Công nghệ đường sắt cao tốc Trung Quốc:

Hình mẫu toàn cầu và tầm nhìn kết nối giao thông quốc tế

ĐÌNH KIÊN - BẠCH NGỌC

VHO - Trên thực tế, công nghệ đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã mang lại lợi ích cho thế giới, định hình tầm nhìn mới về kết nối giao thông quốc tế.

Hình mẫu toàn cầu và tầm nhìn kết nối giao thông quốc tế - ảnh 1
Trung Quốc sở hữu mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất và tiên tiến nhất thế giới

Từ kỳ tích nội địa đến dấu ấn toàn cầu

Đại hội Đường sắt cao tốc thế giới lần thứ 12, diễn ra từ ngày 8 đến 11.7 tại Bắc Kinh đã thu hút hơn 2.000 đại biểu đến từ hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế tham gia.

Đại hội cùng chia sẻ một nhận định: Công nghệ đường sắt cao tốc của Trung Quốc không chỉ đang tái định hình giao thông nội địa, mà còn vẽ lại bản đồ kết nối toàn cầu, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng ở quy mô chưa từng có.

Đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc chưa có một km đường sắt cao tốc nào và người dân vẫn phải di chuyển bằng những đoàn tàu chậm chạp, chen chúc.

Thế nhưng, chưa đầy hai thập kỷ sau, quốc gia này đã sở hữu mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất và tiên tiến nhất thế giới, với tổng chiều dài vận hành khoảng 48.000 km, dài gấp đôi tổng chiều dài các mạng lưới đường sắt cao tốc của tất cả các quốc gia khác cộng lại.

Hệ thống này kết nối tới 97% các đô thị có dân số từ 500.000 người trở lên, mở ra một kỷ nguyên di chuyển mới: Nhanh, an toàn, chính xác và thân thiện với môi trường.

Ông Alan Beroud, Chủ tịch Liên minh Đường sắt Quốc tế (UIC), trong bài phát biểu khai mạc Đại hội, đã nhấn mạnh: “Trung Quốc đã định hình lại không chỉ khả năng di chuyển, mà cả nền kinh tế và phát triển khu vực. Đây là một kỳ tích hiện đại hóa mang tính lịch sử”.

Định chuẩn toàn cầu từ đổi mới sáng tạo nội địa

Không những tăng tốc về độ phủ, Trung Quốc còn đi đầu trong thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu. Hiện nay, nước này đã xây dựng tất cả 13 tiêu chuẩn quốc tế cấp hệ thống cho đường sắt cao tốc do UIC đặt ra, cho thấy vị thế dẫn dắt cuộc chơi.

Đặc biệt, mẫu tàu điện nhiều đầu máy CR450 với tốc độ thử nghiệm đạt 450 km/h, hiện là tàu cao tốc nhanh nhất thế giới, mang theo kỳ vọng tái định nghĩa chuẩn mực về tốc độ và an toàn trong ngành Đường sắt.

Chiến lược phát triển của Trung Quốc không đơn thuần là tăng chiều dài đường ray hay nâng tốc độ tàu, mà còn đặt trọng tâm vào sự đổi mới sáng tạo có định hướng, phát triển đồng bộ giữa kỹ thuật, tiêu chuẩn, nhân lực và mô hình quản trị vận hành.

Đây là yếu tố cốt lõi khiến hệ thống đường sắt cao tốc Trung Quốc vừa hiện đại, vừa có khả năng mở rộng nhanh chóng và hiệu quả.

Hình mẫu toàn cầu và tầm nhìn kết nối giao thông quốc tế - ảnh 2
Tàu cao tốc là phương tiện di chuyển phổ biến của người dân Trung Quốc và khách nước ngoài khi tới nước này

Kết nối xuyên biên giới

Một điểm sáng trong câu chuyện thành công của Trung Quốc là khả năng xuất khẩu công nghệ, mô hình và tiêu chuẩn đường sắt cao tốc ra toàn cầu.

Hiện nước này đã hợp tác với hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, thực hiện hàng loạt dự án nổi bật.

Tuyến đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung (Indonesia), được xây dựng hoàn toàn bằng công nghệ Trung Quốc, đã rút ngắn thời gian đi lại từ hơn 3 giờ xuống còn 46 phút.

Trong khi đó, tuyến đường sắt Hungary - Serbia, do Trung Quốc hậu thuẫn, rút ngắn thời gian từ Budapest đến Belgrade từ 8 giờ còn 3 giờ, phục vụ hơn 11 triệu lượt hành khách kể từ khi hoạt động.

Tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào, vận hành theo tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại lần đầu tiên ở Lào đã vận chuyển hơn 52,7 triệu lượt hành khách và hơn 59,4 triệu tấn hàng hóa, tính đến tháng 5.2025.

