ thỉ” của học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Tăng

Trong chuỗi hoạt động của dự án tại TP.HCM, Ban điều hành đã triển khai 18 sự kiện và mô hình YABC tại các trường học và cộng đồng, với chủ đề “Nói không với bạo lực”.

Các sự kiện này bao gồm các hoạt động sân khấu hóa, trò chơi trải nghiệm và các sáng kiến thanh niên giúp thay đổi hành vi và nâng cao nhận thức về bạo lực học đường.

Các mô hình YABC từ các trường THPT tham gia dự án như “Bức tường cảm xúc” của Trường THPT Nguyễn Huệ; “Pandora Box-Chiếc hộp lắng nghe” của Trường THPT Phước Long; “Hộp lắng nghe” của Trường THPT Đào Sơn Tây;

“Heo đất yêu thương” của Trường THPT Thủ Thiêm; “Trạm yêu thương và Cây thủ thỉ” của Trường THPT Nguyễn Văn Tăng; “Tranh vẽ phòng chống bạo lực” của Trường THPT Hiệp Bình, đã giúp học sinh xây dựng không gian giao lưu tích cực và hỗ trợ nhau trong việc giảm thiểu bạo lực.

Tại chương trình, các học sinh đã trình bày lại mô hình để các trường cùng giao lưu, chia sẻ. Hiện, các mô hình đã được ứng dụng tại nhà trường và được học sinh, giáo viên ủng hộ tích cực.

Bạo lực học đường đã trở thành vấn đề đáng lo ngại trong môi trường giáo dục, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn tác động nghiêm trọng đến tâm lý của học sinh.

Chính vì vậy, các mô hình YABC đã trở thành những giải pháp hiệu quả giúp học sinh thay đổi hành vi và lan tỏa văn hóa phi bạo lực trong trường học và cộng đồng.

Nhiều mô hình và sự kiện tại trường học, cộng đồng với chủ đề “Nói không với bạo lực“ - ảnh 4
Học sinh giao lưu, chia sẻ về câu chuyện mình từng là nạn nhân của nạn bạo lực học đường

Trong khuôn khổ sự kiện, học sinh Trường THPT Hiệp Bình đã biểu diễn tiểu phẩm với chủ đề “Nói không với bạo lực”, nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề bạo lực trong học đường.

Đây là một trong những hoạt động quan trọng của chương trình YABC, giúp học sinh và thanh niên nhận thức sâu sắc về tác hại của bạo lực và cách giải quyết thông qua sự đồng cảm và giao tiếp tích cực.

Bà Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng trường THPT Đào Sơn Tây, cho biết: "Trước khi tham gia dự án, học sinh của trường khá rụt rè, ngại ngùng trong các hoạt động giao lưu. Tuy nhiên, sau khi tham gia chương trình YABC, các em đã dần trở nên mạnh dạn, tự tin hơn, không chỉ trong các hoạt động trong trường mà còn mở rộng ra ngoài cộng đồng.

Các em đã học được cách đoàn kết, chia sẻ với nhau và đặc biệt là dám lên tiếng bảo vệ bạn bè bị ức hiếp. Tôi cảm nhận được sự thay đổi lớn trong cách các em thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của mình.

Tôi thật sự tin tưởng rằng đây là một chương trình ý nghĩa, mang lại giá trị thực tế và cần được nhân rộng để giúp nhiều em học sinh khác có cơ hội phát triển như vậy".

Nhiều mô hình và sự kiện tại trường học, cộng đồng với chủ đề “Nói không với bạo lực“ - ảnh 5
Cán bộ tham gia dự án và giáo viên, học sinh, tình nguyện viên chụp ảnh tại sự kiện giao lưu

Dự án YABC đã và đang mang lại những cơ hội cho học sinh, thanh niên, tình nguyện viên trong việc phát triển bản thân và xây dựng các giải pháp giảm thiểu bạo lực. Qua các hoạt động này, không chỉ rèn luyện kỹ năng cho các em mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng vững mạnh, thân thiện và an toàn.

Các học sinh, thanh niên, tình nguyện viên đã và đang trở thành những nhân tố tích cực trong việc thúc đẩy sự thay đổi, xây dựng môi trường hòa bình, phi bạo lực trong học đường và xã hội.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc