Lâm Đồng: Ra công điện khẩn sau khi liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở gây chết người

THÀNH KHIÊM

VHO - Ngày 21.7, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra công điện khẩn về việc chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh.

Lâm Đồng: Ra công điện khẩn sau khi liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở gây chết người - ảnh 1

2 vụ sạt lở liên tiếp trong vòng vài ngày qua tại cùng một khu vực khiến 3 người thương vong ở huyện Đam Rông (Lâm Đồng)

Theo công điện, trước tình hình thời tiết mưa nhiều diễn ra liên tục trong thời gian vừa qua, một số tuyến đường trên địa bàn đã xảy ra tình trạng sạt lở đất làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông và tính mạng, tài sản của người dân, nhất là trên địa bàn huyện Đam Rông; chiều 20.7 mưa lớn tiếp tục gây sạt lở làm sập 1 ngôi nhà tại xã Đạ K’Nàng khiến 1 người chết và 1 người bị thương nặng.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, trong những ngày tới, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã hình thành và có khả năng mạnh lên thành bão gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh. Để chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân và công trình cơ sở hạ tầng, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố cần chủ động chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống thiên tai nói chung và sạt lở nói riêng.

Lâm Đồng: Ra công điện khẩn sau khi liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở gây chết người - ảnh 2

Thời tiết mưa nhiều đã xảy ra tình trạng sạt lở đất làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông và tính mạng, tài sản của người dân 

Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống thiên tai; chịu trách nhiệm trước Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh đối với kết quả thực hiện công tác chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý.

Các Sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với các lực lượng Công an, Quân đội, chính quyền địa phương tham gia cứu nạn, cứu hộ, đưa người dân đến nơi an toàn và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

UBND các huyện, thành phố cần chỉ đạo lực lượng chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét đã được kiểm tra, rà soát theo chỉ đạo của UBND tỉnh; lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm và tuyệt đối không để người dân tiếp tục cư trú tại các khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt trượt (trường hợp người dân không chấp hành phải cưỡng chế di dời).

Lâm Đồng: Ra công điện khẩn sau khi liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở gây chết người - ảnh 3
2 vụ sạt lở liên tiếp tại huyện Đam Rông ...

Đối với các khu vực lân cận các vị trí có nguy cơ sạt trượt: vận động người dân tạm thời tránh trú tại nhà người thân để đảm bảo an toàn (nhất là vào ban đêm); đồng thời, chính quyền địa phương chủ động thực hiện phương án bố trí, hỗ trợ nơi tránh trú, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời.

Thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình thời tiết để cảnh báo kịp thời đến người dân tại các khu vực có mưa lớn, nhất là các các hộ dân ở khu vực sườn dốc, mái taluy cao, khu vực gần sông, suối...

Phát huy hiệu quả lực lượng xung kích tại địa phương theo phương châm “ba sẵn sàng”, tổ chức trực ban 24/24 trong những ngày mưa bão để kịp thời ứng phó sự cố có thể xảy ra; phải kịp thời báo cáo, thông tin về UBND tỉnh khi có sự cố sạt trượt, lũ quét gây ra chết người.

Lâm Đồng: Ra công điện khẩn sau khi liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở gây chết người - ảnh 4

...đã làm 3 người thương vong

Chủ động bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách và huy động các nguồn lực hợp pháp khác tại địa phương để xử lý ngay các điểm mất an toàn, có nguy cơ sạt lở cao; đồng thời, tổ chức kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân xây dựng công trình không phép, trái phép theo quy định của pháp luật (nhất là các công trình lấn chiếm bờ sông, lòng suối, kênh mương thoát nước; các công trình xây dựng trên sườn dốc, khu vực có độ chênh taluy âm/dương lớn, vùng trũng thấp); kiên quyết giải tỏa đối với các trường hợp vi phạm, tổ chức cưỡng chế giải tỏa (khi cần thiết) để đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân trong mùa mưa bão.

Sở GTVT, UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn, đơn vị quản lý đường bộ duy trì thường xuyên, liên tục công tác tuần tra, kiểm tra các tuyến đường xung yếu, các cầu yếu, các đoạn đường đèo thường bị sạt lở gây ách tắc giao thông thuộc phạm vi quản lý (nhất là các trục đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện); kịp thời xử lý trước các đoạn tuyến có nguy cơ sạt trượt và chủ động khắc phục hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông do mưa, bão gây ra nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn; trong đó, Sở Giao thông vận tải phải đặc biệt quan tâm và chủ động kiểm tra, rà soát nguy cơ sạt lở trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ (nhất là các đoạn đèo).

Đối với vụ sạt lở ở huyện Đam Rông vào chiều 20.7, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Chủ tịch UBND huyện tiếp tục chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả, tổ chức thăm hỏi các hộ dân có người bị nạn để kịp thời động viên, hỗ trợ theo quy định.

Bên cạnh đó, cần chỉ đạo các cơ quan chức năng xác định cụ thể nguyên nhân xảy ra sự cố sạt lở để rút kinh nghiệm. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan khi thiếu kiểm tra, giám sát dẫn tới tiếp tục xảy ra sạt lở làm chết người.

Đồng thời, phải cưỡng chế các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đã được rà soát, cảnh báo di dời đến nơi an toàn. Tuyệt đối không được để người dân tự ý quay về khi chưa có sự đồng ý của cơ quan có chức năng.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc