Phát triển nhân lực bao gồm cả giữ gìn bản sắc văn hoá, phát triển đạo đức kinh doanh

TÙNG QUANG; ảnh: NHẬT BẮC

VHO - Đó là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Diễn đàn chính sách "Việt Nam chủ động phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trong kỷ nguyên mới" diễn ra sáng nay 14.3 tại Hà Nội.

Phát triển nhân lực bao gồm cả giữ gìn bản sắc văn hoá, phát triển đạo đức kinh doanh - ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn

Đây là sự kiện chính trong chuỗi Hội nghị quốc tế về "Trí tuệ nhân tạo và Bán dẫn - AISC 2025", do Bộ Tài chính chủ trì, chỉ đạo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và các đối tác phối hợp tổ chức.

Tham dự có Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương; đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế; lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, cùng một số tổng công trình sư, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước, đến từ Liên minh Trí tuệ nhân tạo toàn cầu AI Alliance, các tập đoàn NVIDIA, Honeywell, IBM, Marvell, Aitomatic, Meta, Sony, MediaTek, TSMC, Google DeepMind, Soitec và nhiều tổ chức uy tín khác.

Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam phát triển dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đẩy mạnh kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, phát triển mạnh mẽ các ngành mới nổi như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật, chip bán dẫn.

Về cách làm để phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và bán dẫn, Việt Nam xác định thể chế là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", nhưng cũng là "đột phá của đột phá"; phải xây dựng thể chế thông thoáng;

Kiên quyết cắt bỏ ít nhất 30% số thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát; phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động, tạo không gian sáng tạo của mỗi chủ thể.

Chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy thúc đẩy phát triển; quản lý để phát triển chứ không phải quản lý để gây khó khăn, Thủ tướng nêu rõ.

Cùng với đó, phát triển hạ tầng chiến lược phục vụ phát triển AI, nghiên cứu và sản xuất bán dẫn, trong đó đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để giảm chi phí đầu vào, chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng số, hạ tầng năng lượng, không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, bảo đảm hạ tầng sóng và điện ở vùng sâu, vùng xa.

Đồng thời, bảo đảm phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển ngành chíp bán dẫn, AI. Theo Thủ tướng, đây là thách thức lớn nhất nhưng Việt Nam đang tập trung thực hiện, có giải pháp đổi mới hệ thống giáo dục đào tạo theo hướng chất lượng hơn, tập trung thúc đẩy nghiên cứu cơ bản, đào tạo tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai, phân luồng đào tạo hợp lý với tinh thần học tập suốt đời.

Cũng liên quan nguồn lực con người, Việt Nam tiếp cận vấn đề dân số theo quan điểm mới là dân số phát triển chứ không phải dân số kế hoạch hóa như trước đây.

Việt Nam cũng xây dựng hệ thống y tế, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và nâng cao thể lực, thể chất của người dân Việt Nam. Phát triển nhân lực cũng bao gồm cả giữ gìn bản sắc văn hoá, phát triển đạo đức kinh doanh, như vậy mới có thể phát triển nhân lực một cách căn cơ, bài bản, bền vững.

Về mục tiêu cụ thể, Thủ tướng cho biết đang tích cực đào tạo 100.000 kỹ sư bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trong những năm tới đây.

Việt Nam cũng đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm, tham khảo, học tập cùng các đối tác; xây dựng môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển.

Một giải pháp quan trọng khác là phát triển hệ sinh thái cho AI, bán dẫn, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phù hợp điều kiện, hoàn cảnh đất nước, năng khiếu và thế mạnh con người Việt Nam;

Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trên toàn quốc, dù già hay trẻ đều có thể khởi nghiệp phù hợp khả năng của mình và đáp ứng sự phát triển chung của đất nước; xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); phát triển các trung tâm tài chính quốc tế và khu vực ở TP.HCM và Đà Nẵng.

Việt Nam cũng đang đẩy mạnh cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và cách mạng cả về tư duy, cách làm, chuyển trạng thái từ tiếp nhận, xử lý công việc cho nhân dân, doanh nghiệp sang tìm đến dân, sát với dân để phục vụ nhân dân, giải quyết các công việc của nhân dân, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của nhân dân, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân ngay tại chỗ, ngay tại cơ sở, khuyến khích đổi mới sáng tạo của nhân dân.

Phát triển nhân lực bao gồm cả giữ gìn bản sắc văn hoá, phát triển đạo đức kinh doanh - ảnh 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tham gia lễ khởi động các sáng kiến và khẳng định cam kết tham gia phát triển hệ sinh thái AI và bán dẫn Việt Nam

Tóm lại, Việt Nam đang nỗ lực xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, phù hợp với xu thế phát triển chung của nhân loại về các ngành trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, với quyết tâm mạnh mẽ, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướngmong muốn các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài góp phần tư vấn về cách tiếp cận, tư duy, tầm nhìn, mục tiêu bảo đảm phù hợp tình hình Việt Nam, tình hình thế giới, có tính khả thi, hiệu quả; góp ý hoàn thiện thể chế, cắt bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, đưa ra các quyết định sớm nhất để giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp càng nhiều càng tốt.

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các đối tác hỗ trợ về tài chính như cho vay ưu đãi bảo đảm hiệu quả, hợp lý; giúp đỡ Việt Nam xây dựng các quỹ đầu tư, trong đó có cả quỹ đầu tư mạo hiểm, phát triển các trung tâm tài chính, nâng hạng thị trường chứng khoán, thu hút đầu tư trực tiếp và gián tiếp; xây dựng cơ chế đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động nguồn lực trong dân, trong xã hội.

Thủ tướng đề nghị các đối tác chuyển giao công nghệ cho Việt Nam thông qua các trung tâm R&D; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu.

Đồng thời, ưu tiên tiếp nhận người Việt Nam vào làm việc, tham gia lãnh đạo, quản lý ở các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới; góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển các trung tâm, cơ sở đào tạo tầm quốc tế trong các ngành mới nổi; đa dạng hoá các hình thức đào tạo phù hợp từng thời kỳ, giai đoạn, phát huy tối đa tinh thần học tập suốt đời.

Thủ tướng đề nghị các đối tác hợp tác với Việt Nam nâng cao năng lực quản trị thông minh tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà máy; đồng thời mọi công dân đều có trợ lý ảo để được sử dụng thành quả của AI và bảo vệ an ninh, an toàn cho người dân, hạn chế mặt trái của trí tuệ nhân tạo, tinh thần là "phát triển trí tuệ nhân tạo và phải thắng trí tuệ nhân tạo".

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết góp phần để các doanh nghiệp nước ngoài đã phát triển rồi thì phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn trong quá trình đầu tư, hợp tác, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam;

Bảo đảm cho các doanh nghiệp nước ngoài nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, có lợi nhuận cao hơn một cách hợp pháp, chính đáng;

Xây dựng cơ chế để giải phóng sức sản xuất, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả nguồn lực con người, tiềm năng thiên nhiên và nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc;

 Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nhà đầu tư bằng các giải pháp liên quan thể chế, chính sách, ưu đãi phù hợp, hiệu quả với tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ;

Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bằng các chính sách về visa, giấy phép lao động…, đặc biệt là nghiên cứu xây dựng một cửa đầu tư về quốc gia theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.