Đặc biệt, lượng hàng hóa qua biên giới vượt 13,7 triệu tấn, chứng minh năng lực thúc đẩy thương mại khu vực rõ rệt.

Ông Daochinda Siharath, Tổng Giám đốc Cơ quan Đường sắt Quốc gia Lào, khẳng định: “Tuyến đường sắt này đã hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Lào, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân sống dọc tuyến đường”.

Giải pháp thực tế cho các quốc gia đang phát triển

Một điểm then chốt khiến mô hình Trung Quốc được đánh giá cao là tính khả thi và tính ứng dụng cao đối với các nước đang phát triển, vốn có xuất phát điểm tương đồng.

Ông Ulan Kulov, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đường sắt Trung Quốc - Kyrgyzstan - Uzbekistan, nhận định: “Hầu hết các quốc gia đều có cùng điểm xuất phát như Trung Quốc. Chúng ta có thể đi nhanh hơn nếu học hỏi từ họ, sử dụng công nghệ sẵn có thay vì phải phát minh lại từ đầu”.

Điều này mở ra khả năng đi tắt đón đầu bằng cách tiếp nhận công nghệ, tiêu chuẩn, mô hình vận hành và bài học phát triển đã được kiểm chứng.

Đường sắt cao tốc - nền tảng hợp tác xuyên quốc gia

Một điểm đặc biệt khác là khả năng kết nối và cộng sinh giữa Trung Quốc và các quốc gia khác, kể cả các nước công nghiệp phát triển.

Ví dụ như: Hitachi NICO Transmission của Nhật Bản từng bước vào thị trường Trung Quốc từ năm 1980 đã tận dụng cơ hội hợp tác song phương để cùng phát triển và cùng hưởng lợi.

Ông Matsui Shiro, Chủ tịch công ty này cho biết: “Chính nhờ sự phát triển tại Trung Quốc, chúng tôi đã nắm bắt được những cơ hội chưa từng có”.

Ông nhấn mạnh tính bổ trợ cao giữa doanh nghiệp Nhật - Trung trong các lĩnh vực linh kiện chuyên dụng, đồng phát triển và giải pháp tích hợp: “Sáng kiến Vành đai và Con đường đã mở ra những cánh cửa mới cho các liên doanh tại các thị trường bên thứ ba”, ông nói.

Hình mẫu toàn cầu và tầm nhìn kết nối giao thông quốc tế - ảnh 3
Việt Nam kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế khi đường sắt tốc độ cao được đưa vào xây dựng và khai thác

Kinh nghiệm và triển vọng cho Việt Nam

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để cất cánh bằng hệ thống đường sắt tốc độ cao, kỳ vọng  không chỉ là một dự án giao thông, mà là đòn bẩy chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, kết nối vùng và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Một số bài học then chốt từ Trung Quốc mà chúng ta có thể vận dụng hiệu quả là tư duy hệ thống và tầm nhìn dài hạn: Không phải xây một tuyến đường, mà cần hình dung mạng lưới tích hợp giữa đường sắt cao tốc - đô thị - hàng hóa - du lịch - logistics, từ đó lan tỏa chuỗi giá trị mới.

Tiếp nhận công nghệ và tiêu chuẩn có chọn lọc thay vì phát triển hoàn toàn nội địa, mở rộng hợp tác chiến lược với các đối tác đã có kinh nghiệm, kết hợp giữa học hỏi và nội địa hóa, tương tự cách Trung Quốc làm với Đức, Nhật Bản cách đây hơn 15 năm.

Đường sắt cao tốc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia chứ không chỉ là công cụ vận chuyển. Phát triển đường sắt phải đi đôi với phát triển công nghiệp phụ trợ, đô thị vệ tinh, giảm áp lực cho hàng không và đường bộ, đồng thời thúc đẩy du lịch xanh và phát triển vùng sâu vùng xa.

Việt Nam có thể bắt đầu từ trục Bắc - Nam, kết nối các thành phố lớn như: Hà Nội - Đà Nẵng - TP.HCM, sau đó mở rộng sang các tuyến hành lang kinh tế trọng điểm.

Điều cần thiết là tầm nhìn chính sách nhất quán, nguồn lực tài chính dài hạn và sự đồng thuận trong xã hội.

Kinh nghiệm của Trung Quốc là minh chứng cho việc nếu có tầm nhìn, quyết tâm và chiến lược đúng đắn, thì một quốc gia hoàn toàn có thể định hình lại tương lai di chuyển cho riêng mình, cho cả khu vực và thế giới. Đây là lúc Việt Nam cần hành động.