Kịp thời cứu sống NSND Thanh Tuấn bị ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp
VHO - Chiều 9.4, Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức buổi chia sẻ thông tin về quá trình điều trị thành công cho NSND Thanh Tuấn – bệnh nhân bị ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp tắc 3 nhánh mạch vành kèm mạch máu vôi hóa nặng.

Đánh giá về mức độ thử thách mà đội ngũ y bác sĩ phải đối mặt trong ca bệnh này, BSCK2 Phạm Thanh Việt – Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định, đây là trường hợp có mức độ nguy hiểm cao, với tỷ lệ tử vong đến 90% và có thể gây di chứng nghiêm trọng nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Nhờ sự phối hợp nhanh chóng và hiệu quả giữa các chuyên khoa, đội ngũ y bác sĩ đã đạt được kết quả "ngoạn mục", giúp NSND Thanh Tuấn hồi phục gần như hoàn toàn mà không để lại di chứng.
Đây là ca bệnh ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp, kèm mạch máu vôi hóa nặng, được điều trị thành công lần đầu tiên ở khu vực phía Nam.
Trước đó, nghệ danh NSND Thanh Tuấn, 75 tuổi có tiền sử hẹp mạch vành và bệnh tim thiếu máu cục bộ. Vào ngày 24.3, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng ho, đau ngực ngày càng nặng, khó thở phải dùng oxy mask và suy hô hấp nặng.
Đến khoảng 21h35 ngày 25.3, bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng hôn mê, ghi nhận ngưng tim.
BSCK2 Trầm Minh Toàn - Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ngay khi tiếp nhận, Bệnh viện đã kích hoạt quy trình báo động đỏ, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, đặt nội khí quản, thở máy...

Sau 15 phút, tim bắt đầu có dấu hiệu đập trở lại, bệnh nhân được chuyển thẳng đến khoa Hồi sức cấp cứu rạng sáng ngày 26.3.
Khi nhập khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh nhân đã hôn mê sâu, phù phổi cấp, phải thở máy và duy trì thuốc nâng huyết áp cùng tăng co bóp cơ tim.
Sau khi làm các xét nghiệm và hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, thiếu oxy não sau ngưng tim và suy đa cơ quan, cần lọc máu liên tục và hạ thân nhiệt để bảo vệ não.
Bệnh viện đã tổ chức hội chẩn khẩn cấp đa chuyên khoa và quyết định thiết lập ECMO cấp cứu kết hợp can thiệp mạch vành ngay trong ngày.
BSCK2 Trần Thanh Linh – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, việc thiết lập ECMO tại phòng thông tim là một phương án hiếm khi áp dụng do tính rủi ro cao.
Khi can thiệp ECMO, tình trạng bệnh nhân đã rất nguy kịch, vì vậy đội ngũ y bác sĩ phải vừa tái thông mạch vành, vừa phòng ngừa các yếu tố nguy cơ như thiếu oxy và suy thận.
Việc thực hiện ECMO tại phòng thông tim cũng gặp khó khăn do phải huy động đội ngũ và vận chuyển thiết bị, vật tư từ khoa Hồi sức cấp cứu. Đây là kỹ thuật yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ của cả ê kíp, vì một sơ suất nhỏ có thể dẫn đến kết quả không mong muốn.
Trong quá trình điều trị, ê kíp gặp thêm thách thức khi động mạch LAD 1 bị tắc do vôi hóa nặng.
BSCK2 Lý Ích Trung – Phó khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, việc tái thông mạch vành đã khó, can thiệp trong trường hợp này còn khó khăn hơn do mạch máu vôi hóa gần như không còn đủ diện tích để đặt stent.
Ê kíp buộc phải sử dụng kỹ thuật khoan cắt, bào mòn vôi hóa bằng Rotablator, nong bóng và thành công đặt 3 stent.
Kỹ thuật này đòi hỏi sự cẩn trọng cao vì đầu khoan mảnh, di chuyển nhanh trong lòng mạch, và cấu trúc mạch máu hiểm trở. Ê kíp phải xử lý nhanh chóng, linh hoạt để hạn chế tổn thương, tránh gây toan chuyển hóa và nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.
Sau 2 tiếng can thiệp, bệnh nhân tiếp tục được duy trì ECMO, thở máy, lọc máu liên tục và điều trị kiểm soát nhiệt độ tại khoa Hồi sức cấp cứu.
Đến ngày 28.3, bệnh nhân tỉnh, có thể rút nội khí quản và cai máy thở. Ngày 31.3, khi các chỉ số sinh tồn đã ổn định, bệnh nhân được cai ECMO và chuyển đến khoa Điều trị theo yêu cầu để tiếp tục theo dõi.
Là một trong những chuyên khoa tham gia điều trị cho bệnh nhân, TS Trương Phi Hùng – Phó khoa Nội Tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, có thể xem quá trình điều trị là một cuộc "đấu trí", chạy đua với thời gian để cứu sống bệnh nhân.

Mọi nỗ lực của ê kíp đã mang lại kết quả tích cực: Bệnh nhân vượt qua nguy kịch mà không để lại di chứng.
TS Hùng cũng cho biết, từ 2019-2024, bệnh viện đã điều trị khoảng 500 bệnh nhân mắc bệnh lý này, với tỷ lệ sống là 44,2% và tỷ lệ hồi phục hoàn toàn, không di chứng là 25,6%.
Trước sự "hồi sinh" ngoạn mục của mình, NSND Thanh Tuấn xúc động gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Ban lãnh đạo và đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã luôn sát cánh giúp ông vượt qua lằn ranh sinh tử, mau chóng phục hồi sức khỏe để trở lại với cuộc sống bình thường.