Học sinh khiếm thị đọc sách ứng dụng trí tuệ nhân tạo

NHƯ ĐỒNG

VHO - Thầy Lê Tuấn Anh (35 tuổi) cùng hai học sinh của Trường Liên cấp Thành phố Giáo dục Quốc tế - IEC Quảng Ngãi đã nghiên cứu và chế tạo thành công thiết bị hỗ trợ học sinh khiếm thị đọc sách ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Học sinh khiếm thị đọc sách ứng dụng trí tuệ nhân tạo - ảnh 1
Thầy Lê Tuấn Anh (áo trắng) cùng học sinh thử nghiệm máy hỗ trợ đọc sách

Chia sẻ về ý tưởng sản phẩm, thầy Tuấn Anh cho biết, qua tìm hiểu, thực tế sách chương trình giáo dục phổ thông hiện nay chỉ in ấn một phần cho hệ thống chữ nổi và học sinh khiếm thị khi đọc sách qua chữ nổi thường bị giới hạn nội dung sách.

“Do đó, nhằm giảm khoảng cách tiếp cận giữa sách chữ nổi và sách giáo khoa, tôi nghiên cứu máy đọc sách cho học sinh khiếm thị, mong muốn các em được tiếp cận ngang hàng như học sinh bình thường”, thầy Tuấn Anh cho hay.

Qua số liệu thống kê của Bộ Y tế vào cuối năm 2023, Việt Nam có khoảng 2 triệu người mù lòa và thị lực kém (chiếm gần 2% dân số), trong đó có khoảng 1 triệu người là học sinh khiếm thị. Đây là đối tượng yếu thế trong xã hội, luôn gặp rất nhiều trở ngại trong việc tiếp cận tri thức và hòa nhập cộng đồng.

Dù hệ thống chữ nổi được áp dụng từ lâu nhưng chi phí in ấn cao và nguồn tài liệu còn hạn chế khiến học sinh khiếm thị không thể theo kịp chương trình, đặc biệt là Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Trăn trở về sự công bằng trong giáo dục, bằng sự kiên trì, sáng tạo và tâm huyết, thầy Tuấn Anh đã nghiên cứu, chế tạo ra thiết bị hỗ trợ đọc sách thông minh ứng dụng AI, tích hợp công nghệ nhận dạng ký tự quang học (OCR), xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) và chuyển đổi văn bản thành giọng nói.

Đây là một sáng kiến mang tính nhân văn, xuất phát từ sự thấu hiểu, đồng cảm sâu sắc với học sinh khiếm thị.

Học sinh khiếm thị đọc sách ứng dụng trí tuệ nhân tạo - ảnh 2
Thiết bị hỗ trợ đọc sách thông minh ứng dụng AI

Thiết bị hoạt động bằng cách nhận diện văn bản từ các tài liệu in, chuyển đổi nội dung thành giọng nói và phát qua loa, giúp học sinh khiếm thị dễ dàng tiếp cận thông tin mà không cần sự trợ giúp của người khác.

Đặc biệt, thiết bị còn có tính năng hỏi - đáp, cho phép học sinh đặt câu hỏi về nội dung tài liệu và nhận được câu trả lời qua giọng nói, mang lại trải nghiệm tương tác như “đọc sách cùng trợ lý”.

“Thiết bị này không chỉ giúp học sinh khiếm thị dễ dàng tiếp cận tri thức mà còn giảm bất bình đẳng trong giáo dục. Tôi hy vọng sản phẩm sẽ trở thành người bạn đồng hành, giúp các em tự tin hơn trên con đường học tập và phát triển bản thân”, thầy Tuấn Anh bày tỏ.

Sản phẩm đã được thử nghiệm tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng; Trung Tâm Hỗ Trợ phát Triển giáo dục hoà nhập TP Hồ Chí Minh; Trường Phổ Thông Đặc Biệt Nguyễn Đình Chiểu, Mái Ấm Huynh Đệ Như Nghĩa, Trung tâm Khiếm thị Nhật Hồng (TP Hồ Chí Minh);…

Qua đó, sản phẩm được đánh giá cao vì dễ sử dụng, độ chính xác cao trong đọc văn bản và khả năng hỗ trợ đa ngôn ngữ. Với mức giá chỉ khoảng 5 triệu đồng, rẻ hơn gấp 10 lần so với các thiết bị cùng loại hiện có trên thị trường, sản phẩm không chỉ mang lại giải pháp công nghệ tiên tiến mà còn hợp lý về giá cả.

Học sinh khiếm thị đọc sách ứng dụng trí tuệ nhân tạo - ảnh 3
Thiết bị hỗ trợ đọc sách cho học sinh khiếm thị được thử nghiệm ở nhiều trường học, trung tâm dành cho học sinh khiếm thị

"Nhược điểm của sản phẩm là còn cồng kềnh, với mong muốn mang lại hiệu quả cao nhất, tôi luôn lắng nghe ý kiến từ giáo viên, phụ huynh và các em học sinh khiếm thị để không ngừng cải tiến thiết bị sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm theo hướng gọn, nhẹ hơn, thẩm mỹ hơn", thầy Tuấn Anh cho biết.

Sản phẩm còn hướng đến việc mở rộng phạm vi sử dụng cho người cao tuổi, những người gặp khó khăn trong việc đọc chữ nhỏ hoặc văn bản phức tạp.

Điều này hứa hẹn mở ra tiềm năng ứng dụng mới cho sản phẩm, không chỉ phục vụ giáo dục mà còn hỗ trợ nhiều đối tượng trong xã hội.

Thầy Tuấn Anh cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp để có thể tối ưu thiết kế, sản xuất hàng loạt và đem đến lợi ích thiết thực cho cộng đồng người khiếm thị trên cả nước.

Cùng tham gia với thầy Tuấn Anh là 2 học sinh Nguyễn Đỗ Gia Phúc (lớp 10) và Đinh Gia Bảo (lớp 11).

“Ban đầu, khi làm ra 1 chiếc máy hỗ trợ đọc sách thì tốn rất nhiều thời gian nhưng bắt đầu làm từ chiếc thứ 2 trở đi, tôi chỉ cần khoảng 1 tuần cho 1 sản phẩm. Chúng tôi mong muốn mang đến giải pháp để giúp đỡ các bạn khiếm thị tiếp cận chương trình học”, Gia Bảo chia sẻ.