Khi những giấc mơ về một mái ấm không còn dang dở
VHO - Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần “tình đồng chí, nghĩa đồng bào” thấm đượm. Đây không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là phong trào toàn dân, toàn diện, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
Mục tiêu của chương trình là đảm bảo chỗ ở vững chắc, an toàn cho người có công với cách mạng, hộ nghèo và những gia đình chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và xây dựng cộng đồng bền vững.

Ấm lòng những “ngôi nhà 22”
Hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, ngày 30.3.2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/ TU về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách và những hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2024-2025.
Ngay sau khi phát động, chương trình đã nhanh chóng lan tỏa sâu rộng, trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn tỉnh, khẳng định quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Nhờ sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, hàng nghìn hộ gia đình tại Thanh Hóa đã được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở kiên cố, an toàn, giúp họ ổn định cuộc sống, “an cư lạc nghiệp”.
Đến tận bây giờ, ông Nguyễn Hữu Vui (xã Khuyến Nông, huyện Triệu Sơn) vẫn chưa thể tin mình đang được sống trong ngôi nhà kiên cố, khang trang sau hơn 40 năm chật vật trong căn nhà tạm bợ, dột nát.
Chia sẻ niềm vui, ông xúc động nói: “Đây thực sự là giấc mơ của những người dân nghèo như tôi. Tôi vui mừng khôn xiết, cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và những nhà hảo tâm đã giúp tôi có thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống”.
Cũng có hoàn cảnh éo le, bà Lê Thị Nhân (thôn Trường Xuân, xã Đông Ninh, TP Thanh Hóa) một mình gồng gánh nuôi cháu trai sau khi con trai qua đời, con dâu bỏ đi. Tuổi cao, sức yếu, không có thu nhập ổn định, căn nhà cấp 4 xây từ những năm 1980 đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng bà không đủ khả năng sửa chữa hay xây mới.
Qua khảo sát, chính quyền xã Đông Ninh đã đưa bà vào danh sách hỗ trợ xây nhà theo Chỉ thị 22-CT/TU với mức kinh phí 80 triệu đồng. Cùng với sự giúp đỡ từ nhiều nguồn khác, gia đình bà đã có thể khởi công xây dựng ngôi nhà khang trang, đến nay đã cơ bản hoàn thành.
Hòa chung niềm vui với các gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà theo Chỉ thị 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gia đình chị Lê Thị Thảo ở phố Dương Đình Nghệ, phường Tân Sơn cũng vỡ òa hạnh phúc khi chính thức dọn về nhà mới.
Hoàn cảnh chị Thảo vô cùng khó khăn, bản thân mắc bệnh hiểm nghèo không thể lao động, chồng thường xuyên đau ốm, trong khi con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. Cuộc sống thiếu thốn trăm bề, việc có được một ngôi nhà kiên cố tưởng chừng như một giấc mơ xa vời.
Nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, cùng sự giúp đỡ của bà con họ hàng và Hợp tác xã Dịch vụ Môi trường Tân Sơn, ước mơ ấy đã thành hiện thực.
Xúc động chia sẻ, chị Thảo nghẹn ngào: “Tôi vô cùng biết ơn Đảng, Nhà nước, bà con, cùng những tấm lòng hảo tâm đã giúp đỡ để gia đình tôi có được một ngôi nhà vững chắc. Đây là niềm hạnh phúc không gì sánh được”.
Quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, chương trình xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách tại Thanh Hóa đang được đẩy nhanh tiến độ, mang lại những thay đổi rõ rệt.
Chủ trương đầy tính nhân văn này không chỉ giúp các hộ dân ổn định chỗ ở mà còn đóng góp thiết thực vào công cuộc giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo tỉnh, tính đến cuối tháng 2.2025, tổng kinh phí ủng hộ tiếp nhận qua Ủy ban MTTQ Việt Nam ba cấp trong cả hai đợt đã đạt hơn 461 tỉ đồng.
Trong đó, 203 tỉ đồng đã được phân bổ để triển khai xây dựng, còn 221 tỉ đồng đang chờ phân bổ. Đến nay, toàn tỉnh đã khởi công xây dựng 5.686 căn nhà, trong đó đợt 1 là 4.225 căn, đợt 2 là 1.461 căn theo Chỉ thị số 22-CT/ TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 12.902 hộ chưa được hỗ trợ, trong đó 8.323 hộ cần xây mới và 4.579 hộ cần sửa chữa. Để hoàn thành mục tiêu, Thanh Hóa cần tiếp tục huy động thêm 633 tỉ đồng. Hiện tại, đã có 476 tỉ đồng từ các nguồn vận động, còn thiếu 157 tỉ đồng cần được bổ sung.
Những con số này không chỉ phản ánh sự quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa mà còn cho thấy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của toàn xã hội. Việc tiếp tục vận động, kêu gọi sự chung tay từ các tổ chức, cá nhân sẽ là yếu tố then chốt để chương trình đạt được mục tiêu, giúp hàng nghìn hộ dân sớm có mái ấm vững chắc.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”, tại Hội nghị giao ban đánh giá tiến độ triển khai trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Doãn Anh - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã nhấn mạnh yêu cầu các cấp, ngành và địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị để thực hiện chương trình một cách quyết liệt, khẩn trương, linh hoạt, sáng tạo, đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả.
Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo tỉnh, Ban Thường vụ các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương phân bổ 221 tỉ đồng trước trung tuần tháng 3 và đến 20.3, toàn tỉnh sẽ đồng loạt khởi công xây dựng nhà ở đợt 2 cho các hộ nghèo, hộ chính sách.
Song song đó, các địa phương sẽ phát động đợt cao điểm xây dựng nhà ở trong tháng 3 và tháng 4. Trường hợp thiếu nhân lực, chính quyền địa phương cần chủ động báo cáo để huy động lực lượng quân đội, đoàn thanh niên hỗ trợ xây dựng nhà.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành chức năng và chính quyền các cấp tập trung tháo gỡ khó khăn liên quan đến nguồn gốc đất, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Sở Tài nguyên và Môi trường để xử lý các vướng mắc về quỹ đất xây dựng nhà cho các hộ dân đủ điều kiện.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo tỉnh và chính quyền địa phương cũng sẽ thu đủ kinh phí đã vận động trong đợt 2 và tiếp tục kêu gọi sự chung tay, đóng góp từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm nhằm tạo thêm nguồn lực hỗ trợ cho chương trình.
Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” và quyết tâm hoàn thành xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp chính quyền, địa phương phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung lãnh đạo sát sao để đảm bảo mọi người dân đều có nơi ở ổn định.
Đồng thời, các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan phải báo cáo kết quả tiến độ hàng tuần về Ban Chỉ đạo tỉnh. Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ tổ chức họp giao ban hai tuần một lần nhằm đôn đốc, giám sát việc triển khai, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo chương trình đạt hiệu quả cao nhất.