Tuyến đường đầu tiên ở thủ đô dành cho xe đạp:

Khai trương tưng bừng, về sau “chết yểu”?

VĂN SỸ

VHO - Tuyến đường đầu tiên dành riêng cho xe đạp ở Thủ đô lưu thông ven sông Tô Lịch được Sở GTVT Hà Nội khánh thành đầu tháng 2.2024 kỳ vọng sẽ là điểm nhấn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển và kết nối các phương tiện. Tuy nhiên qua theo dõi, nhiều ý kiến cho rằng, “con đường đầu tiên” này đang có dấu hiệu “chết yểu”. Vì sao vậy?

Khai trương tưng bừng, về sau “chết yểu”? - ảnh 1

 Đường dành riêng cho xe đạp vắng tanh… xe đạp

 Làn dành cho xe đạp trên tuyến đường ven sông Tô Lịch có chiều dài 2.300m, rộng 3m, 1m dành cho người đi bộ từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy. Tuyến đường còn kết nối ga Lê Hồng Phong với ga số 8 của đường sắt đô thị Hà Nội. Dọc trên tuyến đường này còn bố trí 7 trạm xe đạp công cộng để kết nối giữa đường đi xe đạp với các tuyến xe bus, đường sắt đô thị...

Theo quan sát trong những ngày qua và ý kiến của người dân, du khách, chúng tôi nhận thấy rõ, ban đầu hầu hết đều cảm thấy thích thú đối với tuyến đường này bởi nó không chỉ có sự “ưu tiên” một làn đường riêng cho người đi xe đạp, đảm bảo sự an toàn, mà còn tạo ra một không gian văn minh, lịch sự. Có thể nói đây còn là một sản phẩm du lịch, tăng tính trải nghiệm cho người dân và du khách. Một số người khi được hỏi cũng cho biết đã có thời gian sử dụng con đường này hằng ngày với mục đích thể dục vì chi phí thuê xe thấp cùng với việc đạp xe trên tuyến đường này là khá mới lạ.

Bác Nguyễn Văn Chung, cán bộ nghỉ hưu cho biết, thời điểm đầu thường tham gia tuyến đường “ưu tiên” dành cho xe đạp để vừa tập thể dục, vừa giao lưu với bạn bè. “Những ngày đầu mới đưa vào khai thác có khá nhiều người dân và du khách tham gia để có sự trải nghiệm mới mẻ, nhưng càng về sau cứ thấy thưa dần, một phần là chất lượng vệ sinh, môi trường nơi đây đang xuống cấp”, bác Chung chia sẻ. “Trải nghiệm” trên tuyến đường này trong nhiều ngày qua, chúng tôi cũng ghi nhận một thực tế, lượng người sử dụng tuyến đường này khá thưa thớt, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có cảm giác nhu cầu cũng như tính hiệu quả của tuyến đường chưa nhận được sự quan tâm của nhiều người. Nói cách khác, dù đã được đầu tư hạ tầng khá đồng bộ, lại là con đường “ưu tiên” đầu tiên của Hà Nội dành cho xe đạp, nhưng chẳng mấy ai mặn mà, để ý.

Vì sao lại thế, một số người dân đi bộ trên tuyến đường này cho hay, “việc nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đường như vậy với kính phí hàng tỉ đồng, mọi người dân ở đây rất hoan nghênh, nó làm đẹp đô thị, làm cho thành phố xanh, sạch, đẹp hơn. Nhưng nói thật là, không thể đi bộ hay đi xe đạp ở đây lâu được vì mùi hôi thối xộc lên từ sông Tô Lịch và vô số bãi rác lớn, nhỏ ở ven đường”. Là tuyến đường được xây dựng để phục vụ cho người dân đi xe đạp nhưng phần đông là người đi bộ, chỉ xuất hiện lác đác vài xe đạp. Một vấn đề khác cũng gây “khó khăn”, đó là việc sử dụng xe đạp trên tuyến đường được một số bạn trẻ trải nghiệm, nhưng với người có tuổi thì mãi loay hoay trong việc tìm cách mở khóa xe. Còn nữa, tại thời điểm chúng tôi có mặt trên tuyến đường vào những ngày cuối tuần vừa qua còn thấy xuất hiện khá nhiều xe cơ giới đỗ tại các nút giao thông. Đáng nói ở đây không chỉ là một số xe con cá nhân mà còn xuất hiện cả xe của công ty vệ sinh môi trường đỗ chắn, lấn chiếm mặt đường, khiến người dân sử dụng xe đạp qua lại rất khó khăn, bức xúc. Thực tế này không chỉ xuất hiện trong những ngày gần đây mà đã diễn ra trong thời gian dài, nhưng không có sự can thiệp của lực lượng chức năng.

Khai trương tưng bừng, về sau “chết yểu”? - ảnh 2

 Nhiều phương tiện lấn chiếm, chắn đường xe đạp

Sau hơn 6 tháng đi vào vận hành, khai thác, yếu tố đảm bảo mỹ quan đô thị theo hướng “xanh, sạch, đẹp” cho tuyến đường đầu tiên dường như ít được quan tâm, nếu không dám nói đang bị xuống cấp. Nhiều người dân phản ánh, dọc hai bên đường cỏ dại mọc um tùm do không được cắt tỉa. Tại các điểm bồn hoa cây cảnh lại “bỗng dưng” trở thành bãi rác công cộng, từ rác sinh hoạt cho tới rác thải công nghiệp. Bác Nguyễn Văn Chung cho biết, mấy tuần đầu đưa vào vận hành, khai thác tuyến đường vẫn thấy có lực lượng chức năng tuần tra, xử lý nhưng càng về sau cứ vắng bóng dần nên người dân bạ đâu vứt rác ở đấy, làm cho tuyến đường trở nên nhếch nhác.

Tuyến đường đầu tiên dành riêng cho xe đạp ở Hà Nội đáng lẽ sẽ được phát huy liên tục, lâu dài, là nơi mà người dân và du khách tìm đến để trải nghiệm, tăng tính kết nối với các phương tiện khác. Thế nhưng, lúc mới khai trương thì tưng bừng, người dân thích thú, còn về sau ngày càng buồn vắng, ít ai quan tâm để ý. Một chuyên gia về quy hoạch giao thông cho biết, ý tưởng tạo lập con đường riêng dành cho xe đạp là khá hay nhưng lại thiếu sự đồng bộ với những tiện ích cần thiết. Ngoài ra còn phải kể đến sự tương thích với môi trường lại không đảm bảo, không ai dại gì đi xe đạp trong một không gian luôn bốc mùi hôi thối. Còn chúng tôi thì cho rằng, bên cạnh những nguyên nhân trên cần phải kể đến sự thiếu quan tâm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Trong quá trình vận hành, khai thác tuyến đường ít nhận được công tác duy tu, bảo dưỡng hạ tầng và cảnh quan cũng như thiếu biện pháp ngăn chặn lấn chiếm tuyến đường. Để cho tuyến đường ngày một trở nên vắng vẻ, không có người đi xe đạp, mặt đường bị lấn chiếm… thuộc trách nhiệm về ai, chứ không nên rơi vào tình cảnh “hòa cả làng”.

Không biết sự tồn tại tuyến đường đầu tiên dành riêng cho xe đạp ở Thủ đô sẽ kéo dài bao lâu, nhưng với kiểu quản lý, bảo vệ vận hành, khai thác như trong thời gian qua, sẽ khiến cho nó dần “chết yểu”.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc